Giải pháp chấm dứt tình trạng học viên cai nghiện bỏ trốn

Gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng nhiều học viên đập phá và bỏ trốn tại cơ sở cai nghiện. Theo các chuyên gia, đây là những đối tượng đặc thù, dễ bị kích động nên cần có những giải pháp căn cơ mới chấm dứt được tình trạng trên.

Học viên cai nghiện ma túy ở Đồng Tháp.

Trước đó, ngày 11.8, một nhóm học viên đang cai nghiện đã có cự cãi với cán bộ của trung tâm. Nhóm học viên quá khích đã tấn công các cán bộ, đồng thời hò hét kích động hơn 200 trại viên phá cửa trốn ra ngoài. Đến ngày 30.8, hầu hết học viên cai nghiện trốn trại tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục Lao động Xã hội thuộc Sở LĐTBXH Tiền Giang đã trở lại.

Mới đây, học viên tại Cơ sở điều trị nghiện ở Đồng Tháp đã kích động, đập phá cửa phòng điều trị và nhiều học viên bỏ trốn ra bên ngoài. Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do nhiều học viên cho rằng tòa án quyết định cai nghiện 12 tháng nhưng chỉ cần cai nghiện 6 tháng là được về.

Trước thực trạng liên tiếp xảy ra việc học viên đập phá, bỏ trốn tại cơ sở cai nghiện, ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Học viên bỏ trốn tại các cơ sở cai nghiện không phải là câu chuyện mới. Có rất nhiều nguyên nhân khiến học viên có những hành vi kích động. Điển hình nhất, phần lớn các học viên đều nghiện ma túy tổng hợp. Ma túy tổng hợp đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát và ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới, trong đó có những chất mà ngay sử dụng lần đầu tiên đã có thể dẫn đến hoang tưởng, ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi. Vì vậy, đối tượng này rất dễ bị kích động”.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma túy bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tình hình mới.

Cũng theo ông Khánh, hiện các cơ sở cai nghiện bắt buộc được xây dựng đã nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi. Ngoài ra, cán bộ Tổ công tác cai nghiện chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản để xử lý các tình huống xảy ra đối với học viên cai nghiện.

Để khắc phục được tình trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội cho rằng: “Chế độ, chính sách của nước ta dành cho đối tượng này rất nhân văn, cần tăng cường tuyên truyền đẩy mạnh học viên cai nghiện tự nguyện, cai nghiện ma túy và tổ chức quản lý người sau cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Về vấn đề này, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ. Như vậy, giảm được các đối tượng cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện".

Đồng thời, cần có quy định về cai nghiện theo hình thức cung cấp dịch vụ, xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, …

Cũng theo ông Khánh, để giải quyết tình trạng trên một cách căn cơ, cần thay đổi hệ thống chính sách pháp luật, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma túy. Trong đó, cần đưa vào Chương Can thiệp dự phòng nghiện ma túy theo chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện.

LH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/giai-phap-cham-dut-tinh-trang-hoc-vien-cai-nghien-bo-tron-629933.ldo