Giải pháp bảo vệ nhân viên y tế ở khu điều trị Covid-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân và nhân viên y tế tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi (TP.HCM).

Báo cáo Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại cuộc họp ngày 17/6, bác sĩ chuyên khoa II Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi, cho biết bệnh viện đi vào hoạt động từ ngày 12/6 trên cơ sở chuyển đổi công năng từ BV huyện Củ Chi với quy mô 500 giường, trong đó có 20 giường hồi sức tích cực (ICU).

Bệnh viện được Sở Y tế TP.HCM phân công chịu trách nhiệm tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 ở nhiều mức độ khác nhau, bao gồm cả những người cần chạy thận nhân tạo, can thiệp phẫu thuật cấp cứu, sản phụ khoa, nhi khoa…

Chia lửa hiệu quả cho các bệnh viện tuyến thành phố

Trước khi chuyển đổi công năng, Bệnh viện huyện Củ Chi là bệnh viện đa khoa hạng 2, có rất nhiều khoa khác nhau bao gồm ICU, cấp cứu, hồi sức, thận nhân tạo, nội, ngoại, sản nhi..., tạo nền tảng thuận lợi cho hoạt động của bệnh viện sau khi chuyển đổi.

Bác sĩ Trần Chánh Xuân cho biết bệnh viện đang tiếp nhận điều trị 307 bệnh nhân, trong đó có 44 trường hợp nghi nhiễm, 5 ca nặng.

Các trường hợp nghi nhiễm có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, được phân luồng, bố trí khu vực riêng. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần với SARS-CoV-2 trong vòng 48 tiếng bằng phương pháp rRT-PCR, họ sẽ được chuyển về khu cách ly để tiếp tục cách ly theo quy định.

 Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Khôi Nguyễn.

Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Khôi Nguyễn.

Trong những đợt vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau, có sự đa dạng về thể trạng, sức khỏe cũng như các vấn đề bệnh lý nền.

Hiện bệnh viện có 5 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, đảm bảo đáp ứng vừa chạy thận nhân tạo vừa điều trị Covid-19. Các trường hợp là thai phụ cũng được thăm khám ngay tại bệnh viện.

Các bệnh nhân nội trú trước khi được chuyển đổi công năng đã được chuyển sang cơ sở khác của bệnh viện là Phòng khám đa khoa Tân Quy và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Về nhân sự, ngoài lực lượng nhân viên công tác tại Bệnh viện huyện Củ Chi được cơ cấu lại phù hợp, ngành y tế TP.HCM cũng đã huy động các bác sĩ chuyên khoa của nhiều bệnh viện thành phố luân phiên hỗ trợ chuyên môn và can thiệp tại chỗ.

Trong giai đoạn hiện nay, cơ sở y tế này được 4 bệnh viện hỗ trợ về hồi sức cấp cứu, 2 bệnh viện hỗ trợ về kiểm soát nhiễm khuẩn. Đồng thời, đơn vị này được kết nối hỗ trợ, tập huấn trực tuyến từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Đối với nhu cầu về trang thiết bị, ngoài nguồn sẵn có, bệnh viện cũng đã lập danh sách các trang thiết bị cần được trang bị thêm để Sở Y tế có kế hoạch điều phối phù hợp. Ngoài ra, đơn vị này cũng có kế hoạch phối hợp triển khai hệ thống xét nghiệm rRT-PCR để phục vụ cho nhu cầu xét nghiệm của bệnh viện, đồng thời, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm của BV dã chiến Củ Chi và nhu cầu trong khu vực với công suất khoảng 1.000 mẫu/ngày.

Chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản số bệnh nhân nặng gia tăng

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo với chủng Delta, số lượng bệnh nhân nặng có thể sẽ tăng nhanh. Do đó, bệnh viện cần cảnh giác, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản về nhân lực, vật lực để kịp thời điều trị cho bệnh nhân.

Trong thời điểm hiện tại, khi số bệnh nhân nặng còn ít, công tác tập huấn cần được triển khai thực hiện trên mặt hồi sức cấp cứu; cập nhật phác đồ điều trị, chỉ định điều trị như thuốc chống đông, thở máy, thở máy xâm nhập… Đồng thời, bệnh viện cần chú trọng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế, bố trí nhân viên kiểm soát việc mặc, thay trang phục bảo hộ.

Thứ trưởng lưu ý toàn bộ nhân viên công tác tại bệnh viện đều phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Các trường hợp không được tiêm vaccine hoặc chống chỉ định không tham gia công tác điều trị bệnh nhân.

Các nhân viên y tế làm việc trong đơn nguyên ICU của Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi. Ảnh: Khôi Nguyên.

Ngoài ra, bệnh viện cần nhanh chóng thống kê nhu cầu, số lượng trang thiết bị điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng, để có biện pháp điều động trong hệ thống ngành y tế TP.HCM cũng như sự hỗ trợ từ Bộ Y tế.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia hỗ trợ khi có yêu cầu. Đơn vị này có thể chủ động yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy cử ê-kíp trực tiếp đến hỗ trợ và đào tạo.

Bảo vệ nguồn nhân lực trước mối nguy lây nhiễm

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện điều trị Covid-19 Chủ Chi đã bố trí khu vực lưu trú cho nhân viên, y bác sĩ tại bệnh viện. Theo đó, sau khi hết thời gian công tác tại bệnh viện, thay vì về thẳng nhà, các nhân viên sẽ về nơi lưu trú được bố trí. Điều này vừa giúp đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa hạn chế nguy cơ dịch bệnh xâm nhập bệnh viện.

Bệnh viện có 40 phòng lưu trú, hai người một phòng; đồng thời, bố trí một phần nhân lực lưu trú tại khu nhà ở chuyên gia. Đơn vị này cũng đang áp dụng chế độ luân phiên công tác tương tự mô hình đã được thực hiện tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi trong thời gian qua.

Đối với việc lưu trú của nhân viên y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề xuất cần đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân viên y tế. Bệnh viện nên phân chia nhân lực thành các kíp; những người trong cùng một kíp sẽ cùng làm việc, di chuyển và sinh hoạt. Ngoài ra, giữa các kíp cần có sự tách biệt, khi thay đổi kíp nhân viên cần thực hiện toàn diện biện pháp khử khuẩn theo quy định để đảm bảo an toàn và phòng, chống lây nhiễm chéo.

Phương Mai - Khôi Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhan-vien-y-te-chua-tiem-vaccine-khong-dieu-tri-benh-nhan-covid-19-post1228528.html