Giải pháp bù đắp cho nhóm ngành sản xuất có mức tăng trưởng âm

Để bù đắp cho một số nhóm ngành đang có mức tăng trưởng âm UBND Ninh Thuận thực hiện nhiều biện pháp để đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo bước đột phá để cuối năm đạt tăng trưởng 20-30%.

Thi công dự án đường dây truyền tải 500kV, 220kV tại huyện Thuận Nam để giải tỏa công suất điện các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Thi công dự án đường dây truyền tải 500kV, 220kV tại huyện Thuận Nam để giải tỏa công suất điện các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Để bù đắp cho một số nhóm ngành đang có mức tăng trưởng âm như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ… do tác động kép của hạn hán và đại dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện nhiều biện pháp để đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo bước đột phá để đến cuối năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng từ 20-30%.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, trong khi một số nhóm ngành đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh và hạn hán thì hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng cao.

Trong tám tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng trong tháng Tám vừa qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 15%. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh duy trì mức độ tăng trưởng khá như muối biển tăng 98,3%; ximăng tăng 29,8% và điện sản xuất tăng 38,9%.

Đóng góp đáng kể vào mức tăng chỉ số công nghiệp của tỉnh đó là lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện Mặt Trời). Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, sự chỉ đạo thực hiện quyết liệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh nên lĩnh vực năng lượng tái tạo đã có sự đột phá phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong tháng Tám vừa qua, Ninh Thuận đã đưa vào vận hành thương mại thêm 3 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất tăng thêm 100MW; nâng tổng số dự án điện Mặt Trời đưa vào vận hành đến tháng Tám vừa qua là 28 dự án, với tổng công suất gần 1.600MW.

Riêng dự án điện Mặt Trời 450MW; trạm biến áp và đường dây 500kV, 220kV do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện đến nay cơ bản đã hoàn thành, đang được Bộ Công Thương cho phép thử nghiệm từng phần công suất phía 220kV; dự kiến toàn bộ dự án sẽ đưa vào vận hành trong tháng Chín này.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, ông Phạm Đăng Thành cho rằng mục tiêu mà ngành công nghiệp tỉnh đề ra là phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất khoảng 8.800 tỷ đồng.

Sở Công Thương đang hỗ trợ cho doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm đẩy nhanh thi công. Đồng thời, tập trung hoàn thành và báo cáo Bộ Công Thương về việc điều tra năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết để thực hiện đạt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng trong năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh đang tập trung chỉ đạo để đẩy mạnh tiến độ các dự án trọng điểm; hỗ trợ đẩy nhanh các dự án hạ tầng truyền tải lưới điện, tích hợp các nguồn năng lượng vào Quy hoạch điện VIII.

Bên cạnh đó, triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1, quy mô công suất 1.500MW; đồng thời rà soát, bổ sung các thủ tục liên quan chuyển đổi đất rừng các dự án trọng điểm, cấp bách như dự án hồ chứa nước sông Than; hồ chứa nước Kiền Kiền; các dự án du lịch; dự án điện mặt trời 450MW kết hợp trạm biến áp 500kV và đường dây đấu nối.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020; đồng thời tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân; đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đón làn sóng đầu tư mới sau dịch COVID-19.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các địa phương rà soát, đề xuất giải quyết các vướng mắc có liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án đầu tư công; rà soát tình hình phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/9 tới về việc cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, ông Phạm Đồng nhận định, mặc dù, còn nhiều khó khăn do tác động của hạn hán và dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép,” kinh tế của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số tăng trưởng tốt nhất cả nước.

Trong tháng Tám vừa qua, Ninh Thuận có 81 doanh nghiệp thành mới, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập từ đầu năm đến nay 494 doanh nghiệp, tăng 34,2% số doanh nghiệp so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 31/8 vừa qua, Ninh Thuận có 3.550 doanh nghiệp; bình quân có 6 doanh nghiệp/1.000 dân; cả nước bình quân 7,9 doanh nghiệp/1.000 dân. Điều này thể hiện sự phát triển đi lên của nền kinh tế của tỉnh trong thời gian qua./.

Công Thử (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/giai-phap-bu-dap-cho-nhom-nganh-san-xuat-co-muc-tang-truong-am/664651.vnp