Giải Nobel Vật lý 2019 cho hai nghiên cứu về vũ trụ

Giải Nobel Vật lý 2019 được trao cho 3 nhà khoa học với hai công trình nghiên cứu 'đóng góp vào sự hiểu biết về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái Đất trong vũ trụ'.

Giải Nobel Vật lý 2019 thuộc về 3 nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz vì những phát hiện góp phần vào nhận thức của con người về vũ trụ, theo thông báo từ Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển hôm 8/10.

Ông Göran K. Hansson, Tổng thư ký Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, tuyên bố nhà khoa học James Peebles sẽ được trao một nửa giá trị giải thưởng vì "những phát hiện mang tính lý thuyết về vũ trụ học vật lý". Ông sinh năm 1935 tại Winnipeg, Canada, là giáo sư tại Đại học Princeton, Mỹ.

Hai nhà khoa học Michel Mayor và Didier Queloz chia nhau nửa giải còn lại vì "phát hiện một hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có quỹ đạo quay quanh một ngôi sao cùng loại với Mặt Trời".

Michel Mayor, sinh năm 1942 tại Lausanne, Thụy Sĩ, đang giảng dạy tại Đại học Geneva của nước này. Didier Queloz sinh năm 1966, là giáo sư tại Đại học Geneva và Đại học Cambridge, Anh.

Ba nhà khoa học được trao giải Nobel Vật lý 2019. Ảnh: Twitter/NobelPrize.

Ba nhà khoa học được trao giải Nobel Vật lý 2019. Ảnh: Twitter/NobelPrize.

Khung lý thuyết làm nền tảng cho nhận thức vũ trụ

Theo Ủy ban Nobel, ông Peebles đã dành nhiều năm nghiên cứu về vũ trụ "nơi có hàng tỷ thiên hà và cụm thiên hà. Khung lý thuyết của ông, được phát triển qua hai thập kỷ, là nền tảng cho nhận thức hiện đại của chúng ta về lịch sử vũ trụ, từ vụ nổ Big Bang cho đến ngày nay".

Trả lời qua điện thoại sau khi được thông báo về giải thưởng, giáo sư Peebles nói ông "hoàn toàn tin rằng" có sự sống ngoài Trái Đất, nhưng cho biết: "Rất khó để tôi biết là liệu nó có giống sự sống trên Trái Đất không, có lẽ các nhà hóa học sẽ nghiên cứu thêm".

James Peebles sinh năm 1935 tại Winnipeg, Canada, là giáo sư tại Đại học Princeton, Mỹ. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

Chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy những sự sống này, những hành tinh khác", ông trả lời câu hỏi của một phóng viên.

"Chúng ta phải thừa nhận rằng vật chất tối và năng lượng tối vẫn là bí ẩn".

Khi được hỏi rằng liệu ông có lời khuyên nào cho những người trẻ muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học hay không, ông nói họ nên "bước chân vào vì tình yêu khoa học", không phải vì danh vọng hay tiền bạc.

"Giải thưởng, tiền thưởng, chúng rất quyến rũ và rất được coi trọng, nhưng chúng không nên nằm trong kế hoạch của bạn. Bạn nên bước chân vào khoa học vì bạn say mê với nó", ông nói.

Tìm kiếm "những thế giới chưa từng được biết đến"

Hai nhà khoa học Mayor và Queloz đã khám phá Dải Ngân Hà, tìm kiếm những "thế giới chưa từng được biết đến". Họ là những người đầu tiên phát hiện một hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời (ngoại hành tinh), với quỹ đạo quay quanh một ngôi sao cùng loại với Mặt Trời, được đặt tên là 51 Pegasi.

Michel Mayor và Didier Queloz đã công bố phát hiện gây kinh ngạc của họ tại một hội nghị về thiên văn học ở Florence, Ý, vào ngày 6/10/1995.

