Giải mật vụ bê bối lớn nhất lịch sử tình báo Pháp

Ngày 10/5/1985, tình báo Pháp thực hiện phi vụ đánh chìm tàu Rainbow Warrior của Hòa Bình Xanh – tổ chức bảo vệ môi trường lớn nhất thế giới - làm một thủy thủ trên tàu thiệt mạng.

Xảy ra năm 1985, vụ đánh chìm tàu Rainbow Warrior được coi là bê bối nghiêm trọng nhất của Tổng cục An ninh Hải ngoại Pháp (DGSE) thế kỷ 20.

DGSE chính thức thành lập vào năm 1982, là cơ quan tình báo của chính phủ Pháp đảm nhiệm các sứ mệnh bên ngoài lãnh thổ nước Pháp. Năm 1985, tổ chức này được giao sứ mệnh bảo vệ quyền thử hạt nhân của Pháp tại Thái Bình Dương trước sự phản đối dữ dội của nhiều tổ chức.

Ngày 10/5/1985, DGSE thực hiện phi vụ đánh chìm tàu Rainbow Warrior của Hòa Bình Xanh – tổ chức bảo vệ môi trường lớn nhất thế giới - tại cảng Auckland của New Zealand làm một thủy thủ trên tàu thiệt mạng.

Theo điều tra ban đầu của cảnh sát New Zealand, thủ phạm phá hoại tàu là hai vợ chồng người Pháp: Claire và Jacques Turenge. Sau đó, cả hai bị tuyên án 10 năm tù giam. Tuy nhiên, nghi có những khuất tất bên trong vụ việc này, tờ Le Monde của Pháp quyết định mở một cuộc điều tra.

Phóng viên Le Monde phát hiện chính DGSE đã đạo diễn toàn bộ vụ đánh chìm tàu Rainbow Warrior nhằm ngăn chặn việc tổ chức Hòa Bình Xanh đưa tàu đến quần đảo Muroara để phản đối các vụ thử hạt nhân của Pháp.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp thời đó là Charles Hemu chính là người ra lệnh cho DGSE triển khai chiến dịch “Satanic” để 5 nhân viên tình báo phá hoại chiếc Rainbow Warrior. Cặp vợ chồng cải trang Turenge chính là Thiếu tá Alain Mafart và nữ Đại úy Dominique Prieur của DGSE.

Sau đó, Pháp và New Zealand ký một thỏa thuận, theo đó, Pháp cam kết bồi thường 8,16 triệu USD cho New Zealand và đổi lại, New Zealand sẽ trao trả hai điệp viên Alain Mafart và Dominique Prieur cho Pháp. Hai điệp viên này sau đó ngồi tù hai năm tại một căn cứ quân sự của Pháp ở Polynesia.

Vụ bê bối đã làm dấy lên làn sóng quốc tế phản đối hành động vi phạm luật quốc tế của chính phủ Pháp và gây căng thẳng ngoại giao giữa Pháp và NewZealand trong một thời gian dài. Bộ trưởng Quốc phòng Charles Hemu cũng vì bê bối này, mà phải từ chức ngày 20/9/1985.

Mời quý độc giả xem clip: 10 vũ khí ảnh hưởng nhất Thế chiến II.

T.B (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-mat-vu-be-boi-lon-nhat-lich-su-tinh-bao-phap-1333185.html