Giải mã vùng tối 'Tam Quốc diễn nghĩa': Khẩu chiến quần Nho

Vào 'đêm trước' của trận Xích Bích, nhiệm vụ của Gia Cát Lượng là thuyết phục Tôn Quyền đứng cùng chiến tuyến chống lại Tào Tháo.Tiền đề của nhiệm vụ là khá thuận lợi. Chính Tôn Quyền đã sai Lỗ Túc sang Kinh Châu thăm dò khả năng liên minh với Lưu Bị, Lưu Tông.

Gia Cát Lượng khẩu chiến với Nghiêm Tuấn, Trình Bỉnh.

Tuy nhiên, phần lớn dư luận Giang Đông lại không đồng tình với việc từ bỏ hòa hiếu với Tào Tháo mà chuyển sang chiến tranh. Gia Cát Lượng “dùng trí khích Tôn Quyền” đã đạt được thắng lợi bước đầu.

Nhưng thắng lợi đó lại nhanh chóng bị lá thư của Tào Tháo dập tắt. Cho đến khi có một người xuất hiện và tiến hành khẩu chiến quần Nho.

Sơ khởi khẩu chiến

Khi tuyên bố quyết tâm chống lại Tào Tháo, Tôn Quyền đã hỏi han kỹ hơn về tương quan lực lượng giữa hai bên. Gia Cát Lượng đã cho Tôn Quyền biết rằng lực lượng của Lưu Bị và Lưu Kỳ cộng lại thì không dưới hai vạn. Ngược lại, quân Tào Tháo mỏi mệt, “lặn lội từ xa”.Chiến dịch Đương Dương, khinh kỵ của Tháo một ngày một đêm đi ba trăm dặm.

Đó gọi là “nỏ cứng suy kém, chẳng xuyên nổi tấm lụa nước Lỗ”, lại phạm vào điều đại kỵ trong binh pháp Tôn Tử: “đi ba trăm dặm để thủ lợi, ắt kiệt quệ thượng tướng quân”. Thêm vào đó, quân bắc không quen thủy chiến.NgươìKinh Châu vì thế bức bách mới phải đầu hàng, chưa thể hết lòng tận sức.

Vào khoảnh khắc này quân Tào rất yếu, chỉ cần sai mãnh tướng dẫn vài vạn quân liên hợp với Lưu Bị thì “phá quân Tháo là chắc rồi”. Sau khi phá xong Tào Tháo, cục diện chân vạc sẽ hình thành. Nói tóm lại, viễn cảnh do Gia Cát Lượng vẽ ra là vô cùng thuận lợi.

Tuy nhiên, điều mà Gia Cát Lượng không nắm được, hoặc không nói tới, là quân số của Tào Tháo.Đây là điểm yếu chết người khiến phần du thuyết của Gia Cát Lượng nhanh chóng mất tác dụng. Tào Tháo bằng cách bổ khuyết thông tin về quân số của bản thân, đã phá tan kế sách của Gia Cát. Tào Tháo tuyên bố mình rất dễ dàng thu phục được Lưu Tông – vì Lưu Tông đã đầu hàng.

Lực lượng của Tào Tháo có thể nói là không hề bị sứt mẻ, hơn nữa lại còn phát triển thành tám mươi vạn quân.Mục tiêu kế tiếp của Tào Tháo sẽ là “hội săn” với Tôn Quyền ở đất Ngô.Tình thế đã hoàn toàn thay đổi.Gia Cát Lượng cho rằng quân Tào suy yếu và đang trong trạng thái tĩnh, phía Tôn-Lưu sẽ là phía tiến công.

Ngược lại, lá thư của Tào Tháo lại cho biết quân Tào rất mạnh, và Tào Tháo sẽ là phía tiến công. Điều này đã khiến toàn bộ văn quan, võ tướng, tông thất của Đông Ngô chấn động.

Điều may mắn cho Tôn Quyền là có một nhóm văn quan võ tướng Đông Ngô tin vào thiên mệnh của nhà họ Tôn. Những người này đã đứng ra nói giúp. Lỗ Túc là đại diện cho quan văn, nhưng lý lẽ của ông này rất yếu. Lỗ Túc chỉ nói nếu Tôn Quyền đầu hàng thì “muốn có chỗ yên để về chăng?”. Tuy nhiên, Lỗ Túc chẳng thể nói gì hơn những lời lẽ ấy. Vì vậy, đứng trước lý lẽ của nhóm Trương Chiêu, Tần Tùng, thì Lỗ Túc đã phải câm nín, chỉ có thể trình bày lén lút với Tôn Quyền.

Chu Du mới là người có vai trò quan trọng trong khẩu chiến

Bên phía võ tướng, người tham gia khẩu chiến là Chu Trị. Chu Trị lúc bấy giờ đang ở tại Ngô quận tít ở phía đông, mà Tôn Quyền và các quan văn tướng võ đã dời đến Sài Tang để nghe ngóng tình hình. Lúc này Tôn Bôn vì có con trai cưới con gái Tào Tháo, nên chủ trương đưa con sang làm con tin. Chu Trị nghe được tin này liền đưa thư cho Tôn Bôn để can ngăn.

Chu Trị đã đưa ra so sánh về thế lực của Tôn Quyền và Tào Tháo. Chu Trị cho rằng Giang Đông có nền tảng đã ba đời, từ lúc Tôn Kiên “dẫn nghĩa binh vào đánh Đổng Trác, danh tiếng đứng đầu Trung Hạ”, cho đến đời Tôn Sách thì “mở rộng sáu quận”, đến thời Tôn Quyền “thông minh thần võ, kế thừa nghiệp lớn, giao kết anh hùng, lo tròn việc đời”.

Vì thế Giang Đông “quân binh ngày một mạnh, sự nghiệp ngày một hưng”, so với nền tảng cơ nghiệp của Quang Vũ đế thì chẳng kém gì (dẫu ngày xưa Tiêu vương còn ở Hà Bắc, cũng chẳng hơn được). Ngược lại, Tào Tháo thì bất ổn về chính trị (Tào Công nắm quân, khuynh đảo Hán thất, ấu đế lưu lạc, trăm họ bàng hoàng chưa biết về đâu), suy kiệt về kinh tế (Trung Quốc tiêu điều, có khi trăm dặm không có khói bếp, thành ấp rