Giải pháp cho đồng bào Khmer ở ĐBSCL thoát nghèo bền vững

Đối với đồng bào dân tộc Khmer, việc quan tâm nâng cao đời sống vật chất phải đi liền với đời sống tinh thần. Đây là vấn đề then chốt trong các giải pháp giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc Khơme vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để góp phần hoàn thiện báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, đại biểu Tô Ái Vang, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất một số giải pháp giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.500.000 người dân tộc thiểu số với 8 nhóm, trong đó đông nhất là đồng bào Khơme, chiếm gần 87%. Đồng bào Khmer sinh sống ở khắp 13 tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang,... là cư dân bản địa, có mặt lâu đời trên vùng đất Nam Bộ, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, có truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, chịu thương, chịu khó. Đồng bào Khơme có phong tục, tập quán, lễ hội phong phú và rất trân trọng giá trị tinh thần.

Theo bà Tô Ái Vang, những năm qua, Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo đầu tư và hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long nhiều mặt, đặc biệt là rất quan tâm đến chính sách dân tộc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong vùng đã nỗ lực huy động nhiều nguồn lực, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững do các yếu tố chủ quan và khách quan đan xen với nhau, làm giảm tính hiệu quả, lâu dài của các chương trình hỗ trợ.

Nguyên nhân tình trạng nghèo của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long ngoài yếu tố tác động từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu còn tập trung vào các vấn đề như thiếu vốn sản xuất, sử dụng đồng vốn chưa hiệu quả, thiếu đất sản xuất, thiếu tay nghề, hoàn cảnh gia đình neo đơn, một số phong tục tập quán còn lạc hậu, cách thức quản lý và tổ chức cuộc sống của một bộ phận người dân chưa chặt chẽ”, đại biểu Tô Ái Vang chỉ ra nguyên nhân.

Đại biểu Tô Ái Vang, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng.

Đại biểu Tô Ái Vang, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng.

Để góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, bà Tô Ái Vang đề xuất 5 giải pháp gồm:

Chính phủ cần sớm tổng kết kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đánh giá những tồn tại, bất cập để có những phương án tiến tới xây dựng Luật Hỗ trợ, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi đặc biệt, tạo điều kiện cho đồng bào có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ, phát triển các mô hình làm ăn hiệu quả.

Chính phủ cần ban hành Nghị quyết phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu thành lập quỹ đồng bằng nhằm tạo liên kết, hỗ trợ của các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng. Đặc biệt quan tâm đến chiến lược phát triển vùng dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay đồng bào dân tộc nghèo do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, việc làm nên rất cần Chính phủ tạo cơ chế xúc tiến đầu tư giúp các tỉnh đồng bằng kêu gọi doanh nghiệp hình thành các khu công nghiệp. Đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí một số doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quân đội đầu tư các nhà máy may mặc, giầy da, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn nói chung, trong đó có đồng bào Khơme, góp phần giảm nghèo bền vững.

Chính phủ cần quan tâm, hỗ trợ các địa phương trong vùng sớm hoàn thành các thủ tục đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật sân khấu dù kê Nam Bộ - di sản văn hóa dân tộc, đây là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer, là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đề nghị Tổng cục du lịch giúp các địa phương hoạch định lộ trình khai thác và phát huy tính hiệu quả của các giá trị, loại hình nghệ thuật này để phát triển du lịch.

Cuối cùng, bà Tô Ai Vang cho rằng cần tạo cơ chế thuận lợi để các địa phương trong vùng thực hiện chiến lược phát triển du lịch, ngành công nghiệp không khói là kinh tế mũi nhọn gắn với việc thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Với việc phát triển du lịch, thông qua các lễ hội truyền thống đặc sắc như: Chol Chnam Thmay là lễ mừng năm mới, Pithi sen Đôn-ta còn gọi là lễ cúng ông bà gần giống như lễ Vu Lan báo hiếu của đồng bào Kinh, Lễ hội Ok om Bok hay còn gọi là lễ cúng trăng được tổ chức định kỳ đúng vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm.

Hiện tại, Sóc Trăng đang tích cực chuẩn bị khai mạc lễ hội này vào sáng ngày 3 tháng 11. Các lễ hội này góp phần tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng giữa đồng bào Khmer với nhau, với các cộng đồng dân tộc anh em khác, đặc biệt thu hút khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.

Đại biểu Tô Ái Vang cho biết, đối với đồng bào dân tộc Khmer, việc quan tâm nâng cao đời sống vật chất phải đi liền với đời sống tinh thần. Đây là vấn đề then chốt trong các giải pháp giảm nghèo nhằm đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/giai-phap-cho-dong-bao-khome-o-dbscl-thoat-ngheo-ben-vung-post243101.info