Giải pháp chống lãng phí và độc quyền sách giáo khoa

Đó là nội dung của buổi đối thoại trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức vào sáng qua (24.9). Các khách mời tham dự chương trình chỉ ra thực trạng lãng phí sách giáo khoa và những giải pháp để xóa bỏ tình trạng này.

Các khách mời tham dự buổi đối thoại tìm giải pháp chống lãng phí sách giáo khoa - Ảnh: Khả Hòa

Bạn đọc có thể xem chương trình tại thanhnien.vn hoặc facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Chưa sử dụng hết công suất của SGK

Ngay đầu chương trình, ông Võ Quốc Bình, phụ huynh học sinh (HS) tại TP.HCM, đã chỉ ra những bức xúc của mình về những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa (SGK) trong thời gian qua. Ông Bình nói: “Thứ nhất là cách tiếp cận với nguồn SGK, nhìn rõ ràng là nguồn sách độc quyền xuất bản. Việc độc quyền trong xuất bản SGK là điều tôi không đồng tình, chính vì độc quyền nên nảy sinh những vấn đề chất lượng, nguồn cung cầu… Thêm vào đó là việc không tái sử dụng, gây lãng phí từ nguồn giấy, nguồn nhân lực...”.

Ông Bình khẳng định: “Việc phát hành SGK hiện nay là không ổn. Mà độc quyền thường đi kèm với nhiều hệ lụy. Tôi cho rằng chúng ta đang dùng giáo dục để kinh doanh. Vấn đề này đã tồn tại quá lâu nên Bộ cần xóa bỏ, tạo môi trường cạnh tranh để phát triển và nâng cao chất lượng”.

Nói về thực trạng sử dụng SGK hiện nay, ông Phạm Phương Bình, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), cho hay càng ở những bậc học cao thì nhu cầu sử dụng SGK càng giảm. Đa phần tâm lý phụ huynh đầu năm học thường mua bộ SGK cho con mà chưa hẳn có sử dụng hết hay không. Đối với các trường phổ thông hiện nay, theo ông Bình, còn có sách nâng cao, bài tập vì SGK không đáp ứng được nhu cầu học để thi, nhất là các kỳ thi quan trọng. Ngoài ra, các trường đều xây dựng đề cương nội bộ từ nguồn chương trình chuẩn để chuyên sâu kiến thức, giúp học sinh hoàn thành mục tiêu các kỳ thi.

Hiện chưa có đánh giá tổng thể xem HS có sử dụng đúng SGK hay không bởi các nội dung giảng dạy đã được truyền tải trên giáo án, phương tiện khác.

Là thành viên tham gia viết SGK hiện tại và SGK mới, ông Trần Đức Huyên, nguyên Hiệu phó Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), đồng tình với nhận xét trên: “Thực ra tôi thấy có nhiều bất cập, sách hiện tại mang tính hàn lâm, nặng lý thuyết, thiếu phần thực hành. Bộ sách hiện nay biên soạn từ năm 2002, chẳng hạn môn toán, chủ yếu là chứng minh định lý, làm bài tập và thiếu tính ứng dụng, thiếu tính cập nhật. Trước đây, SGK là chương trình nên không thể thay đổi”.

Đặc biệt, ông Phạm Phương Bình nói thêm về sự lãng phí còn do chất lượng sách hiện nay không đáng để bỏ công giữ gìn vì giá có khoảng 10.000 đồng/cuốn. Cho dù việc giữ gìn SGK để truyền lại cho lớp sau hay vào thư viện mượn là việc giáo dục HS tính cẩn thận nhưng khi được cho chưa chắc có người muốn nhận…

Phải thay đổi cách đánh giá, thi cử

Về lĩnh vực xuất bản, ông Trương Văn Tuấn, Phó giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Đồng Nai, cho rằng càng có nhiều NXB tham gia thì càng tốt, đáp ứng xu thế của thế giới và yêu cầu cấp thiết của ngành giáo dục. Tuy nhiên cần lộ trình, quy trình cụ thể sao cho hiệu quả và ít tốn kém nhất.

Để chuẩn bị cho năm học 2019 - 2020, dự kiến lúc bấy giờ HS cả nước học theo một chương trình với nhiều SGK, quyền lựa chọn thuộc về nhà trường, giáo viên, phụ huynh và HS, ông Phạm Phương Bình cho biết sẽ xây dựng tiêu chí, chiến lược, giảng dạy nhằm mục đích gì, mục tiêu đào tạo như thế nào và từ đó sẽ xây dựng và lựa chọn sách sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Quyền không chỉ thuộc một người mà do hội đồng trường với sự tham gia ý kiến của phụ huynh, HS và kết quả học tập của HS sẽ chứng minh nhà trường đúng hay không.

Tuy vậy, ông Phương Bình nói rằng không băn khoăn về việc lựa chọn nguồn sách mà quan trọng nhất là thi cử. Trong thời gian tới, hướng khảo thí cũng phải tiệm cận với xu hướng của quốc tế. Và chuyện thi cử, kiểm định nên để cho một trung tâm độc lập ngoài Bộ GD-ĐT. “Nếu Bộ cũng có một bộ sách thì tôi chắc chắn các trường sẽ chọn bộ sách của Bộ nhiều hơn vì Bộ vẫn còn nắm khâu quan trọng là thi cử. Nếu trong đề thi trọng tâm vẫn rơi vào cuốn sách của Bộ thì ít trường nào dám dùng bộ sách khác”.

Ông Trần Đức Huyên cho rằng sẽ giảm lãng phí khi trao quyền cho người học lựa chọn SGK, bởi lúc bấy giờ nếu nhu cầu HS lựa chọn nhiều, NXB in nhiều và ngược lại. Đồng thời, mỗi trường học nên có quỹ để tạo tủ sách cho HS mượn. HS nào đủ sức mua thì mua còn không thì vẫn có thể mượn, tạo điều kiện cho mọi HS đều có sách để học. Cũng theo ông Huyên điều cần thiết là phải thay đổi cách đánh giá, thi cử.

Bích Thanh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/giai-phap-chong-lang-phi-va-doc-quyen-sach-giao-khoa-1007114.html