Giải oan cho 'Hậu cung Như Ý truyện' của Châu Tấn, Hoắc Kiến Hoa

Sau nhiều năm chờ đợi, bộ phim 'Hậu cung Như Ý truyện' (后宫如懿传) cùng Như Ý nương nương cũng được 'bung lụa'. Ngày vui ngắn chẳng tày gang, Như Ý vừa xuất đạo đã đứng ngay nơi đầu sóng ngọn gió chịu nhiều chỉ trích của cộng đồng mạng.

Trang phục quê mùa, Như Ý già nua

Ngay từ tập 1 của Hậu cung Như Ý truyện (后宫如懿传), Tứ A ca Hoằng Lịch - Càn Long đế (Hoắc Kiến Hoa) tương lai xuất hiện trong bộ trang phục màu xanh lá mạ chủ đạo, đậm chất “hương lúa”. Để xứng đôi với nam chính, Thanh Anh muội muội - Như Ý nương nương (Châu Tấn) diện y phục xanh baby phối với tím hoa cà, không quên điểm xuyết bằng chiếc khăn xanh màu nõn chuối, đủ để quét sạch bụi Tử Cấm Thành.

Đôi trẻ ríu rít tâm sự thắm tình duyên quê, tiếp tục thử thách con mắt người xem trong những lần xuất hiện sau đó. Chàng vẫn thủy chung mặc y phục cũ, nàng đã thay xiêm y mới nhưng vẫn trung thành với màu xanh lá mạ cùng chiếc khăn tím hoa cà. Theo lời của ma ma theo hầu Hoàng Thái hậu hé lộ: màu vàng và màu tím là hai màu biểu tượng cho hoàng tộc. Phải chăng, chính vì lẽ đó Thanh Anh thủy chung với màu tím, không áo thì khăn?

Tình chàng ý thiếp, tâm đầu ý hợp về cách ăn mặc. Quả là trời sinh một cặp.

Mặc cho các tú nữ khác trang điểm, chải tóc cẩn thận, xiêm y màu sắc nhẹ nhàng, hoa văn tinh tế, nàng vẫn tự tin thể hiện cá tính của mình bằng những gam màu nổi bật. Tuy đã được cô mẫu chọn cho bộ xiêm y màu sắc nhã nhặn trước đó, song Thanh Anh bướng bỉnh chẳng chịu diện trong ngày tuyển tú nữ. Mười sáu, mười bảy tuổi, Thanh anh không phải tú nữ nhu mì, song nàng có chính kiến, có cá tính, lại đang tuổi xuân thì rực rỡ nên chẳng ngại mặc những bộ xiêm y khiến cho mình nổi bật so với các nữ nhân khác.

Tím mộng mơ, tím thủy chung, tím quý tộc. Nàng cứ tự tin thể hiện cá tính.

Trang phục của Như Ý được mô phỏng theo các tư liệu lịch sử.

Gây tranh cãi nhưng kiểu trang phục này cũng gây thích thú, là nguồn cảm hứng cho người hâm mộ.

Dõi theo những thăng trầm, ta thấy phong cách ăn mặc của Như Ý cũng có phần thay đổi. Khi đã trở thành Trắc Phúc tấn trong phủ Bảo Thân vương, trở thành con dâu của Hi Quý phi, nàng lại ẩn nhẫn, hành động cẩn trọng hơn, không còn mặc trang phục màu sắc, mà thay bằng những bộ xiêm y tông màu trầm, không họa tiết, phối màu đơn giản. Khi Hoằng Lịch trở thành Càn Long, nàng trở thành Như Ý - Nhàn Phi, nàng lại mặc những bộ phục trang màu sắc nhã nhặn có điểm xuyết họa tiết tinh tế hơn, thể hiện địa vị bản thân. Mỗi một giai đoạn, Như Ý đều có những thay đổi về cách ăn mặc sao cho phù hợp với sự biến chuyển về tính cách, tâm tư và địa vị.

