Giải Nobel Hòa bình 2020 và thông điệp về bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Reiss-Andersen đánh giá, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) giúp việc bảo đảm an ninh lương thực trở thành một công cụ của hòa bình, góp phần ngăn chặn việc sử dụng nạn đói như một loại vũ khí của chiến tranh, xung đột vũ trang.

Giải Nobel Hòa bình dành cho WFP bởi nỗ lực góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực trở thành một công cụ của hòa bình. (Nguồn: WFP)

Giải Nobel Hòa bình dành cho WFP bởi nỗ lực góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực trở thành một công cụ của hòa bình. (Nguồn: WFP)

Bất ngờ và xứng đáng

Ngày 9/10, giải Nobel cuối cùng của năm 2020, Nobel hòa bình được trao cho Chương trình Lương thực thế giới (World Food Programme - WFP). Một số năm trước, có ý kiến cho rằng giải Nobel Hòa bình bị yếu tố chính trị chi phối!

Năm 2020, việc trao giải Nobel Hòa bình bất ngờ đến phút chót và rất đích đáng. WFP đã vượt qua 317 ứng cử viên khác, trong đó có những tổ chức, cá nhân có uy tín, tích cực hoạt động, đóng góp hiệu quả cho hòa bình thế giới như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Phong trào Black Lives Matter chống phân biệt chủng tộc và hành động bạo lực của cảnh sát Mỹ, Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ), Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg…

Ngoài ra còn có các nhân vật quan trọng được đề cử như Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gắn với việc thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Serbia và Kosovo và trung gian hòa giải ký kết thỏa thuận hòa bình giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain.

Theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Reiss-Andersen, WFP được vinh danh vì những nỗ lực không mệt mỏi nhằm chống lại nạn đói và tạo điều kiện thúc đẩy hòa bình tại các khu vực xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh; đóng vai trò quan trọng trong hợp tác đa phương, giúp việc bảo đảm an ninh lương thực trở thành một công cụ của hòa bình, thúc đẩy tình đoàn kết giữa các quốc gia…

Năm 2019, WFP đã hỗ trợ cho gần 100 triệu người của 88 quốc gia là nạn nhân của đói nghèo và tình trang mất an ninh lương thực. Đây mới chỉ là một phần nhỏ của thực tế. Theo dự báo, đại dịch Covid-19 khiến số người bị mất an ninh lượng thực khẩn cấp tăng gần gấp đôi, từ 135 triệu người năm 2019 lên đến năm 265 triệu người năm 2020.

Bà Reiss-Andersen lý giải ý nghĩa to lớn của việc Ủy ban Nobel Na Uy trao giải hòa bình cho WFP là nhằm “hướng sự chú ý của toàn thế giới vào hàng triệu người đang chịu nạn đói hoặc đối mặt với mối đe dọa của nạn đói”.

Đánh giá của bà Reiss-Andersen không những vinh danh WFP mà còn khẳng định vai trò quan trọng mang tính toàn cầu của an ninh lương thực và việc bảo đảm an ninh lương thực.

Bức tranh màu xám và cái vòng luẩn quẩn

Tình trạng thiếu lương thực, nạn đói trên toàn cầu như một bức tranh màu xám. Theo số liệu của Liên hợp quốc, năm 2019, có 135 triệu người thuộc 55 quốc gia phải sống trong tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng.

Do hậu quả của đại dịch Covid-19, số lượng người rơi vào nạn đói có thể tăng gấp đôi trong năm 2020, khoảng 265 triệu. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) còn đánh giá mức độ nghiêm trọng hơn, toàn thế giới có khoảng 821 triệu người, chiếm 11% tổng dân số bị suy dinh dưỡng vì nạn đói, thiếu lương thực.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn đói, tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Xung đột vũ trang, chiến tranh làm cuộc sống đảo lộn, đẩy con người vào tình trạng “màn trời, chiếu đất”, bỏ ruộng đồng, ly quê, tha hương, sản xuất nông nghiệp bị đình trệ...

Việc vinh danh WFP còn khẳng định vai trò quan trọng mang tính toàn cầu của an ninh lương thực và việc bảo đảm an ninh lương thực. (Nguồn: Reuters)

Xung đột vũ trang, chiến tranh làm đứt đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ lương thực, các sản phẩm từ lương thực và cản trở hoạt động nhân đạo, cứu trợ lương thực. Các vùng, đất nước xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh trở thành “ốc đảo” của đói rét, bệnh tật, ốm đau, chết chóc, chia rẽ, thù hận.

Biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh cũng là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nạn đói, thiếu lương thực nghiêm trọng, mà hậu quả của đại dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình.

Tình trạng “bế quan tỏa cảng”, đóng cửa biên giới, hạn chế xuất khẩu lương thực đẩy các nước, khu vực đã đói kém càng đói kém hơn. Sự cộng hưởng giữa xung đột vũ trang, chiến tranh với biến đổi khí hậu thiên tai, thảm họa, dịch bệnh càng làm trầm trọng hơn nạn đói, tình trạng thiếu lương thực.