Hành tinh, 51 Pegasi b, di chuyển nhanh quanh ngôi sao của nó, 51 Pegasi, cách Trái Đất 50 năm ánh sáng. 51 Pegasi b mất bốn ngày để hoàn thành quỹ đạo của nó, có nghĩa là đường đi của nó gần với ngôi sao - chỉ cách nó 8 triệu km. Ngôi sao khiến hành tinh có nhiệt độ lên đến hơn 1.000 độ C.

Hành tinh mới được phát hiện này cũng có kích thước lớn đến mức đáng ngạc nhiên - một khối cầu khí có thể so sánh với Sao Mộc, hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời. So với Trái Đất, thể tích Sao Mộc có thể tích lớn hơn 1.300 lần và khối lượng hơn gấp 300 lần.

Gần như ngay lập tức sau tiết lộ này, hai nhà thiên văn học người Mỹ, Paul Butler và Geoffrey Marcy, đã quay kính viễn vọng của họ về phía ngôi sao 51 Pegasi và sớm có thể xác nhận phát hiện cách mạng của Mayor và Queloz. Chỉ vài tháng sau, họ đã tìm thấy hai ngoại hành tinh mới quay quanh các ngôi sao kiểu Mặt Trời.

Khám phá của Mayor và Queloz đã khởi đầu một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thiên văn học và từ đó hơn 4.000 ngoại hành tinh đã được tìm thấy trong Dải Ngân Hà.

Với thời gian quỹ đạo ngắn của chúng, các nhà thiên văn học không cần phải đợi hàng tháng hoặc hàng năm để nhìn thấy một ngoại hành tinh quay quanh "mặt trời" của nó. Giờ đây, họ có thời gian để quan sát các hành tinh hoàn thành hết vòng này đến vòng khác.

"Những thế giới mới, lạ vẫn đang được khám phá, với vô vàn kích cỡ, dạng thức và quỹ đạo khác nhau", Ủy ban Nobel cho hay.

Ủy ban Nobel nói rằng những khám phá được trao giải năm nay đã "thay đổi hoàn toàn nhận thức của chúng ta về vũ trụ". Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

Từ năm 1901 đến năm 2018, giải Nobel Vật lý đã được trao 112 lần cho 209 cá nhân, trong đó nhà vật lý học người Mỹ John Bardeen là người duy nhất hai lần nhận giải.

Giải Nobel Vật lý 2018 được trao cho 3 nhà vật lý học: Arthur Ashkin (người Mỹ) giành một nửa giá trị giải thưởng, trong khi Gerard Mourou (Pháp) và Donna Strickland (Canada) chia nhau nửa còn lại, vì "các phát minh đột phá trong lĩnh vực vật lý laser".

Ông Ashkin là người lớn tuổi nhất được trao giải thưởng này trong khi bà Strickland là người phụ nữ thứ ba trong lịch sử nhận giải Nobel Vật lý.

Mùa giải Nobel năm nay bắt đầu hôm 7/10 với giải thưởng đầu tiên được trao trong lĩnh vực y học/sinh học (giải Nobel Y Sinh). Ba nhà khoa học William G. Kaelin (Mỹ), Peter Ratcliffe (Anh) và Greff Semenza (Mỹ) đã được vinh danh vì "các phát hiện về cách các tế bào cảm nhận và thích nghi với sự hiện diện của oxy".

Sau giải Nobel Vật lý, các giải thưởng tiếp theo sẽ được công bố lần lượt trong các lĩnh vực Hóa học, Văn chương, Hòa bình và Kinh tế. Riêng đối với giải Nobel Văn chương, Viện hàn lâm Thụy Điển sẽ công bố cùng lúc hai giải cho năm 2018 và năm 2019, vì năm ngoái, giải thưởng đã bị hoãn trao sau bê bối quấy rối tình dục tại viện này.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/giai-nobel-vat-ly-2019-cho-hai-nghien-cuu-ve-vu-tru-post999079.html