Giải mật Thủy Hử: Truy tìm sát thủ giấu mặt hại chết trại chủ Tiều Cái

Ai là kẻ phóng độc tiễn hại chết Tiều Cái? Sát thủ ẩn mặt nằm trong số hai mươi viên tướng mà vị trại chủ Lương Sơn này dẫn theo trong trận đánh Tăng Đầu thị.

Có nhiều nghi vấn cho rằng đằng sau mũi tên độc hại chết trại chủ Lương Sơn Tiều Cái là một âm mưu đổ tội cho kẻ khác, một đại án huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt trong nội bộ Lương Sơn. Vậy ai là chính chủ của mũi độc tiễn này?

Nói tới sát thủ ra tay, thứ nhất là hẳn phải có mâu thuẫn với Tiều Cái, thứ nhì là phải thân thiết tới mức sẵn sàng bán mạng cho Tống Giang. Mẫu thuẫn với Tiều Cái thì cũng có một vài người, mà sẵn sàng bán mạng cho Tống Giang thì nhiều lắm vì Cập thời vũ ra tay với anh em rất hào sảng. Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài vị hảo hán khả nghi.

Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh ?

“Họ Tống đi đâu thì Hoa Vinh theo đó, làm cướp cũng được, làm quan cũng xong.” Người đầu tiên bị xếp vào diện nghi vấn hẳn là Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh. Anh chàng có tài bắn tên tuyệt luân, từng bắn tách ngù kích ở Đối Ảnh Sơn, bắn xuyên mắt nhạn ở vụng Lương Sơn... lại là anh em cực kỳ thân thiết với Tống Giang. Trong Hậu Thủy Hử, khi Tống Giang chết, Hoa Vinh trở về bên mộ và thắt cổ tự tử, đại để thương nhau đến thế là cùng.

Tuy nhiên cơ hội để Hoa Vinh làm sát thủ lại bằng số không tròn trĩnh.

Thủy Hử xây dựng Hoa Vinh là một viên tướng văn nhã, ít khi thấy anh chàng cáu giận, dẫu có đánh nhau cũng chỉ dăm ba hợp là giả thua bỏ chạy rồi quay mình thả tiễn, phập... xong một mạng người. Nhưng quan trọng hơn hết, Hoa Vinh là con người hiểu đại cục. Còn nhớ khi Tống Giang lừa để Mộ Dung tri phủ giết cả nhà Tần Minh, ép Tần lên núi. Sau khi biết Tống Giang hại mình, “Tần Minh nghe nói như xé đứt ruột gan, toan đứng tên đánh nhau với bọn Tống Giang cho hả dạ” (Hồi 33-Thủy Hử), khi đó Hoa Vinh khẳng khái đem em gái gả cho họ Tần để dàn xếp các mối mâu thuẫn, nhờ đó mà thu về cho Tống Giang một viên đại tướng.

Cơ hội để Hoa Vinh làm sát thủ lại bằng số không tròn trĩnh.

Cơ hội để Hoa Vinh làm sát thủ lại bằng số không tròn trĩnh.

Ngoài ra, Hoa Vinh không phải hoàn toàn bị ép phản triều đình, mà chàng chủ động làm phản vì Tống Giang. Họ Tống đi đâu thì chàng theo đó, làm cướp cũng được, làm quan cũng xong. Chính vì thế động cơ để Hoa Vinh giết Tiều Cái để mong chiêu an là không quá lớn.

Hơn nữa, nếu Hoa Vinh ra tay bắn Tiều Cái thì chàng không cần thiết phải xài độc tiễn. Hễ buông tên là mạng vong, thì đâu cần phải xài độc cho mất công. Đến đây hẳn độc giả sẽ vặn lại rằng Hoa Vinh cố tình chọn dùng độc tiễn để tung hỏa mù khiến không ai nghi ngờ mình. Vậy thì xin mời mọi người đi tiếp tới một chứng cứ khác: cơ hội để Hoa Vinh ra tay hoàn toàn bằng không.

Tại sao? Bởi kế hoạch cướp trại của Tiều Cái diễn ra trong chớp nhoáng, ban ngày hai vị sư tới hiến kế thì tối hôm đó đã lập tức cướp trại, không cách nào chuyển tin tức tới kịp Lương Sơn, rồi lại để Hoa Vinh chạy từ sơn trại tới Tăng Đầu thị. Ta cần nhớ rằng địa thế Tăng Đầu thị cực kỳ phức tạp, con đường Tiều Cái đi hoàn toàn mới mẻ với người Lương Sơn do hai nhà sư vừa mới đem hiến (và khi rút quân, Tiều Cái "cũng theo đường cũ trở về”).

