Giải ngân kinh phí còn mệt hơn... làm đề tài nghiên cứu

Đó là một trong những nội dung được nói tới nhiều nhất tại Hội thảo 'Giải pháp kết nối phát triển khoa học và công nghệ xây dựng giữa Tổng hội Xây dựng Việt Nam với các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp' vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp với các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực liên quan đến công tác xây dựng. Tính liên ngành trong khoa học nói chung và khoa học kỹ thuật xây dựng nói riêng xuất phát từ nhu cầu giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Mỗi một phát minh trong lĩnh vực khoa học này sẽ kéo theo những thay đổi và ảnh hưởng nhất định đên các ngành hoa học khác. Việc liên kết, kết nối phát triển khoa học và công nghệ xây dựng sẽ mang lại những hiệu quả nhất định đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Và đây cũng là mục tiêu “Kết nối để phát triển” được PGS.TS Đỗ Văn Hứa nhấn mạnh trong nội dung mở đầu tại Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo “Giải pháp kết nối phát triển khoa học và công nghệ xây dựng giữa Tổng hội Xây dựng Việt Nam với các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp”.

Quang cảnh Hội thảo “Giải pháp kết nối phát triển khoa học và công nghệ xây dựng giữa Tổng hội Xây dựng Việt Nam với các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp”.

Theo đó, một số các vấn đề được đặt trong liên kết hoạt động KHCN như lợi thế, cơ chế, hình thức liên kết… Hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các chuyên gia đầu ngành. Nội dung được đề cập nhiều nhất là cơ chế tài chính – một trong những nội dung mà theo như đánh giá của GS. Vũ Minh Cát, Đại học Thủy Lợi, là đang làm “khó” các nhà nghiên cứu khoa học. “Một đề tài nghiên cứu khoa học từ lúc bắt đầu tới lúc kết thúc qua rất nhiều khâu thẩm định về mặt tài chính. Từ tài vụ tới kiểm toán bộ rồi Kiểm toán Nhà nước thẩm định. Trong hội đồng thẩm định bao giờ cũng có một nhân vật lĩnh vực tài chính – nhưng bản thân họ lại không phải là người nắm rõ và hiểu được nội dung công việc mà các nhà nghiên cứu khoa học làm. Cho nên làm khoa học không sợ bằng giải ngân” – GS. Vũ Minh Cát chia sẻ.

Đồng quan điểm, GS-TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, cũng cho rằng “các nhà khoa học hiện nay phần nhiều không muốn làm đề tài vì thanh toán giải ngân còn mệt hơn làm đề tài nghiên cứu”. Không chỉ khó khăn trong việc thanh quyết toán khiến cho các nhà khoa học thấy “nản” mà kinh phí dành cho nghiên cứu cũng rất hạn hẹp – chỉ 2% GDP. Một con số khiêm tốn nhưng cũng không dùng hết. Từ năm 2015-2020 cũng chỉ dùng tới 1,5 - 1,6% - PGS. Đỗ Văn Hứa chia sẻ.

Với kinh nghiệm quản lý KHCN từ trường đại học đến Bộ Xây dựng, GS. Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ: “Năm 2005 Chính phủ có nghị định tự chủ tài chính cho các trường, các viện nhưng đến nay nội dung này vẫn chưa được quan tâm đúng mức và ngày càng phức tạp ở nội dung giải ngân”. Theo ông Dũng, ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học hạn chế. Các viện nghiên cứu dựa vào ngân sách nhà nước, trong khi các doanh nghiệp nếu cần họ sẽ tự đặt hàng theo kênh của họ. Ông Dũng còn cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu chưa thực sự thành công.

Cũng tại Hội thảo, GS. Vũ Minh Cát đưa ra con số minh chứng cho điều này. Theo thống kê mới nhất, các doanh nghiệp KHCN có tính chất nhà nước có khoảng 1.600 tổ chức, trong đó lực lượng khoa học công lập khoảng 40.000, dân lập có khoảng 10.000. Con số còn cho thấy sự lãng phí nguồn nhân lực KHCN.

Việc kinh phí hạn hẹp cũng là một trong những nguyên nhân làm khó thu nạp cán bộ trẻ, cho nên các văn phòng hội chủ yếu là cán bộ đã về hưu sẽ thiếu năng động trong khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, nhất là trong cơ chế chuyển đổi sang công nghệ 4.0 như hiện nay. Cái khó kéo theo cái khó chính vì thế, theo GS Vũ Minh Cát thì “cơ chế tài chính cần cải tiến làm sao để tiệm cận đúng nghĩa của sự “tự chủ”, làm sao để sử dụng nguồn tài chính của đề tài đúng với mục tiêu và mang lại hiệu quả tốt nhất.

Ngoài ra, những nội dung về công tác đào tạo hay vai trò công nghệ thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số đối với công trình xây dựng… cũng được các nhà khoa học trao đổi. Các nhà khoa học mong mỏi, kết nối trong NCKH giữa Tổng hội Xây dựng Việt Nam với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trong quá trình chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều hiệu quả quả cho sự phát triển cho các đơn vị và cho đất nước.

Lệ Quyên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/giai-ngan-kinh-phi-con-met-hon-lam-de-tai-nghien-cuu-26001.html