Giải ngân vốn ngân sách đạt thấp nhất trong 4 năm

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 11 tháng mới đạt 78,6% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong giai đoạn 2016-2019.

Nhiều bộ ngành giải ngân chậm hơn kế hoạch

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung triển khai thực hiện các dự án, công trình nhằm giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao năm 2019, tuy nhiên vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 11 tháng mới đạt 78,6% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong giai đoạn 2016-2019.

So sánh cụ thể, tỉ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) 11 tháng so với kế hoạch năm giai đoạn 2016-2019 lần lượt là: 85,5%; 82,0%; 80,6%; 78,6%. Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 11 tháng so với cùng kỳ năm trước: năm 2016 là 15%; năm 2017 là 7,5%; năm 2018 là 12,4%; năm 2019 là 5,5%.

Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 43,7 nghìn tỷ đồng, bằng 72,6% kế hoạch năm và giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đạt 12.365 tỷ đồng, bằng 69,9% và giảm 23,5%; Bộ Y tế 3.429 tỷ đồng, bằng 64,8% và tăng 41,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2.560 tỷ đồng, bằng 75,3% và giảm 56,4%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 1.122 tỷ đồng, bằng 60,7% và tăng 20,7%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 886 tỷ đồng, bằng 67,6% và giảm 19,1%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 536 tỷ đồng, bằng 71,9% và giảm 7%...

Vốn địa phương quản lý đạt 255,7 nghìn tỷ đồng, bằng 79,7% kế hoạch năm và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2019 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 39,2 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước; TPHCM đạt 20,4 nghìn tỷ đồng, bằng 55,4% kế hoạch và giảm 12,2% so với cùng kỳ; Quảng Ninh 10,4 nghìn tỷ đồng, bằng 89,7% kế hoach và tăng 8,3% so với cùng kỳ…

Tính riêng tháng 11, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11/2019 ước tính đạt 39,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14%; vốn địa phương 32,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3%.

Điểm sáng vốn FDI thực hiện

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/11/2019 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có 3.478 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,7 tỷ USD, tăng 28,2% về số dự án và giảm 7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 1.256 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,9 tỷ USD, giảm 20,7%; 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 11,2 tỷ USD, tăng 47,1%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần có 2.092 lượt làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là hơn 6,8 tỷ USD và 6.469 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị gần 4,4 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công chậm, thì điểm sáng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ đà phát triển với số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các năm 2016-2019 lần lượt là: 14,3 tỷ USD; 16 tỷ USD; 16,5 tỷ USD; 17,6 tỷ USD.

Trong 11 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án đạt hơn 10,3 tỷ USD, chiếm 70,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 9,8%; các ngành còn lại đạt hơn 2,9 tỷ USD, chiếm 19,8%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 11 tháng đạt hơn 15 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 6,9%; các ngành còn lại đạt hơn 3,6 tỷ USD, chiếm 18%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 6,1 tỷ USD, chiếm 54,5% tổng giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,8 tỷ USD, chiếm 16,9%; các ngành còn lại đạt hơn 3,2 tỷ USD, chiếm 28,6%.

Trong 11 tháng, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 2,9 tỷ USD, chiếm 19,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc là hơn 2,2 tỷ USD, chiếm 15,5%; Singapore hơn 1,9 tỷ USD, chiếm 13,3%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) là 1,9 tỷ USD, chiếm 13,1%...

Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm nay có 148 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 353,8 triệu USD; có 29 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 105 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 11 tháng năm 2019 đạt 458,8 triệu USD, trong đó lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 118,2 triệu USD, chiếm 25,8% tổng vốn đầu tư; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 65,6 triệu USD, chiếm 14,3%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 60 triệu USD, chiếm 13,1%; hoạt động kinh doanh bất động sản 59,3 triệu USD, chiếm 12,9%.

Australia là nước dẫn đầu mà Việt Nam đầu tư vào với 141,3 triệu USD, chiếm 30,8%; Hoa Kỳ 93,4 triệu USD, chiếm 20,4%; Tây Ban Nha 59,8 triệu USD, chiếm 13%...

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/giai-ngan-von-ngan-sach-dat-thap-nhat-trong-4-nam/381310.vgp