Giải pháp cho dự án giao thông bị chậm ở TP.HCM

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP, cho rằng: 'Chỉ cần có mặt bằng sạch, công trình giao thông sẽ được thi công đúng tiến độ và chất lượng'.

Chiều 10-7, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX đã nghe báo cáo kết quả giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.

“Mong được sống tới ngày thấy cây cầu”

Báo cáo giám sát, ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó ban Đô thị HĐND TP.HCM, cho biết hiện có nhiều dự án giao thông còn chậm tiến độ. Điển hình, các công trình như cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Bưng (quận Bình Tân và Tân Phú)… đã khởi công từ lâu nhưng kéo dài đến nay chưa xong... Theo ông Tuyến, các dự án chậm tiến độ không những gây ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết dự án cầu Long Kiểng (phê duyệt từ năm 2001) đang chững lại là do UBND TP vừa giao cho Nhà Bè phê duyệt giá mua 56 nền tái định cư. Hiện Nhà Bè đã hoàn chỉnh hồ sơ, đang chuẩn bị trình trở lại TP để xin đơn giá chính thức.

Trước ý kiến trên của ông Võ Phan Lê Nguyễn, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP, cho rằng việc này đang bị đẩy qua đẩy lại. UBND TP đã giao thẩm quyền cho huyện Nhà Bè rồi thì sao lại phải trình lại UBND TP. “Khi chúng tôi gặp một cụ bà sống dưới mố cầu, bà cho biết lúc cây cầu này chuẩn bị thực hiện thì bà 60 tuổi, nay bà đã 80 tuổi. Khi hỏi mong muốn, nguyện vọng thì bà nói mong sống được tới cái ngày nhìn thấy cây cầu” - bà Lệ kể và đề nghị UBND TP có câu trả lời về khát vọng của người dân.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, giải trình rằng dự án nào triển khai thì có phương án bồi thường của dự án đó, gồm bồi thường và cung cấp nhà tái định cư cho dân. Đối với dự án xây dựng cầu Long Kiểng, ông Hoan cho hay cần đánh giá lại quỹ nhà đất để tương thích với đơn giá bồi thường của dân. Với tinh thần phải tổng kiểm tra rà soát, định giá lại nhà đất chuẩn bị đưa ra tái định cư, ông Hoan cho biết có giá mới thì mới có thể làm việc được với dân.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP (trái) và ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP, tại phiên họp HĐND TP chiều 10-7. Ảnh: TÁ LÂM

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP (trái) và ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP, tại phiên họp HĐND TP chiều 10-7. Ảnh: TÁ LÂM

Cầu Bưng: Phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ

Dự án cầu Bưng được phê duyệt từ năm 2014, khởi công từ năm 2017, đến nay mới đạt 35% tiến độ. Hiện dự án đang vướng do UBND quận Tân Phú chưa lập phương án bồi thường do vướng về pháp lý trong công tác xác định giá đất bồi thường hai doanh nghiệp thuê đất trong Khu công nghiệp Tân Bình.

37/172 dự án giao thông được hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Theo đại biểu Lê Minh Đức (quận Thủ Đức), hiện còn nhiều dự án bị chậm và… ngâm chưa biết đến ngày nào xong.

Ông Võ Văn Hoan khẳng định dự án này không gặp khó. “Chúng ta không bồi thường về đất cho doanh nghiệp vì đất là của chúng ta. Khi thu hồi đất thì có hai vấn đề, một là xem tài sản trên đất có bị ảnh hưởng không thì hỗ trợ bồi thường cho doanh nghiệp. Hai là phần diện tích thu hồi thuộc về đầu tư công thì rõ rồi, phần đất còn lại (bị thu hẹp) thì ngay lập tức ký lại hợp đồng cho doanh nghiệp thuê theo hướng giảm giá thuê. Không có gì khó khăn cả” - ông Hoan nói.

Lúc này, bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng trong quá trình HĐND TP đi giám sát dự án cầu Bưng thì không thấy liên quan gì đến hai doanh nghiệp và vướng mắc ở đây là sự phối hợp của các quận và các sở/ngành. Bà Lệ dẫn chứng, Sở Tài chính và Sở TN&MT cứ đẩy qua đẩy lại, gửi lên bộ cũng gặp tình trạng này. “Khu vực này chỉ có hàng rào, cái sân thôi” - bà Lệ nói và đề nghị UBND TP cần quan tâm và phải có chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ cây cầu này.

Cầu đường chậm, chờ: Quận/huyện có trách nhiệm?

Đại biểu Lê Minh Đức (quận Thủ Đức) cho biết, hiện có nhiều dự án triển khai chậm, chẳng hạn như cầu Nam Lý (quận 9), cử tri phản ánh dự án này dự kiến 1,5 năm là xong nhưng đến nay đã phải dừng lại hai năm để chờ mặt bằng, đường vào chân cầu hiện không có mặt bằng.

Hay dự án mở rộng đường Lương Định Của (quận 2) đã chậm bốn năm. Cử tri đã phản ánh hơn ba năm, họ rất bức xúc, trời nắng thì bụi mịt mù, trời mưa thì lầy lội nhếch nhác.

Giải trình với đại biểu, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP - đơn vị được UBND TP giao làm chủ đầu tư các dự án giao thông lớn trên địa bàn TP, cho biết việc chậm tiến độ có một phần trách nhiệm và năng lực của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công nhưng đây không phải là vấn đề lớn vì hiện các đơn vị này đủ năng lực để thực hiện dự án.

“Thời gian thi công các dự án bình quân đều chỉ từ một đến hai năm, ngắn hơn thời gian chờ đợi mặt bằng. Chỉ cần có mặt bằng sạch, công trình sẽ được thi công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng” - ông Phúc nói và dẫn chứng dự án cầu Nam Lý đã phải ngưng thi công một năm nhưng chỉ cần có mặt bằng sạch thì sẽ hoàn thành trong 12 tháng. Dự án đường Lương Định Của chỉ cần chín tháng là có thể hoàn thành, hay cầu Long Kiểng nếu được huyện Nhà Bè bàn giao mặt bằng cũng sẽ mất 12 tháng để thi công.

Theo ông Phúc, áp lực lớn nhất đối với các dự án giao thông trên địa bàn TP vẫn là mặt bằng. Từ đó, ông mong HĐND TP xem đây là một nội dung đánh giá lãnh đạo quận/huyện có hoàn thành nhiệm vụ hay không.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho rằng vai trò của người đứng đầu các quận/huyện rất quan trọng trong công tác giải phóng mặt bằng. Đơn cử như thời gian qua, huyện Hóc Môn tập trung tháo gỡ vướng mắc ở công trình hầm chui An Sương thì dự án đã được đẩy nhanh tiến độ và có thể hoàn thành vào cuối năm nay.

TÁ LÂM - LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/giai-phap-cho-du-an-giao-thong-bi-cham-o-tphcm-923447.html