Giải pháp cho nguồn nhân lực nghề cá vùng Bắc Trung Bộ

Vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An với trữ lượng thủy sản đa dạng là một trong những ngư trường quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ. Với đội tàu khai thác lớn, tổng số lên tới gần 11.000 chiếc, nghề khai thác hải sản là một trong những mũi nhọn kinh tế chủ lực của cả hai địa phương. Tuy nhiên, gần đây nghề này đang gặp khó khăn khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ, nhân lực đi biển thiếu hụt trầm trọng..

Vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An với trữ lượng thủy sản đa dạng là một trong những ngư trường quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ. Với đội tàu khai thác lớn, tổng số lên tới gần 11.000 chiếc, nghề khai thác hải sản là một trong những mũi nhọn kinh tế chủ lực của cả hai địa phương. Tuy nhiên, gần đây nghề này đang gặp khó khăn khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ, nhân lực đi biển thiếu hụt trầm trọng..

Những cảng cá vắng lặng

Cuối tháng 9-2020 chúng tôi về vùng biển Hoằng Hóa (Thanh Hóa) nơi có bến cảng cá Hoằng Trường, không khí ở đây rất trầm lắng. Ông Phạm Văn Hưng, chủ tàu TH 90253 có công suất 350 CV cho biết, bình thường, nếu đủ lao động với khoảng 10 thuyền viên, mỗi năm ông đi gần 20 chuyến biển xa. Ðây là loại tàu biển thuê lao động với hình thức theo chuyến được bao nhiêu thì trả công bấy nhiêu. Thí dụ cả chuyến đi thu được 130 triệu đồng, trừ đi 30 triệu đồng chi phí, lãi còn lại "cưa đôi" chủ tàu và người lao động mỗi bên 50%. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, do thiếu lao động cho nên tàu của ông phải nằm bờ mất khoảng 5 tháng. Ðể cầm cự, ông Hưng chuyển sang đánh bắt ven bờ bằng loại lưới te, chỉ đủ duy trì trả lương nhân công với mức rất thấp, khoảng hai triệu đồng/người/tháng. Lương thấp, người lao động nghề cá đi tìm kiếm việc khác để sinh sống như xuất khẩu lao động, chạy xe ôm, phụ hồ cho nên cả cảng cá Hoằng Trường có bảy chiếc tàu đánh bắt xa bờ thì thời điểm này, tất cả đều nằm bờ… Ông Hưng nói: "Tàu của tôi hiện còn nợ ngân hàng 600 triệu đồng, không biết bao giờ trả hết".

Không chỉ tàu khai thác biển xa nằm bờ, nhiều tàu hậu cần cũng trong tình trạng tương tự. Gia đình chị Nguyễn Thị Thảo, phố Tân Lập, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn vay hơn một tỷ đồng của ngân hàng, cộng với nguồn tích lũy của gia đình mua chiếc tàu công suất hơn 900 CV làm dịch vụ thu mua hải sản trên biển. Mỗi chuyến vươn khơi, chủ tàu phải đầu tư hơn 100 triệu đồng mua nhiên liệu, đá lạnh, lương thực, trả công ba triệu đồng/người cho 10 lao động. Từ đầu năm đến nay, hiệu quả đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống giảm, nhiều tàu cá ở phường Quảng Tiến, vươn tới ngư trường xa hơn đánh bắt, sau đó bán hải sản ở tỉnh ngoài cho nên tàu dịch vụ của gia đình chị gần như không xuất bến vì càng đi càng lỗ. Theo chị Thảo, nhiều chủ tàu dịch vụ giờ không dám mạnh dạn đầu tư ứng trước cho các tàu đánh bắt hải sản để mua sản phẩm khai thác được. Mặt khác tai nạn rủi ro trên biển dễ xảy ra, nhân công lao động đi biển vừa thiếu, vừa đòi công cao lại đang có xu hướng chuyển sang tìm nghề khác có thu nhập cao hơn.

