Giải ngân vốn ODA đang gặp nhiều trở ngại

Trả lời đại biểu về việc giải ngân vốn ODA chậm, các dự án kéo dài, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu nhiều nguyên nhân, trong đó có năng lực thực hiện của nhiều ban quản lý dự án ODA chưa đáp ứng yêu cầu; vốn đối ứng của các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng như cam kết khi ký hợp đồng vay.

Ý KIẾN CỬ TRI

Tuy nhiên, tôi thấy mấu chốt của việc này là do quy định đầu tư, xây dựng (từ quy hoạch, thẩm định thiết kế kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường, giám sát...) giữa bên cho vay và bên thực hiện dự án còn có sự khác biệt cho nên trong quá trình thực hiện dự án, khi có vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, các ban quản lý dự án ODA phải làm lại rất nhiều thủ tục hành chính, mất nhiều thời gian, công sức.

Vì vậy, để giải ngân vốn ODA đúng tiến độ, ngoài nâng cao năng lực các ban quản lý ODA, bảo đảm vốn đối ứng cho từng dự án, Chính phủ, các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện những quy định về đầu tư, xây dựng cho phù hợp để thực hiện các dự án ODA nhanh chóng; chuẩn bị kỹ, cụ thể, chi tiết quá trình chuẩn bị đầu tư trước khi ký hợp đồng vay vốn nhằm hạn chế những vướng mắc phát sinh khi triển khai thực hiện dự án, đồng thời chủ động phối hợp đối tác vay vốn, các bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Trần Thanh Lâm

Giám đốc Công ty tư vấn, thiết kế và xây dựng Kiến Mỹ, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ

Đời sống người dân miền núi còn nhiều khó khăn

Qua phiên chất vấn sáng 6-6, tôi nhận thấy, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trả lời khá đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội đặt ra; đồng thời nêu lên các giải pháp tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội ở miền núi còn thấp kém, sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu tự cung tự cấp; nhiều nơi vẫn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, nạn phá rừng làm rẫy vẫn còn xảy ra. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa phát triển kinh tế - xã hội miền núi; trước hết tăng cường đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời khắc phục ngay tình trạng phân bổ nguồn lực tài chính dàn trải, thiếu tập trung. Mặt khác, các địa phương cần sớm giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân vùng sạt lở đất, tái định cư thủy điện.

HỒ VĂN THÌN (Thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam)

Siết chặt loại hình kinh doanh nhạy cảm

Gần đây, chúng tôi liên tục đọc được thông tin về việc một bộ phận khách hàng sử dụng các loại chất kích thích, chất gây nghiện tại các cơ sở kinh doanh ka-ra-ô-kê, vũ trường, quán bar. Có những vụ việc, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm người sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện trong vũ trường. Quán bar, ka-ra-ô-kê cũng là những nơi tiềm ẩn tệ nạn xã hội, nguy cơ cháy nổ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần khẩn trương phối hợp các cơ quan liên quan điều chỉnh những quy định về điều kiện kinh doanh ka-ra-ô-kê, vũ trường theo hướng chặt chẽ hơn, đề cao tính phòng ngừa tệ nạn, tăng chế tài xử lý các vi phạm. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp tốt hơn trong công tác quản lý hoạt động của cơ sở ka-ra-ô-kê, vũ trường.

Trương Quỳnh Anh (Phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội)

Mê tín dị đoan còn do cán bộ làm ngơ, chính quyền chưa quan tâm

Tình trạng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi vẫn còn diễn ra trong xã hội, làm nhân dân bức xúc, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Tôi cho rằng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân, tại không ít vùng nông thôn, nhiều người lập cơ sở thờ tự ngay tại nhà, hành nghề mê tín dị đoan để trục lợi công khai mà không bị ngăn chặn. Để xảy ra hiện tượng này còn do cán bộ ở cơ sở làm ngơ, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm phát hiện, xử lý. Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ rõ những biểu hiện mê tín dị đoan, điều chỉnh chế tài xử lý theo hướng tăng nặng; chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, đồng thời phê phán mạnh mẽ hiện tượng này.

Dương Văn Lợi (Xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên)

Định hướng, hỗ trợ các địa phương phát triển năng lượng tái tạo

Thực tế phát triển ngành công nghiệp tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, sự ra đời và hoạt động của các dự án, nhà máy đặt ra nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy, cùng với việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về môi trường tại các cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp có xả thải lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Quốc hội, Chính phủ cần định hướng, hỗ trợ địa phương phát triển, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và nguồn nguyên vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững.

Hoàng Trọng Hòa (Tổ dân phố 2, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh)

Giá trị văn hóa của di sản chưa được phát huy

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm đầu tư, phát huy các giá trị văn hóa, di sản. Nhưng câu chuyện giám sát đằng sau đầu tư hiện nay và kết quả mang lại chưa xứng tầm mong đợi. Từ đó, dẫn đến việc hàng loạt di tích, di sản bị xâm hại nghiêm trọng mà chưa xử lý triệt để, thậm chí việc lợi dụng các di tích, di sản để thực hành mê tín dị đoan, “thần thánh hóa” di tích để trục lợi đã gây bức xúc trong nhân dân. Theo tôi, để phát huy được các giá trị văn hóa của di sản, cần nêu cao trách nhiệm của những người làm văn hóa. Ngành du lịch cần vào cuộc cùng ngành văn hóa trong câu chuyện gắn kết di sản để tháo gỡ những “điểm nghẽn” như hiện nay. Muốn quản lý và phát huy được giá trị văn hóa, di sản thì người cán bộ văn hóa tại địa phương/lĩnh vực đó phải “lăn xả”. Phải làm cầu nối để đưa cộng đồng đến với di sản, lấy người dân địa phương làm hướng dẫn viên, tuyên truyền viên, là đại sứ cho văn hóa, di sản vùng đó.

HUỲNH ĐÌNH QUỐC THIỆN Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng

Thiếu hoạt động văn hóa, thể thao cho người dân nông thôn

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, ngăn chặn, đẩy lùi mê tín dị đoan, sự xuống cấp đạo đức, lối sống xã hội... Tuy nhiên, theo tôi các giải pháp này chưa cụ thể, khó mang lại hiệu quả như mong muốn. Thực tế tại các địa phương trong những năm qua cho thấy, các thiết chế và hoạt động về văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ người dân ở khu vực nông thôn, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu. Mặc dù phần lớn các xã, thôn, buôn đều được bố trí quỹ đất và đầu tư xây dựng công trình để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, như: Trung tâm văn hóa xã, sân vận động, nhà văn hóa cộng đồng thôn, buôn... Tuy nhiên, phần lớn các công trình này không bảo đảm chất lượng, không phù hợp phong tục, tập quán của đồng bào, nhiều công trình được xây dựng ở vị trí không thuận lợi, không được quản lý, tổ chức hoạt động phù hợp... Vì vậy, sau khi xây dựng xong đều hoạt động không hiệu quả, thậm chí là bỏ hoang, gây lãng phí... Ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần nghiên cứu, có những giải pháp cụ thể khai thác hiệu quả các công trình phục vụ văn hóa - thể thao ở cơ sở, đồng thời tăng cường tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ở khu vực nông thôn, tạo ra những sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thể chất cho người dân ở nông thôn.

Nguyễn Thanh Hòa (Thôn 1, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đác Lắc)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/40456002-giai-ngan-von-oda-dang-gap-nhieu-tro-ngai.html