Giải oan cho người chết: Căn nhà cháy rụi trong đêm, xuất hiện thi thể đen xì cùng chữ 'ĐIỀN' bí hiểm - Chuyên gia giải mã thành công!

Đám cháy được dập bằng nước nên manh mối cũng trôi hết từ lâu nhưng vị chuyên gia pháp y này vẫn có thể vạch mặt kẻ thủ ác.

Tống Từ đại nhân đã bốn lần đảm nhiệm chức Đề điểm hình ngục (tương đương với chức thẩm phán tư pháp cấp tỉnh). Công tác thực tiễn trong một thời gian dài, ông thấy rõ rằng đa số các hình quan đương thời chẳng những kém tri thức pháp y và kinh nghiệm lý hình, còn khinh suất đoán án và coi rẻ nhân mệnh nên tạo ra nhiều án oan.

Mắt thấy tình cảnh này, Tống Từ cảm thấy không an lòng nên đã đem hết kinh nghiệm trong thời gian dài tích lũy viết ra bộ sách "Tẩy Oan Tập Lục". Trong cuốn "Tẩy Oan Tập Lục" có đề cập tới nhiều trường hợp án oan khó tin ở cái thời đại mà công nghệ chưa phát triển.

Nạn nhân bị chết ngạt trong đám cháy hay bị thiêu sau khi chết?

Vào một đêm năm 1238, một trận hỏa hoạn ở ngoại ô phía Tây đã thiêu rụi nguyên cả căn nhà. Sau khi đám cháy được dập tắt, người dân phát hiện ra còn có một thi thể cháy đen trong đó. Người chết vốn là một thợ xây không thù không oán với ai trong làng.

Nhận được tin báo án, Đề điểm hình ngục Tống Từ lập tức tới hiện trường. Trong quá trình khám nghiệm tử thi, Tống Từ đại nhân nhận thấy xác chết có nhiều điểm bất thường. Hơn nữa, bên cạnh xác, nạn nhân cố ý lưu lại bút tích viết vỏn vẹn một chữ "Điền".

Nhờ dùng giấm và rượu, Tống Từ đã tìm thấy dấu vết phạm tội của hung thủ. (Ảnh: Sohu)

Nhờ dùng giấm và rượu, Tống Từ đã tìm thấy dấu vết phạm tội của hung thủ. (Ảnh: Sohu)

Dù bị cháy đen nhưng trong họng người chết hoàn toàn sạch sẽ, không có chút bồ hóng nào, dựa trên nguyên tắc là người còn sống nếu gặp đám cháy thì trong quá trình hô hấp thường sẽ vô tình hít phải nhiều khói bụi, còn người chết thì không. Chính vì thế, ông khẳng định nạn nhân đã bị đốt cháy sau khi chết.

Dù đám cháy đã được dập bằng nước, manh mối đã bị trôi hết từ lâu nhưng Tống Từ đã có suy nghĩ riêng của mình. Ông quyết định khám nghiệm lại một lần nữa thì nhận thấy trên thi thể người chết có một vết thương, tựa như bị đâm bằng dao. Vết thương chí mạng này đã khiến nạn chết chết, sau đó mới có người phóng hỏa để phi tang chứng cứ.

Giấm có tác dụng hòa tan vết máu, chứng minh nạn nhân đã bị giết rồi mới thiêu cháy. (Ảnh: Sohu)

Tống Từ đại nhân ra lệnh cho thuộc hạ dọn dẹp hiện trường, quét sạch bụi bặm nơi tìm thấy xác nạn nhân, sau đó ông lấy giấm trắng và rượu đổ lên trên mặt đất. Chỉ một lúc, sau khi rượu và giấm bốc hơi hết, quả thực trên nền nhà bỗng xuất hiện một vệt máu.

Quả thực, nạn nhân đã bị đâm chết, nhưng ai là người đã gây tội?

Theo y học cổ truyền của Trung Quốc thì giấm có tính ấm và có tác dụng dụng loại bỏ huyết ứ, thúc đẩy tuần hoàn máu, tiêu sưng và giải độc. Còn lý giải của khoa học hiện đại thì giấm có khả năng hòa tan protein của động vật.

Bởi vậy trong trường hợp này, Tống Từ đại nhân đã lợi dụng đặc tính của giấm để tác động lên máu tụ tại hiện trường khiến nó bị hòa tan và hiện ra.

Sự thật được phơi bày

Dựa vào các chứng cứ, Tống Từ hình quan nghi ngờ hung thủ chắc chắn có liên quan tới chữ "Điền" mà nạn nhân đã cố gắng lưu lại hiện trường.

Nhưng chỉ với một chữ "Điền" làm sao xác định được nạn nhân có phải đang nhắm tên tên hay đặc điểm gì đó của kẻ phạm tội?

Sau khi so sánh vết dao, Tống Từ kết luận nạn nhân đã bị đâm chết. (Ảnh: Sohu)

Tống Từ cử một bổ đầu đi điều tra những mối quan hệ xung quanh người thợ xây. Manh mối bắt đầu lộ diện, bổ đầu báo cáo lại rằng trước khi chết, nạn có tới giúp việc cho một phú hộ trong làng xây một bức tường. Ngay sau khi hoàn thành công trình, người thợ xây này đã bị chết.

Lúc này, Tống Từ dồn nghi ngờ vào tình tiết này, ông tìm hiểu kỹ hơn thì phát hiện rằng quản gia nhà phú hộ có tên là Điền Thất, cũng giống với chữ "Điền" mà nạn nhân lưu lại.

Ông ra lệnh lục soát trong nhà của Điền Thất thì thấy một con dao găm dính máu. Dù Điền Thất một mực cãi cố nhưng khi so sánh vết thương trên thi thể hoàn toàn trùng khớp với con dao của hắn.

Sau khi tra khảo, Điền Thất đã thừa nhận rằng mình giết người thợ xây là theo mệnh lệnh của phú hộ. Hóa ra, năm đó có nạn đói, để cứu trợ dân nghèo, Tống Từ đại nhân đã đề xuất lên cấp trên phương án dùng gạo của những người giàu có trong làng để phát cho mọi người. Tên phú hộ đã nghĩ ra kế thuê người về xây tường bịt kho thóc vì không muốn chia gạo cho dân. Nhưng khi nạn nhân xây xong, tên phú hộ sợ lộ chuyện nên đã sai quản gia giết người bịt miệng.

Vậy là nhờ vận dụng kiến thức y học uyên thâm kết hợp với sự quan sát tinh tường, Tống Từ đại nhân đã một lần nữa phá án thành công và giải oan cho người chết. Đồng thời với phát kiến này, ông đã đóng góp không nhỏ cho thế hệ sau nhiều gợi ý để tìm ra bằng chứng luận tội nhiều kẻ thủ ác.

Theo Nguyệt Phạm/Báo Tổ quốc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/giai-oan-cho-nguoi-chet-can-nha-chay-rui-trong-dem-xuat-hien-thi-the-den-xi-cung-chu-dien-bi-hiem-chuyen-gia-giai-ma-thanh-cong/20210606091533380