Giải ngân vốn Ngân hàng Thế giới vẫn thấp

Theo số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, trị giá giải ngân vốn Ngân hàng Thế giới (WB) theo phương thức trực tiếp và tạm ứng vào tài khoản đặc biệt từ 1/1-30/9/2020 tăng 55% so với trị giá giải ngân 9 tháng năm 2019. Tuy nhiên, theo dự toán vốn 2020 của phía Việt Nam, có 64 dự án/tiểu dự án (thuộc 17 khoản vay) được giao dự toán nhưng chưa giải ngân.

 Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: M.P)

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: M.P)

Ngày 28/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương với WB về giải ngân năm 2020.

Tại Hội nghị, Bộ Tài chính cho biết, WB là nhà tài trợ lớn cho Việt Nam, hiện nay tổng vốn vay đã cam kết cho 36 chương trình, dự án đang triển khai là 7.369,5 triệu USD, trong đó 33 khoản vay đã ký hiệp định, với số vốn vay là 6.589 triệu USD; 3 khoản vay mới đàm phán đã được phía Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) phê duyệt nhưng chưa ký hiệp định, với số vốn vay là 506 triệu USD. Trong danh mục này, 8 khoản vay sẽ kết thúc giải ngân năm 2020, 10 khoản vay sẽ kết thúc giải ngân năm 2021.

Về giải ngân, số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, trị giá giải ngân vốn WB (theo phương thức trực tiếp và tạm ứng vào tài khoản đặc biệt) từ 1/1-30/9/2020 tăng 55% so với trị giá giải ngân 9 tháng năm 2019. Còn theo dự toán vốn 2020 của phía Việt Nam, có 64 dự án/tiểu dự án (thuộc 17 khoản vay) được giao dự toán nhưng chưa giải ngân.

Cũng tính đến 30/9/2020 có 34 dự án/tiểu dự án vay WB đề xuất trả lại kế hoạch vốn 2020 với tổng số kế hoạch vốn đề xuất trả lại bằng 34,6% tổng dự toán được giao của các dự án vay WB.

Là địa phương có 40 dự án vay vốn từ WB, đại diện Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một số vướng mắc khi giải ngân vốn tại địa bàn là do áp dụng hình thức hợp đồng DBO ( thiết kế - xây dựng – vận hành) khá mới ở Việt Nam. Từ khâu thiết kế cho tới khi hoàn thành xây lắp, vận hành thử, chính thức sử dụng đều phải trải qua những nguyên tắc công nghệ phức tạp. Nên có những dự án lựa chọn nhà thầu kéo dài mất 4 năm, kèm với đó là chỉnh sửa nhiều lần. Mỗi lần như vậy lại phải xây dựng hồ sơ kéo dài, chấm thầu dài dẫn đến việc chậm giải ngân.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, tỉ lệ giải ngân vốn WB thấp có nhiều nguyên nhân như vướng mắc về phía dự án phải điều chỉnh, gia hạn dự án, sửa đổi hiệp định vay; thiết kế dự án không phù hợp, khó triển khai; chậm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật chậm. Hay vướng mắc về cơ chế và quy trình thủ tục có khoản vay gộp chưa phù hợp với quy định của Việt Nam và chưa thực sự thuận lợi đối với các cơ quan thực hiện; mô hình giải ngân dựa trên kết quả không hoàn toàn phù hợp với quy định của Việt Nam do các địa phương không đủ nguồn vốn để hoàn thành kết quả, qui định kiểm soát thanh toán vốn ngân sách Nhà nước của Việt Nam là căn cứ chi phí hợp lệ được Kho bạc Nhà nước xác nhận, không căn cứ kết quả đầu ra được kiểm đếm.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, một đặc điểm trong giải ngân vốn vay WB là tài khoản đặc biệt. Số dư tạm ứng nhàn rỗi tại thời điểm 30/9 đã giảm 72% so với số dư cuối năm 2019. Cùng với việc số dư tạm ứng giảm xuống, trị giá thực thanh toán đến dự án 9 tháng đầu năm 2020 tăng. Thời gian quay vòng vốn ứng nhanh hơn (thời gian hoàn chứng từ trung bình giảm từ 6-7 tháng xuống còn 3-4 tháng).

Để thúc đẩy giải ngân vốn vay WB và vốn vay nước ngoài của Chính phủ, tại Hội nghị nhiều ý kiến cũng cho rằng, khẩn trương hoàn thành các thủ tục điều chỉnh dự án; đẩy nhanh việc lập hồ sơ thanh toán, khẩn trương báo cáo chi tiêu để hoàn ứng, giảm vốn nhàn rỗi không sử dụng; bỏ yêu cầu xây dựng và phê duyệt Sổ tay thực hiện trong các dự án để đơn giản hóa thủ tục và tránh xung đột về pháp luật dẫn đến các chủ dự án gặp vướng mắc; đẩy nhanh thời gian phê duyệt các vấn đề cần xin ý kiến, nghiên cứu nâng cao hiệu quả phương thức thanh toán tài khoản đặc biệt và áp dụng phương thức thanh toán trực tiếp để giảm chi phí vay.

M.P

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/giai-ngan-von-ngan-hang-the-gioi-van-thap-566707.html