Mỗi giai đoạn, cách ăn mặc của Như Ý lại thay đổi…

… phù hợp với tuổi tác, địa vị, tính cách của nàng.

Người ta chê cười gương mặt Châu Tấn đã in dấu thời gian, giọng nói không trong trẻo, thánh thót; nhưng lại quên mất rằng từ Cách cách cho đến lúc trở thành Hoàng hậu nhan sắc nàng vẫn mãi như vậy, chỉ có thêm phần mặn mà và quyền quý hơn, “già sớm nhưng trẻ lâu”. Hơn nữa, tuy giọng nói Như Ý không trong trẻo như những giai nhân khác, nhưng nó lại có chút ổn trọng, chân thành, có phần mạnh mẽ, uy lực của một hoàng hậu tương lai. Nó giúp nàng cùng Hoàng đế phân ưu tư, cai quản lục cung đầy sóng gió.

Tranh cãi về nguyên tác, sai lệch về lịch sử

Cuốn phim đời Như Ý được dựa theo cuốn sách cùng tên rất nổi tiếng của nhà văn Lưu Liễm Tử. Quyển sách gây tranh cãi về một đoạn tả cảnh giống hệt tác phẩm khác. Dù không ảnh hưởng đến tình tiết, bố cục, nội dung sách song vẫn tạo ra làn sóng dư luận khá ồn ào.

Nguyên tác gây nhiều tranh cãi.

Nguyên tác còn gây tranh cãi về việc có một số điểm khác biệt với sử sách. Tuy nhiên có một thực tế chỉ ra rằng không phải câu chuyện nào cũng được ghi lại, có rất nhiều bí ẩn chưa bao giờ được giải đáp, người ta càng không thể xuyên không về thời cổ đại xác nhận lại. Vì vậy, tác giả chỉ có thể dựa theo những chi tiết trong lịch sử, sáng tạo thêm cho tác phẩm của mình.

Những tác phẩm đình đám như Hoàn Châu Cách cách hay ngay cả một trong Tứ Đại Kỳ Thư của Trung Quốc Tam Quốc diễn nghĩa cũng có nhiều chi tiết lịch sử được sáng tạo thêm hay thể hiện dưới góc nhìn của tác giả. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, hình ảnh Lưu Bị được miêu tả khiến cho người đọc cảm giác ông nhân từ, thiện lương đến nhu nhược, chiến thắng phần lớn dựa vào các danh tướng dưới trướng. Nhưng trong sử sách ghi chép, Lưu Bị lại là người có tài cầm quân khiến Tào Tháo phải dè chừng; ông cũng là người sẵn sàng hy sinh vợ con vì đại nghiệp.

Hoàn Châu Cách cách…

… hay nhân vật Lưu Bị trong “Tam Quốc diễn nghĩa” đều có sự sáng tạo riêng.

Có không ít ý kiến của người hâm mộ nguyên tác bày tỏ sự thất vọng về việc Càn Long được “tẩy trắng” khá nhiều khi lên phim. Song phim ảnh cũng chỉ dựa theo nguyên tác, trong quá trình sản xuất đội ngũ làm phim hoàn toàn có thể điều chỉnh, sáng tạo để bộ phim phù hợp với đông đảo công chúng.

Còn quá sớm để nói bộ phim thành công hay thất bại.

Hậu cung Như Ý truyện mới phát sóng những tập đầu tiên, sóng gió hậu cung còn tiếp tục ở phía trước. Dù có nhiều tranh cãi nhưng với một dàn diễn viên thực lực, cốt truyện hấp dẫn, Hậu cung Như Ý truyện vẫn là bộ phim cung đấu đáng xem trong thời điểm hiện tại. Ba mươi chưa phải là Tết, phim hay phải chờ đoạn kết, kịch hay vẫn còn phía trước.

Khán giả chú ý đón xem bộ phim đang được phát sóng trên mạng Tencent từ ngày 20/8/2018 nhé!

Bá Hoàng

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/giai-oan-cho-hau-cung-nhu-y-truyen-cua-chau-tan-hoac-kien-hoa-3519118.html