Giải mật cuộc chiến chống do thám trên bầu trời Đông Âu

Theo những tài liệu từ thời chiến tranh lạnh mới được giải mật, bầu trời châu Âu từng là nơi diễn ra một cuộc chiến thực sự giữa Liên Xô (cũ) và phương Tây với không ít những vụ đụng độ: có cả những trận không chiến, máy bay bị bắn rơi, phi công bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Chỉ tính từ năm 1950, các phi công Xô viết đã tiêu diệt 27 chiếc máy bay vi phạm, bắt buộc hạ cánh hay đuổi khỏi không phận Đông Âu không dưới 60 chiếc khác.

Phía Liên Xô từng cho biết có tổng cộng 139 quân nhân nước ngoài đã thiệt mạng từ những vụ đụng độ trên. Còn theo các nguồn tin của Mỹ, trong khuôn khổ các chiến dịch do thám đường không từ năm 1950 đến năm 1970, Washington đã tổn thất và bị thương không dưới 252 phi công, trong đó có 90 người sống sót, 24 người chết và 138 người mất tích.

Do thám bằng mọi giá

Vào lúc 14 giờ 10 phút ngày 28-1-1964, chiếc máy bay hai động cơ T-39A Sabreliner của không quân Mỹ cất cánh từ sân bay Wiesbaden (Tây Đức) để bắt đầu một chuyến bay luyện tập dự tính kéo dài khoảng 3 giờ - theo như thông báo chính thức từ phía Mỹ. Phi hành đoàn trên chiếc máy bay có 3 người: huấn luyện viên phi công 34 tuổi John Lorraine cùng hai cấp dưới là trung tá Gerald Hannaford (41 tuổi) và đại úy Donald Millard (33 tuổi). Sau một thời gian, chiếc máy bay đã ở trên không phận của Erfurt, một thành phố của Đông Đức, cách xa biên giới Tây Đức tới 80km.

Trung úy Harold Welsh (giữa) được trao trả cho phía Mỹ vào ngày 21-3-1964.

Theo các chuyên gia quân sự Xô Viết, chuyến bay huấn luyện trên thực tế chỉ là để ngụy trang cho một sứ mạng do thám của không quân Mỹ đối với các hệ thống phòng không của Liên Xô tại khu vực này. Chuyến bay đã được tính toán phù hợp với thời điểm bay ngang qua khu vực này của một vệ tinh do thám Mỹ. Lịch trình bay của chiếc T-39A đã diễn ra ban đầu theo như dự định. Cho đến phút thứ 47, hai trạm radar phòng không của Mỹ tại Tây Đức phát hiện ra máy bay lao nhanh với vận tốc 800 km/giờ áp sát biên giới với Đông Đức. Tất cả mọi nỗ lực liên lạc với máy bay sau đó đều bất thành, theo như khẳng định là do hệ thống liên lạc vô tuyến bị hỏng.

Chỉ khoảng 5 phút sau khi chiếc T-39A vượt qua biên giới, các thao tác viên trên radar của Mỹ phát hiện hai đốm sáng của tiêm kích Liên Xô áp sát. Ba đốm sáng trên màn hình radar tiếp tục di chuyển về phía đông, sau đó hai chiếc tiêm kích quay trở lại. Đốm sáng thứ ba - biểu hiện cho chiếc T-39A - đã biến mất khỏi màn hình. Trên thực tế, hai chiếc MIG-17F của Liên Xô đã tấn công kẻ vi phạm bằng những loạt súng 23mm, khiến cho chiếc CT-39A bốc cháy thành nhiều mảnh, rơi xuống khu vực làng Vogelsberg. Cả 3 phi công Mỹ đều thiệt mạng. Về phía Liên Xô, cả hai phi công tham gia trực tiếp vào chiến công này đều được thăng quân hàm đại úy trước niên hạn, cũng như được tặng thưởng huân chương Cờ đỏ và Sao đỏ, được cử đi tu nghiệp tại Học viện không quân.

