Giải pháp để giảm nghèo nhanh và bền vững ở khu vực miền núi

Trích tham luận của đại biểu Bùi Huy Toàn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, Đoàn đại biểu Đảng bộ huyện Ngọc Lặc dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh Thanh Hóa nói chung và các huyện miền núi nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo ở khu vực miền núi thời gian qua vẫn còn hạn chế, đó là: Tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao (chiếm trên 10,35%); hộ nghèo dân tộc thiểu số nhiều (15.222 hộ, chiếm tỷ lệ 47,23% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh); vẫn còn 73 thôn, bản thuộc 9 huyện miền núi với 4.102 hộ dân thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa có lưới điện quốc gia; đời sống của người nghèo còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng núi cao, biên giới; nhiều thôn, bản giao thông đi lại khó khăn, vẫn còn hộ dân thiếu đói lúc giáp hạt...

Để thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 - 2025 đối với các huyện miền núi, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Tiếp tục xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, hộ cận nghèo là giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững.
Tiếp tục phân công các sở, ban, ngành được phân công hỗ trợ, đỡ đầu các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, huy động nguồn lực để hỗ trợ, đỡ đầu các xã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo.

Tăng cường vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn/bản trong việc quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chú trọng các mô hình liên kết, gắn phát triển sản xúat với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Tạo điều kiện cho người nghèo về vốn, kiến thức khoa học, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra; đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp may mặc, giày da, chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ, du lịch cộng đồng... nhằm dạy nghề, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Xác định phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tiếp tục chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Quy hoạch khu dân cư phòng, chống thiên tai lũ ống, lũ quét; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là khu vực miền núi theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 - 4 - 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho công tác quản lý các công trình nước tập trung chống xuống cấp và sử dụng lâu dài.

Thường xuyên thu thập, phân tích, cập nhật thông tin, đánh giá đúng thực trạng nghèo, đặc biệt là nguyên nhân nghèo, mức độ thiếu hụt các chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp giảm nghèo đến từng hộ.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đối với việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững; gắn kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo với kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ, lãnh đạo quản lý hằng năm.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền, vận động nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào quyên góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Thanh Hóa chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm tôn vinh, khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu.

Nhóm PV Phòng XDĐ-NC (lược ghi)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/giai-phap-de-giam-ngheo-nhanh-va-ben-vung-o-khu-vuc-mien-nui/126499.htm