Giải pháp công nghệ 'thành phố thông minh' cho Việt Nam

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định 'TP.HCM quyết tâm xây dựng TP thông minh' và triển khai đề án HCMC Smart City (2017-2020, tầm nhìn 2025).

Ông cũng nhấn mạnh rằng TP.HCM cần có những “bước đi đột phá” như tại Khu công nghệ phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao quận 9 trong xây dựng. Theo đó, việc xây dựng một TP dựa trên công nghệ sẽ có tác động tích cực đối với cơ sở hạ tầng.

Thành phố thông minh. (Ảnh minh họa: LAVA/Fraunhofer IAO)

Phát biểu tại buổi tọa đàm "Mô hình TP thông minh và TP xã hội - trao đổi về phát triển đô thị giữa Việt Nam và Đức" tổ chức tại TP.HCM, GS Martin zur Nedden, nguyên Phó thị trưởng TP Leipzig, CHLB Đức, cho biết rằng: “Một TP thông minh sẽ có những tác động tích cực nhất định, ví dụ như giúp điều khiển giao thông hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, việc tăng tỉ lệ sử dụng các phương tiện giao thông công cộng gắn với môi trường nên sẽ có nhiều lợi ích”. Tuy nhiên, để có thể áp dụng hệ thống công nghệ thông tin vào mô hình TP hiện nay vẫn còn nhiều thách thức.

Những rào cản công nghệ

Đầu tiên, cơ sở hạ tầng không tương xứng và trình độ phát triển còn hạn chế là một rào cản lớn. Đơn cử là vấn đề cung cấp điện. Mạng lưới điện chằng chịt không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà hơn thế còn tạo nên những câu hỏi về việc điều tiết điện năng khi mất điện hoặc khi trời mưa.

TS Phạm Thanh Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undong ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Vấn đề mà tôi quan tâm là phát triển công nghệ hiện nay của chúng ta đã đủ điều kiện để phát triển TP thông minh chưa, khi mà những điều kiện công nghệ đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Lấy ví dụ như cơ sở hạ tầng, khả năng cung cấp điện của TP có đảm bảo thông suốt không, nếu mất điện thì những công nghệ đã triển khai sẽ như thế nào.

Vấn đề thứ hai là vấn đề ngập lụt ở TP sẽ ảnh hưởng đến đường điện và phải ngắt điện sửa chữa. Có lẽ chúng ta chưa lường trước được tác hại của việc khi phát triển công nghệ là hệ thống điện không đảm bảo được tính thông suốt”.

Thêm vào đó, việc ứng dụng mạng lưới công nghệ trong kỷ nguyên số như hiện nay dễ dàng tạo điều kiện cho lực lượng tội phạm công nghệ cao xâm nhập hệ thống.

“Việc số hóa có tác dụng tương đối về mặt cơ sở hạ tầng nhưng cần thật cẩn trọng khi áp dụng, vì nếu toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng đều liên kết thành mạng lưới thì rủi ro sẽ vô cùng cao. Không chỉ vậy, nguy cơ về tội phạm và hình sự cũng là vấn đề đáng quan tâm. Một khi đã sử dụng công nghệ sẽ không thể có sự an ninh tuyệt đối và khả năng tự phục hồi của hệ thống là khía cạnh cần nghiên cứu kỹ hơn” - GS Nedden cho biết.

TP.HCM đặt ra mục tiêu xây dựng trở thành TP thông minh trong tương lai. Ảnh: NGUYỄN VĂN HẢI/THANH NIÊN

Quan trọng hơn cả, một hệ thống quản trị thông minh cần đội ngũ nhân lực chất lượng cao quản lý cũng như cần những tài liệu hướng dẫn cụ thể. Để hoàn thiện được vấn đề này sẽ cần rất nhiều thời gian cũng như ngân sách đủ mạnh.

Tuy vậy, tính đến thời điểm hiện tại, những vấn đề này vẫn chưa được công khai thảo luận. Điều này đã tạo nên những quan ngại nhất định về tính khả thi của chiến lược xây dựng TP thông minh.

Những giải pháp khả thi

Để triển khai đề án TP thông minh, TS Phạm Thanh Duy cho rằng đề án này có thể được định hướng từng bước một. Ông Duy cũng dẫn chứng trường hợp của Nhật Bản về việc dự báo thời tiết rất chính xác và có khả năng TP.HCM sẽ phát triển theo hướng này.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng cũng sẽ là một phần trong đề án. Được biết ở Đức, các học giả đặt mục tiêu cho tỉ lệ sử dụng các phương tiện công cộng là 70%.

Ở Việt Nam, hiện nay mới chỉ có xe buýt và sắp tới là tàu điện, vậy những chính sách của TP phải làm thế nào để người dân cảm thấy việc sử dụng các phương tiện này thuận tiện và kinh tế hơn ô tô hay xe máy.

TS Phạm Thanh Duy cũng đề xuất: “Tàu điện ngầm hay những phương tiện giao thông công cộng khác phải được thiết kế sao cho phương tiện đó thuận lợi nhất cho người dân. Còn lại ai sử dụng phương tiện cá nhân thì phải đi bộ 500 m hay 1 km để đến được các địa điểm công cộng thì mới giảm được số phương tiện cá nhân và thúc đẩy được phương tiện giao thông công cộng”.

Có thể nói mặc dù công nghệ là một rào cản lớn trong xây dựng và phát triển TP theo mô hình TP thông minh nhưng không có nghĩa là đề án này không có những chỉ dấu tích cực.

Với nguồn chi phí khá hạn chế do ngân sách nhà nước chỉ có thể hỗ trợ các công trình quan trọng, còn lại vẫn phải dựa vào đầu tư nước ngoài và đóng góp từ phía người dân, việc tiến hành từng bước một sẽ là một hướng đi đúng đắn và có lợi hơn đối với TP.

Dù vẫn còn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, các học giả và các nhà hoạch định chính sách vẫn tin rằng mô hình TP thông minh sẽ thay đổi bộ mặt của TP, nâng cao được chất lượng cuộc sống của người dân và có thể trong tương lai TP.HCM sẽ bắt kịp tốc độ phát triển của các đô thị lớn ở châu Á.

Theo GS Nedden: “Tốc độ phát triển hiện tại củaTP.HCM đã có thể so sánh với Kuala Lumpur hay Jakarta và TP vẫn còn rất nhiều cơ hội để học hỏi kinh nghiệm quy hoạch đô thị từ các TP khác trên thế giới”.

Dẫu vẫn còn khá nhiều thách thức, Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc định hình những TP thông minh với đầy đủ cơ sở hạ tầng, giao thông, hệ thống công nghệ cao trên toàn lãnh thổ, bước đi đúng đắn định hướng xây dựng hình ảnh Việt Nam như một quốc gia khởi nghiệp mới.

NHÃ VY

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/giai-phap-cong-nghe-thanh-pho-thong-minh-cho-viet-nam-660105.html