Giải pháp chống kẹt xe của sinh viên

Trước vấn nạn kẹt xe tại TP.HCM hiện nay, nhiều nhóm sinh viên đã tìm hướng giải quyết cho thực trạng này.

Nhóm tác giả “đèn giao thông thông minh” trình bày ứng dụng tại cuộc thi - Ảnh: Nữ Vương

Đây là cuộc thi tạo lập ra những phần mềm, ứng dụng từ dự án khởi nghiệp nhằm giải quyết vấn nạn kẹt xe, đóng góp cho cộng đồng.

Đèn giao thông thông minh

Ứng dụng xuất phát từ ý tưởng của 5 sinh viên (SV) gồm: Phan Trường Khang (trưởng nhóm, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) và Hoàng Trung Hiếu, Đỗ Thanh Phong, Đậu Bá Kiên, Nguyễn Hữu Đạt Đức (cùng là SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM).

Ý tưởng của nhóm là xây dựng một hệ thống đèn giao thông có thể tự động điều khiển được thời gian thay đổi tín hiệu xanh, đỏ tùy thuộc vào lưu lượng xe từ các hướng khác nhau.

“Thay vì chờ một giải pháp toàn diện thì ta cứ bắt đầu bằng những biện pháp nhỏ nhưng hiệu quả. Bởi hiện nay, cứ vào giờ cao điểm cảnh sát lại ra các trạm đèn giao thông để điều khiển. Nhưng như thế thì rất thủ công và hao tốn nhân lực. Chính vì thế, tụi mình đã sáng chế ứng dụng đèn giao thông thông minh”, Khang lý giải.

Để làm được điều này, nhóm sử dụng công nghệ xử lý hình ảnh để xác định những hướng lưu thông đang có nhiều xe để ưu tiên trước khi đi qua các ngã ba, ngã tư.

“Nhóm sử dụng thư viện mã nguồn mở Open CV, các hàm và chương trình được cung cấp sẵn nhận diện các loại xe di chuyển trên đường. Hệ thống sẽ gồm nhiều camera đặt ở 4 hướng để ghi hình và đếm số lượng di chuyển của xe ở mỗi hướng. Dựa vào lưu lượng này (số lượng xe di chuyển trên một đơn vị thời gian) đưa vào thuật toán sẽ tính được chính xác lượng thời gian cần thiết cho đèn xanh và đèn đỏ ở mỗi hướng sao cho tối ưu nhất”, Hiếu phân tích thêm về công nghệ xử lý hình ảnh của nhóm.

Nhóm còn làm nên một phần mềm tích hợp nhiều tính năng cho người sử dụng xe buýt chủ động hơn. Ứng dụng có thể tính được khoảng cách, vận tốc của các xe buýt, từ đó thông báo cho người dùng khi nào sẽ có xe đến trạm. Để tránh được tình trạng bỏ trạm, ứng dụng sẽ báo cho bác tài biết trước những trạm nào có hành khách đang chờ.

Nhóm đã sử dụng cảm biến hồng ngoại gắn vào các cửa lên xuống của xe buýt nhằm tính số người đang có ở trên xe. Từ đó thông báo cho người dùng biết trên xe đang có bao nhiêu người và có còn ghế ngồi hay không để người sử dụng chủ động hơn.

Nhóm Infection

Thông báo trước cho người dùng

Khác với nhóm bạn trên, nhóm Infection đã nảy ra ý tưởng làm một ứng dụng có thể giúp phát hiện kẹt xe từ những người đang tham gia giao thông và thông báo cho mọi người về tình hình giao thông trên các tuyến đường một cách tự động. “Hiện trạng kẹt xe tại TP.HCM vẫn luôn là vấn đề nan giải do chưa có một giải pháp hiệu quả. Vấn đề mà tụi mình nhận ra ở đây là việc lưu lượng người tham gia giao thông liên tục gia tăng và dồn vào điểm kẹt xe này. Trong khi đó, có những đoạn đường khác thoáng hơn nhưng không ai biết để né điểm kẹt xe”, Lê Tử Khiêm, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên, trưởng nhóm Infection, nhìn nhận.

Điều đặc biệt là ứng dụng này có thể báo hiệu cho người đang tham gia giao thông sắp đi vào tuyến đường bị kẹt khi họ muốn đi vào tuyến đường đó. Mặt khác, ứng dụng sẽ đề xuất một tuyến đường khác thoáng hơn để có thể giảm lưu lượng xe lưu thông vào tuyến đường bị kẹt. Như vậy, lưu lượng xe sẽ được chia đều ra các tuyến đường, đồng thời tuyến đường bị kẹt do không có lưu lượng xe đi vào, sau một khoảng thời gian ngắn sẽ lưu thông bình thường trở lại.

“Để làm được như vậy, tụi mình sử dụng thông báo thông qua Notification bar (tạm dịch là thanh thông báo) trên điện thoại. Tụi mình cũng nghĩ tới trường hợp người dùng đang lái xe sẽ không thể nhận được ngay thông tin, do đó tụi mình đã hỗ trợ thêm việc thông báo qua vòng đeo tay thông minh. Loại vòng đeo tay này đã có bán trên thị trường, chỉ cần cài vào ứng dụng của mình là có thể dùng được. Khi có thông báo đến người dùng thì vòng tay sẽ rung và màn hình vòng tay sáng lên, từ đó người dùng biết được tình trạng kẹt xe”, Khiêm phân tích.

Theo Chế Quốc Hữu (thành viên của nhóm), trong tương lai nhóm quyết tâm hoàn thiện sản phẩm để có thể tích hợp ngay trong các phương tiện giao thông mà không cần phải thông qua điện thoại. Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ nghiên cứu hỗ trợ cho người sử dụng nhiều hơn, không chỉ ở những tuyến đường kẹt xe mà còn cảnh báo những tuyến hay xảy ra tai nạn, những đoạn đường nguy hiểm cũng như kết hợp các yếu tố thời tiết để nhắc nhở và nâng cao cảnh giác người dùng.

Nữ Vương - Nữ Vương

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/giai-phap-chong-ket-xe-cua-sinh-vien-828494.html