Dịch vụ thanh toán, chìa khóa giải 'thế khó' cho ngân hàng

Lác đác một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất huy động trong giai đoạn đầu năm 2022. Nhưng đây sẽ khó thành trào lưu do các ngân hàng vẫn đang đối diện với sức ép lãi suất đầu ra khó tăng, thậm chí phải tiếp tục giảm thấp hơn nữa. Giải pháp tất yếu với các ngân hàng là tiếp tục gia tăng dịch vụ thanh toán để tận dụng nguồn tiền gửi không kỳ hạn.

Guồng máy tăng tốc

Thời gian qua, một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất huy động. Ngoài ra, lãi suất cho vay liên ngân hàng cũng có thời điểm tăng trong giai đoạn trước và sau tết. Theo các chuyên gia, việc một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng nhằm đáp ứng một phần kế hoạch khai thác vốn, cũng như cơ cấu nguồn vốn giữa các kỳ hạn cho phù hợp. Đây cũng có thể là một trong những tín hiệu cho thấy, nhu cầu tín dụng đang tăng do guồng máy kinh tế đang tăng tốc.

Sự tăng tốc về kinh tế trong năm 2022 là diễn biến hoàn toàn nằm trong dự báo của nhiều chuyên gia, nhà phân tích trong và ngoài nước. Ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và bắt đầu bộc lộ ngay từ cuối quý I/2022. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nền kinh tế tăng tốc theo đó dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng cao, ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Pinetree cho biết, trong năm 2022, khi nền kinh tế phục hồi lại, nhu cầu vay vốn cũng sẽ gia tăng. Ngay trong tháng đầu tiên của năm, dư nợ tín dụng tín đến cuối tháng 1/2022 đã tăng trưởng được 2,74% so với cuối năm 2020. Theo đó, dư nợ tín dụng tín đến cuối tháng 1/2022 đã tăng trưởng khoảng 16,32% so cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng 1/2022 đã nhanh hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước, bởi tháng 1/2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,53%.

Mặc dù vậy, nhu cầu vốn tăng cao cũng không có nghĩa các ngân hàng có thể đẩy lãi suất cho vay tăng lên do ngành ngân vẫn phải thực thi các quan điểm điều hành xuyên suốt của Quốc hội và Chính phủ trong việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Lời giải cho bài toán kinh doanh

Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội có nội dung đề cấp khá cụ thể, yêu cầu phía Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Ngoài ra, Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cũng đặt ra yêu cầu với Ngân hàng Nhà nước phải khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Những quan điểm từ các văn bản chỉ đạo từ cả cấp Quốc hội, Chính phủ… đặt ra yêu cầu đối với các ngân hàng không những khó tăng lãi đầu ra, mà thậm chí sẽ còn phải giảm mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn nữa đối với một số nhóm khách hàng. Điều này cho thấy, động thái tăng lãi suất huy động sẽ chỉ là những diễn biến đơn lẻ để điều chỉnh cơ cấu vốn của một số ngân hàng, chứ khó có thể trở thành xu hướng. Bởi lẽ, ngân hàng sẽ không còn lợi nhuận nếu tiếp tục tăng lãi suất huy động để hút vốn, trong khi không thể tăng lãi suất đầu ra.

Tuy nhiên, lời giải cho các ngân hàng chính là con đường tìm đến nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn. Theo đó, các dịch vụ thanh toán trực tuyến nếu ngành càng trở nên thuận tiện thì khách hàng sẽ có xu hướng để tiền trong tài khoản nhiều hơn thay vì giữ tiền mặt. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, từ năm 2021 đã có những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn lên tới 30 - 40%, một số khác cũng đạt tới 15 - 20%. Điều này cho thấy ý thức người dân từng bước đã ít giữ tiền mặt hơn và để tiền trong tài khoản nhiều lên để phục vụ cho các nhu cầu thanh toán.

Mặt bằng lãi suất giai đoạn đầu năm 2022 của các ngân hàng thương mại

Lãi suất tiền gửi: Khoảng 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Lãi suất cho vay: Các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,8-9,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4,5%/năm).

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dich-vu-thanh-toan-chia-khoa-giai-the-kho-cho-ngan-hang-101205.html