Rời Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục đi về huyện phát triển nghề biển lớn nhất Nghệ An là Quỳnh Lưu. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Bộ cho biết: Toàn huyện có khoảng 1.165 tàu, thuyền (toàn tỉnh có 3.500 tàu, thuyền), với lượng nhân công đi biển thường trực hơn 8.000 người. Do tính rủi ro cao, thu nhập bấp bênh, hợp đồng thuê lao động tự do khai thác hải sản thiếu cơ sở pháp lý ràng buộc dẫn đến tình trạng lao động nghề biển tự ý bỏ việc càng nhiều... Có nhiều xã hiện chỉ có hơn 50% số lượng lao động trong nghề biển được tập huấn các khóa học ngắn ngày, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, thuyền máy, thuyền viên; số còn lại chưa qua đào tạo về kỹ thuật. Ðây đang là trở ngại lớn cho việc khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản của địa phương…

Ngư dân mua bán hải sản tại cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Nguyên nhân và giải pháp

Có rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan khiến cho nguồn nhân lực khai thác biển tại vùng Bắc Trung Bộ đang giảm mạnh. Trước hết, câu chuyện này liên quan sát sườn đến thu nhập người đi biển hiện nay là bấp bênh và rất thấp. Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến, Trần Học Ðính cho biết, phường có 90% dân số tham gia nghề biển, với hơn 2.200 lao động trực tiếp khai thác biển và 244 phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên. Hiện nay, người lao động được trả lương theo hai hình thức là trả theo tháng và trả theo chuyến. Nếu hưởng lương theo tháng thì rất thấp, khoảng bốn đến năm triệu đồng/người/tháng; còn nếu theo chuyến thì có thể cao hơn nhưng rất bấp bênh do phụ thuộc vào thời tiết, nguồn cá. Thứ hai là hệ thống văn bản pháp luật quản lý nghề đánh bắt cá xa bờ về tiêu chuẩn, phương tiện đánh bắt, nhân sự lao động ngày càng chi tiết và chặt chẽ cũng khiến cho nghề khai thác hải sản truyền thống gặp nhiều khó khăn hơn. Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các chính sách liên quan đến hoạt động thủy sản tại địa phương, bên cạnh các quy định của Luật và các văn bản nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác quản lý và phù hợp với quy định chung của quốc tế vẫn còn một số những tồn tại, khó khăn, vướng mắc như việc chuyển đổi phương thức quản lý tàu cá từ quản lý theo công suất (CV) sang chiều dài (m). Thí dụ tàu cá từ 90 CV trở lên có chiều dài dưới 15 m không được cấp hạn ngạch khai thác ngoài khơi, gây khó khăn, bất lợi cho ngư dân bởi không phải chủ tàu nào cũng có đủ kinh phí để hoán cải tàu cá. Thứ ba, việc lắp đặt thiết bị định vị, giám sát hành trình tàu cá (VMS) là quy định mới, bắt buộc. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương ven biển, đến nay số tàu đánh bắt cá của ngư dân Bắc Trung Bộ được lắp đặt thiết bị còn hạn chế, phần lớn ngư dân có điều kiện kinh tế khó khăn trong khi kinh phí mua các thiết bị khá lớn, ngân sách địa phương không cân đối được để hỗ trợ ngư dân. Ðến nay, ngư dân Thanh Hóa vẫn chưa được hỗ trợ, và chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình quy định. Toàn tỉnh mới có 412 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên được lắp đặt thiết bị này trên tổng số 1.323 tàu phải lắp đặt. Rất ít lao động tại địa phương đáp ứng được những yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật đánh bắt cá trong giai đoạn mới khiến nguồn lao động biển càng trở nên thiếu hụt hơn.