Một điểm đáng lưu tâm nữa là các đầu lĩnh từ đại trại muốn xuống núi đều phải dùng thuyền và đi qua cửa Chu Quý. Bản thân Chu Quý lại là người phe Tiều Cái chứ không phải phe Tống Giang. Do vậy nếu hôm Tiều Cái trúng ám tiễn mà tình cờ Hoa Vinh hạ sơn thì làm sao man thiên quá hải (giấu trời vượt biển), qua mắt được người trong thiên hạ.

Như vậy, không những ta loại bỏ một Hoa Vinh khỏi diện tình nghi, mà còn trực tiếp loại luôn tất cả các viên tướng không tham gia lần đánh Tăng Đầu thị này.

Sát thủ ẩn mặt phóng độc tiễn hại Tiều Cái chỉ còn nằm trong số hai mươi viên tướng mà vị trại chủ Lương Sơn này dẫn theo trong trận chiến Tăng Đầu thị. Đới Tung được giao nhiệm vụ qua lại giữa sơn trại và Tăng Đầu thị để liên lạc giữa Tống Giang và vị đầu lĩnh đó. Và sát thủ này đáng tin cậy tới mức được trao toàn quyền hành động, nghĩa là hễ chớp được cơ hội liền ra tay chứ không chờ xin lệnh.

Hình ảnh Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh trong phiên bản phim truyền hình Thủy Hử.

Hai mươi chọn lấy mười

Điểm qua hai mươi viên đầu lĩnh theo trại chủ Lương Sơn đánh Tăng Đầu thị gồm: Lâm Xung, Hô Duyên Chước, Từ Ninh, Mục Hoằng, Trương Thuận, Dương Hùng, Thạch Tú, Tôn Lập, Hoàng Tín, Yến Thuận, Đặng Phi, Âu Bằng, Dương Lâm, Lưu Đường, Nguyễn Tiểu Nhị, Nguyễn Tiểu Ngũ, Nguyễn Tiểu Thất, Bạch Thắng, Đỗ Thiên, Tống Vạn.

Trong số hai mươi viên đầu lĩnh này, ta có thể loại tiếp mười người theo Tiều Cái cướp trại. Hiển nhiên khi rút chạy thì Tiều Cái phải thuộc nhóm đi đầu và các tướng có nhiệm vụ vây quanh bảo vệ đại ca. Việc tách nhóm giữa đám loạn quân để chạy tới trước, rồi mai phục đón lõng là khó khả thi. Đây sẽ không phải là kế hoạch được tính toán kỹ của sát thủ, bởi quá nhiều bất trắc có thể làm hỏng kế hoạch đó. Một sát thủ muốn ra tay thì không thể thiếu thiên thời, địa lợi và nhân hòa.

Nhân hòa là khả năng bắn tên của sát thủ. Thiên thời là cơ hội đã được bày ra khi lừa được Tiều Cái vào tròng. Còn lại yếu tố địa lợi, đó chính là vị trí mai phục.

Lâm Xung và...

... Từ Ninh là một trong số 20 đầu lĩnh theo Tiều Cái đánh Tăng Đầu thị

Nếu sát thủ là một trong mười vị tướng theo Tiều Cái cướp trại, anh ta không có thời gian để thiết lập nơi mai phục, và cũng rất khó để một mình bí mật tách khỏi đám tàn binh bại tướng mà chạy đến địa điểm thích hợp chọn trước. Đó là một kế hoạch mang đầy tính rủi ro.

Như vậy chỉ còn lại mười viên tướng trong đạo quân thứ hai, bao gồm: Lâm Xung, Từ Ninh, Mục Hoằng, Trương Thuận, Dương Hùng, Thạch Tú, Tôn Lập, Hoàng Tín, Đặng Phi, Dương Lâm.

Trong số mười người này, có Mục Hoằng và Trương Thuận là thân thiết với Tống Giang; Dương Hùng, Thạch Tú có mâu thuẫn với Tiều Cái (bị từ chối nhập bọn, thậm chí bị thét lôi ra chém). Ta cũng nên nhớ sát thủ phải biết dùng cung tên. Vậy ai trong số họ có thể là sát thủ?

(Còn tiếp)

Như Tô

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/giai-mat-thuy-hu-truy-tim-sat-thu-giau-mat-hai-chet-trai-chu-tieu-cai-1484711.tpo