Giải ngân chậm không thể đổ hết do Luật Đầu tư công

Một số địa phương cho rằng, Luật Đầu tư công đang làm khó giải ngân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, điều này không hẳn!

Giải ngân đầu năm cao chưa chắc cả năm sẽ cao

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân đầu tư công mới đạt trên 22,37% kế hoạch Thủ tướng giao. Con số này chưa đạt kỳ vọng.

Dù vậy, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để đánh giá giải ngân này nhanh hay chậm cần nhìn nhận toàn diện và trong cả giai đoạn.

Giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 chưa đạt kỳ vọng

Giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 chưa đạt kỳ vọng

Nhìn lại giai đoạn 2017 - 2022, 5 tháng đầu năm thường đạt khoảng 22 - 26% kế hoạch, trong đó thấp nhất là năm 2021 đạt 22,12% và cao nhất là năm 2019 đạt 26,4%. Tuy nhiên, giải ngân cả năm có sự biến động mạnh trong khoảng 76,89% - 96,47%. Xét cả giai đoạn, giải ngân năm 2018 là thấp nhất, đạt 76,89%; năm 2019 thấp thứ hai, đạt 78,83%.

Năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất là 2020 đạt 96,47%, là năm cuối kỳ trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; tiếp đến năm 2021 đạt 95,7%, đây là năm tiếp tục thực hiện hoàn thành nhiều dự án của giai đoạn 2016 - 2020 và chuẩn bị đầu tư cho 2021 - 2025.

Rõ ràng, tỷ lệ giải ngân thường tăng dần vào thời điểm cuối năm và có xu hướng trở thành quy luật. Thực tế, các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nhận định giải ngân nhanh hay chậm cần xem xét cả đến yếu tố này. “Việc giải ngân thấp ở các tháng đầu năm cũng chưa khẳng định được tỷ lệ giải ngân cả năm là sẽ thấp, điển hình là các năm 2020 - 2021”, ông Dũng phát biểu.

Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân đầu tư công chậm đã được chỉ ra, bao gồm cả nguyên nhân mang tính hệ thống, tồn tại trong nhiều năm và các nguyên nhân chủ quan, khách quan, đặc thù từng năm. Chẳng hạn, do giải phóng mặt bằng chậm, năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu còn hạn chế, do công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để…

Năm 2022 có những đặc thù, như dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án; giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá…

Trong nhiều cuộc họp có liên quan, các địa phương phản ánh có vấn đề trong chuyện phân cấp, phân quyền, các quy định của Luật Đầu tư công đang làm khó họ dẫn đến giải ngân chậm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, điều này không đúng.

Ông phân tích, thời gian qua đã có những đổi mới rất quan trọng, căn bản, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, từ xác định mục tiêu phát triển gắn với xác định và lựa chọn dự án, lập dự án, chuẩn bị đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án, giao kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch vốn, đấu thầu, thanh toán, quyết toán dự án… Cơ bản đã phân cấp, phân quyền toàn bộ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được toàn quyền quyết định tất cả các khâu, các giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư công.

Song song với đó, đã có sự đổi mới tư duy và phương pháp lập kế hoạch từ ngắn hạn hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, chuyển từ quản lý, điều hành bằng văn bản dưới luật sang quản lý bằng Luật Đầu tư công, thay đổi từ cơ chế theo dõi tiền kiểm sang hậu kiểm… “Quy trình, thủ tục cũng rõ rồi, việc chậm giao là do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Chậm giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về mặt thể chế hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nói là do Luật Đầu tư công thì không hẳn. Bởi một dự án đầu tư công khi được triển khai thực hiện phải chấp hành không chỉ quy định của Luật Đầu tư công mà còn liên quan Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản và các luật chuyên ngành khác… Thậm chí, còn cả các điều ước, cam kết quốc tế. Các quy định này chi phối cả vòng đời dự án, chỉ một khâu vướng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án.

Chính vì sự ràng buộc giữa nhiều khâu, nhiều quy định nên ngay cả những dự án được tách riêng dự án giải phóng mặt bằng, được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù với nguồn vốn được bố trí đầy đủ nhưng vẫn có thể gặp vướng mắc trong chính bản thân việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một ví dụ điển hình!

Phải tính đến giải pháp căn cơ

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn đang khó khăn và chúng ta đang thực thi các giải pháp để phục hồi kinh tế. Do vậy, Chính phủ đã quyết liệt thực thi nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thành lập 6 Tổ công tác để đi kiểm tra, đốc thúc công tác này.

“Đổi mới thể chế là khâu then chốt, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành là khâu quyết định. Nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nơi đó đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt mà phải tính đến căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển.

Cụ thể, về mặt thể chế, cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công cũng như sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan, bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục. Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Yếu tố rất quan trọng nữa là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, chuẩn bị dự án thật tốt, nghiên cứu và bổ sung quy định về một số hành động trước được thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng, để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm.

Hiện, Chính phủ đang nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án.

Đồng thời, cần bảo đảm quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn… Siết chặt kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu…

“Đổi mới thể chế là khâu then chốt, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành là khâu quyết định. Nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nơi đó đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đúc kết.

V. Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/giai-ngan-cham-khong-the-do-het-do-luat-dau-tu-cong-i292655/