Một phiên bản máy bay T-39 của không quân Mỹ.

Theo hồi ức của tướng Petro Levchenko – người trong khoảng thời gian từ 1960-1967 là chỉ huy lực lượng phòng không của quân đội Xôviết tại Đông Đức – máy bay các nước phương Tây thường xuyên vi phạm không phận tại khu vực này, nhất là vào giai đoạn Hồng quân bắt đầu hoàn thiện hệ thống phòng không, mục đích là để thăm dò khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này.

Còn theo nguyên soái Ivan Pstygo, cựu Tư lệnh Quân đoàn Không quân số 16, lực lượng không quân Xôviết thường xuyên được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Tại một số khu vực trọng điểm, các phi công có giai đoạn khi trực phải ngồi sẵn trong khoang máy bay để có thể cất cánh ngay lập tức sau khi có lệnh xuất phát. Nhiệm vụ của các phi công không chỉ là ngăn chặn những vụ xâm nhập, mà còn cả những hành động khiêu khích từ phía phương Tây.

Cũng cần phải nói thêm, hoạt động do thám đường không đối với người Mỹ vào thời điểm đó được đánh giá là có ý nghĩa sống còn. Sức mạnh xung kích và số lượng quân Xôviết được triển khai tại Đông Đức hết sức hùng hậu, theo đánh giá nếu cần thiết có thể đập tan lực lượng quân đội NATO tại châu Âu chỉ trong vài ngày, đẩy bật họ tới tận eo biển Manche. Chính vì vậy, dù phải mạo hiểm sinh mạng của các phi công cùng máy bay, bằng mọi giá cần phải xác định trước thời điểm quân Xôviết có thể tấn công.

Bên bờ thảm kịch

Tình hình trực sẵn sàng chiến đấu căng thẳng như vậy đòi hỏi các phi công phải hết sức tỉnh táo, nếu không muốn mắc những sai lầm có thể dẫn tới thảm kịch. Điển hình như trường hợp các phi công Xôviết được lệnh đánh chặn một chiếc máy bay nghi là thâm nhập nhưng thực chất lại là một chiếc phi cơ dân dụng IL-18 của Tiệp Khắc theo lộ trình Copenhagel-Praha với hơn 100 hành khách.

Một máy bay vi phạm không phận do Liên Xô quản lý đang nằm trong kính ngắm của chiếc MIG-17.

Vào thời điểm đó, do tuyến bay đã ấn định có thời tiết rất xấu: trời nhiều mây đậm đặc, sấm chớp. Các phi công Tiệp Khắc đã quyết định vòng qua bên trái để tránh khu vực thời tiết xấu trên, vô tình đã vi phạm không phận Đông Đức. Hệ thống radar phòng không bắt được tín hiệu của chiếc IL-18, xác định đó là máy bay vi phạm của phương Tây.

Một phi đội máy bay tiêm kích đang trực chiến được lệnh xuất kích tiêu diệt ngay kẻ xâm phạm. Rất may là trước khi nhấn nút khai hỏa, các phi công vẫn trì hoãn một thời gian, tiến gần hơn để nhìn rõ mục tiêu sắp bị tiêu diệt là gì. Họ nhìn rõ những dòng chữ trên thân máy bay và báo ngay về sở chỉ huy. Mệnh lệnh tiêu diệt đã được hủy bỏ kịp thời trước khi thảm kịch có thể xảy ra.

Phi vụ cuối cùng của chiếc RB-66

Tháng 3-1964, quân đội Xôviết bắt đầu triển khai nhiều hoạt động khá quy mô tại khu vực thao trường Magdeburg. Đó chính là các bước chuẩn bị cho một cuộc tập trận rất lớn của Hồng quân, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô khi đó – tướng Rodion Malinovski. Kịch bản của cuộc tập trận là hoạt động tấn công của “quân phương Đông” nhằm đập tan hệ thống phòng ngự của “quân phương Tây”. Người Mỹ tất nhiên hết sức lo ngại trước động thái này, tất nhiên là triển khai ngay các nỗ lực nhằm do thám tình hình.

Một ngày đẹp trời tháng 3, chiếc máy bay chiến đấu của phương Tây lẳng lặng vượt qua biên giới Đông Đức, nhằm hướng khu thao trường Magdeburg. Các máy bay tiêm kích của Liên Xô đã ngay lập tức phát hiện và bám sát. Những dấu hiệu quan sát ban đầu cho thấy, đây là loại máy bay trinh sát RB-66. Hồ sơ sau này cho thấy, đây là một chiếc RB-66C thuộc phi đội trinh sát chiến thuật số 19 của không quân Mỹ. Chiếc máy bay cất cánh từ sân bay Toul-Rosieres (Pháp) với tổ bay gồm 3 thành viên – phi công là đại úy David Holland, hai hoa tiêu là đại úy Melvin Kessler và trung úy Harold Welsh.

Khi vào sâu trong không phận Đông Đức tới 70km, chiếc RB-66C bị tiêm kích Xôviết áp sát bắn cảnh cáo. Dù đã nhận được tín hiệu yêu cầu bắt buộc hạ cánh, nhưng các phi công Mỹ vẫn tiếp bay. Mệnh lệnh phải tiêu diệt chiếc máy bay vi phạm được tướng Levchenko đưa ra ngay sau đó. Lúc này, chiếc RB-66C đã tiến sát tới khu vực thao trường Magdeburg. Các tướng lĩnh Xôviết tại đây đã tận mắt chứng kiến cảnh chiếc tiêm kích phóng một quả tên lửa không đối không nhằm vào kẻ xâm nhập. Chiếc máy bay Mỹ ngay lập tức bị nghiêng sang trái và bắt đầu rơi. Các phi công đồng loạt nhảy dù và rơi xuống khu vực Gardelegen.

Máy bay trinh sát điện tử RB-66 của Mỹ.

Tất cả thành viên phi hành đoàn đều sống sót và bị bắt giữ. Chỉ có trung úy Welsh bị thương và được chữa trị tại bệnh viện quân y, trước khi trao trả cho phía Mỹ vào ngày 21-3-1964. Holland và Kessler được trao trả vào ngày 27-3. Viên phi công Holland sau đó còn sang tham chiến tại Việt Nam, tham gia tổng cộng 146 phi vụ trên loại máy bay trinh sát điện tử RB-66.

Ba tuần sau sự kiện trên, hai phi công trực tiếp bắn hạ chiếc EB-66 – đại úy Ivannikov và đại úy Zinovev được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ. Bốn năm sau, Ivannikov ngừng sự nghiệp bay, chuyển sang công tác tại Cơ quan Tình báo quân đội (GRU). Còn Zinovev (về sau được xác định là người trực tiếp bắn rơi chiếc RB-66) cũng không thể thăng tiến vì một “sự cố” bất ngờ vào mùa hè năm 1968.

Khi đó, anh ta cất cánh từ sân bay Cottbus tới sân bay Templin trên một chiếc MIG-21. Sau một thời gian bay được cho là đúng hướng, Zinovev phát hiện ra sân bay và quyết định hạ cánh. Mãi đến khi lăn trên đường băng và thả dù hãm tốc độ, Zinovev mới nhận ra mình đã sai lầm. Trên thực tế, đó là một sân bay nằm tại Tây Berlin, nơi có một đơn vị không quân Pháp đóng giữ. Tay phi công Xôviết rất nhanh quyết định quay ngược lại và cất cánh, bất chấp việc người Pháp đưa một số xe hơi ra đường băng tìm cách ngăn cản. Quay trở lại sân bay một cách an toàn, nhưng con đường thăng tiến của Zinovev cũng kết thúc sau vụ việc trên.

Quỳnh Nga (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/giai-mat-cuoc-chien-chong-do-tham-tren-bau-troi-dong-au-521025/