Nhìn một cách toàn diện, để tổ chức lại nguồn nhân lực khai thác nghề cá một cách ổn định và có chất lượng cao hơn, các tỉnh Bắc Trung Bộ cần có một số giải pháp căn cơ, thiết thực. Ðó là bà con ngư dân cần được vay vốn (ngoài chính sách đã áp dụng theo Nghị định 67/2014/NÐ-CP) để các tàu khai thác xa bờ tiếp tục được nâng cấp, hoán cải. Tàu có chất lượng cao, khả năng đánh bắt lớn và an toàn thì mới thu hút được nguồn nhân lực theo nghề, bám biển. Công tác đào tạo chuyên sâu về nhân lực chất lượng cao, bảo đảm yêu cầu trong nước và quốc tế rất cần được xem trọng. Gần đây, một số nơi như Trường cao đẳng nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp các địa phương ven biển tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ cho thuyền viên làm việc trên tàu cá. Cụ thể, năm 2019 đào tạo được tám lớp sơ cấp, bồi dưỡng kiến thức cho 641 học viên thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá; từ đầu năm 2020 đến nay dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng vẫn mở được hai lớp với 56 học viên học cấp đổi chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng theo quy định. Tại Nghệ An, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm, Chi cục Thủy sản phối hợp Trường đại học Nha Trang tổ chức mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ cho hơn 300 thuyền trưởng hạng 4, hạng 5, máy trưởng 140 chứng chỉ và 118 chứng chỉ thuyền viên.

Phó Chi cục Trưởng Thủy sản Nghệ An, Trần Như Long cho rằng, ngoài Nghị định 67/2014/NÐ-CP, rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực khác cho bà con ngư dân khai thác cá xa bờ. Tháng 7-2020, tỉnh có Nghị quyết về việc hỗ trợ lắp đặt thiết bị hành trình cho các tàu cá tại các huyện vùng biển. Ðây là một cách hỗ trợ thiết thực và cần được nhân rộng. Mặt khác, như đã nói, nghề đi biển rất bấp bênh, nhiều rủi ro nhưng số lượng thuyền viên, người lao động trực tiếp được mua bảo hiểm rất ít. Tại Thanh Hóa mới có 1.874 lượt tàu cá mua bảo hiểm thân tàu và trang thiết bị, ngư cụ trong tổng số hơn 7.200 tàu đang hoạt động.

Ðối với một số vùng biển, việc hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề để giải quyết vấn đề thu nhập cũng cần được chú trọng. Tại phường Quảng Tiến, gần đây đã đẩy mạnh đào tạo nghề cho ngư dân đi xuất khẩu lao động, hoặc vẫn hoạt động nghề biển nhưng đi làm cho các nước láng giềng có thu nhập cao hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản... với số lượng trung bình khoảng 60 đến 70 người/năm.

Tại Nghệ An, từ năm 2013 đến nay, có một số dự án quốc tế tài trợ giúp chuyển đổi nghề cho người dân ven biển, từ khai thác sang nuôi trồng hải sản. Ðáng chú ý là Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững đã dựa trên tình hình thực tế và đề xuất của tổ cộng đồng ngư dân để giúp các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ triển khai các mô hình nuôi trồng hải sản nhằm tạo nguồn thu nhập bổ sung cho ngư dân, giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ. Các mô hình sinh kế được thực hiện thông qua hai hình thức gồm: Xây dựng mô hình chuyển đổi các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi sang lưới rê và xây dựng các mô hình sinh kế bổ sung (như chế biến nước mắm, chăn nuôi gà). Sau hơn một năm thí điểm, các mô hình đã đem lại những hiệu quả nhất định về kinh tế, xã hội. Mô hình chuyển đổi từ các nghề khai thác thủy sản sang nghề lưới rê thực hiện trên chín hộ gia đình tại ba tổ cộng đồng quản lý ven bờ thuộc ba xã Quỳnh Phương (Hoàng Mai), Quỳnh Dị (Quỳnh Lưu) và Diễn Thành (Diễn Châu) đã giúp thu nhập của các hộ nâng cao gấp 1,5 lần so với hoạt động khai thác trước đây. Hay như mô hình chế biến nước mắm được thực hiện trên 10 hộ gia đình tại bốn tổ cộng đồng quản lý ven bờ thuộc bốn xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), Quỳnh Long, Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) và Diễn Kim (Diễn Châu) đã tăng thu nhập, giảm áp lực kinh tế từ hoạt động khai thác lên nguồn lợi thủy sản, tạo động lực cho ngư dân đầu tư chuyển đổi nghề lâu dài, bền vững hơn.

Bài, ảnh: Tâm Thời, Thành Châu và Mai Luận

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/giai-phap-cho-nguon-nhan-luc-nghe-ca-vung-bac-trung-bo-619413/