Giải marathon Quốc tế Di sản HN: Những người không chạy qua vạch đích

Giải marathon Quốc tế Di sản Hà Nội đã kết thúc vào ngày 21/10 đối với các vận động viên. Nhưng đối với bác sĩ Đinh Linh, giám đốc chuyên môn của giải chạy thì đến lúc này: Giải chạy vẫn chưa kết thúc. Bác sĩ Đinh Linh chỉ là một trong những người lặng lẽ góp sức vào sự thành công của giải, những người không chạy băng qua vạch đích như đã về đích với nhiệm vụ của mình.

Một tháng chuẩn bị cho giải

Là một vận động viên đã từng đặt chân lên nhiều đường chạy ở trong và ngoài nước, nhưng lần này bác sĩ Đinh Linh lại đảm nhận vai trò phụ trách chuyên môn đứng sau các vận động viên.

Anh tâm sự: “Những lần tham gia các giải chạy ở trong nước và quốc tế tôi đã học hỏi được nhiều điều để đem về nước, những giải chạy nào trong nước có gì chưa hoàn thiện thì tôi góp ý để điều chỉnh”. Cũng chính vì thế, nhiều để xuất của anh đã được áp dụng và tạo nên những hình ảnh tốt đẹp cho các giải chạy trong nước.

Anh dẫn chứng, tại giải chạy marathon Quốc tế Di sản Hà Nội vừa qua, khi tập cùng các vận động viên (VĐV) quốc gia anh nhận thấy các bạn luyện tập rất vất vả nhưng chế độ đãi ngộ còn hạn chế, chính vì thế anh đã đề xuất một cơ chế riêng cho họ, trong đó có việc miễn phí đăng ký, hỗ trợ chi phí ăn ở, tăng giá trị giải thưởng….

Bác sĩ Đinh Linh tại họp báo sự kiện

Bác sĩ Đinh Linh tại họp báo sự kiện

Dù nhận được nhiều đánh giá tích cực về giải chạy, nhưng theo bác sĩ Đinh Linh sự thành công của một giải chạy không nằm ở việc đông người tham gia, nhiều người biết đến mà quan trọng là người chạy thực hiện đúng cự ly, đúng giờ, không có sự cố về giao thông hay y tế, không có thắc mắc khiếu nại về giải thưởng….

Mô tả công việc của mình, bác sĩ Đinh Linh kể: “Trong suốt 1 tháng trước giải chạy, tôi thường dành ra mỗi ngày 3-5 tiếng để xử lý các công việc liên quan tới giải đấu. Khi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ giảm thiểu các sự cố trong ngày diễn ra sự kiện. Tuy nhiên tôi và cả nhóm vẫn túc trực liên tục 2 ngày cuối tuần ở hiện trường”.

Mặc dù vậy, khi được gọi tên là một trong những người thầm lặng góp sức cho thành công của giải, anh cho rằng cụm từ đó nên dành cho các bạn tình nguyện viên (TNV) , những người mà anh cho rằng đó là hình ảnh của ban tổ chức trong ngày chạy giải.

Nhiều đêm thức trắng

Theo mô tả của bác sĩ Đinh Linh, để phục vụ cho 2.500 người chạy ban tổ chức đã phải cần 500 TNV . “Cứ hai ba người chạy có một người phục vụ”, anh nói.

Những người tạo nên đội ngũ TNV của giải Marathon Quốc tế Di sản Hà Nội đặc biệt ở chỗ chủ yếu gồm toàn các VĐV chạy bộ đường dài lâu năm, đã từng tham gia nhiều giải chạy cả với tư cách vận động viên lẫn nhà tổ chức. Không chỉ có vậy, không ít người còn đang đảm đương các vị trí quan trọng trong những cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ.

Các vận động viên chạy cự ly 21km xuất phát - Ảnh Linh Nguyễn H

Bác sĩ Đinh Linh tâm sự, các bạn đều phải làm vào các ngày nghỉ cuối tuần , vào ban đêm, có nhiều thời điểm trắng đêm, liên tục trong 3 tuần trước khi giải diễn ra.

Trong ngày diễn ra giải chạy, có TNV đã phải bắt đầu làm việc từ 2 giờ sáng vượt 20 km để nhận đồ ăn rồi phân phát cho các thành viên còn lại. Không chỉ có mặt trên các cung đường, các tình nguyện viên cũng là người chào đón và trao cho họ những kỷ niệm chương của giải chạy.

Ngoài ra, đội tình nguyện viên còn đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ khác trong giải đấu, từ việc thiết lập các chốt giao thông ở ngã tư, đặt dải phân làn đường chạy, đo chính xác quãng đường theo tiêu chuẩn quy định bằng xe đạp lẫn chạy bộ, giám sát vận động viên chạy bộ để đảm bảo không có sự vi phạm luật chơi nào dù vô tình hay hữu ý. Giải chạy ko thể thành công nếu thiếu sự đóng góp của đội ngũ tình nguyện viên vừa có tâm vừa có tầm này.

Cũng như bác sĩ Đinh Linh, họ không băng qua vạch đích với tư cách một VĐV nhưng họ đã về đích với công việc thầm lặng của mình.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-thao/giai-marathon-quoc-te-di-san-hn-nhung-nguoi-khong-chay-qua-vach-dich-1337789.tpo