Như một vòng luẩn quẩn, xung đột vũ trang, chiến tranh là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nạn đói, mất an ninh lương thực. Ở chiều ngược lại, nạn đói, tình trạng thiếu lương lại đẩy nhiều người vào tình trạng tuyệt vọng, “bần cùng sinh đạo tặc”, kích động bạo lực, xung đột giữa các bộ tộc, cộng đồng bùng phát mạnh mẽ, trở thành chiến tranh.

Có những thế lực sử dụng nạn đói như một loại vũ khí của xung đột vũ trang, chiến tranh. Các nước ở bên bờ vực của nạn đói như Yemen, Nam Sudan, Nigeria, Somalia... cũng là nơi xảy ra xung đột vũ trang, nội chiến, chiến tranh triền miên.

Bảo đảm an ninh lương thực - một công cụ của hòa bình

“Cho đến khi chúng ta có vaccine y tế, lương thực vẫn là liều vaccine hữu hiệu nhất chống lại mọi cuộc khủng hoảng”. (Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Reiss-Andersen)

Nạn đói, mất an ninh lương thực là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Xóa đói giảm nghèo là một nội dung quan trọng trong mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Mỗi quốc gia có trách nhiệm bảo đảm nguồn cung cấp lương thực cho người dân của mình, hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc nguồn lương thực nhập khẩu.

Các tổ chức của Liên hợp quốc như FAO, WFP, Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD)… có vai trò rất quan trọng trong hoạt động nhân đạo quy mô toàn cầu, cứu trợ lương thực thực phẩm ở các vùng, quốc gia xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh; hỗ trợ khắc phục hậu quả nạn đói ở các nước chậm phát triển, nhiều thiên tai, thảm họa, dịch bệnh...

Đồng thời, WFP phối hợp các quốc gia thành viên Liên hợp quốc bảo đảm an ninh lương thực trên toàn cầu; góp phần ngăn chặn việc sử dụng nạn đói như một loại vũ khí của chiến tranh, xung đột vũ trang.

Ông Tomson Phiri, người phát ngôn của WFP bày tỏ: “Giải Nobel Hòa bình là thông điệp mạnh mẽ gửi đến thế giới rằng hòa bình và xóa sổ nạn đói luôn song hành cùng nhau”.

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Reiss-Andersen nhấn mạnh: “Cho đến khi chúng ta có vaccine y tế, lương thực vẫn là liều vaccine hữu hiệu nhất chống lại mọi cuộc khủng hoảng”.

Như vậy, việc bảo đảm an ninh lương thực trở thành một công cụ của hòa bình.

Dấu ấn Việt Nam và “ngoại giao lương thực”

Dân tộc Việt Nam có truyền thống lâu đời về trồng lúa nước, nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa. Bảo đảm an ninh lương thực là một nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, trong đó lúa là mặt hàng chiến lược, tác động trực tiếp đến an ninh lương thực, sự ổn định kinh tế - xã hội.

Nhờ thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Việt Nam không những bảo đảm đủ lương thực cho đời sống, chăn nuôi, dự trữ quốc gia, thực hiện thành công mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo mà còn là nước nằm trong top đầu xuất khẩu gạo của thế giới.

Tuy nhiên, dự báo cuối thế kỷ XXI, biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến 32,2% diện tích đất nông nghiệp, sản lượng lúa của Việt Nam có nguy cơ giảm 7,2 triệu tấn. Để bảo đảm an ninh lương thực, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, chúng ta cần thực hiện tốt Kết luận số 81-KL/TW về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 và các văn bản khác.

Trong đó, nhiệm vụ cơ bản, giải pháp chủ yếu là giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; phát triển sản xuất lúa hàng hóa theo hình thức liên kết giữa nhà nông, hợp tác xã, doanh nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Xây dựng các cánh đồng lớn, vùng sản xuất lúa gạo quy mô lớn, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu tạo ra các giống lúa chất lượng tốt, sản lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong chương trình bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo của Liên hợp quốc. Trước đây, chúng ta đã thực hiện mô hình hợp tác 3 bên giữa Việt Nam, FAO và nước đối tác ở châu Phi (Senegal) về trồng lúa. Sau đó mở rộng áp dụng rộng rãi, được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam - Nam.

Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo cho một số nước châu Phi. Chúng ta không chỉ hỗ trợ người dân bị đói nghèo bớt khó khăn hiện tại mà còn tạo cho họ biết cách lo cho cuộc sống tương lai.

Giống đậu phộng Việt Nam trồng tại vùng Hamadab, hoang mạc Sahara, Sudan. (Nguồn: NNVN)

Việt Nam sẵn sàng cung cấp ổn định lúa gạo, hỗ trợ lương thực cứu đói cho các nước xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh, thiên tai thảm họa, dịch bệnh; giúp đỡ phát triển trồng cây lương thực ở các vùng khó khăn, chậm phát triển ở châu Phi, châu Á, theo các chương trình của Liên hợp quốc.

Việc sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ các nước trong xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, thực hiện tốt vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, được xem như một hình thức “Ngoại giao lương thực” theo nghĩa tích cực.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giai-nobel-hoa-binh-2020-va-thong-diep-ve-bao-dam-an-ninh-luong-thuc-toan-cau-126946.html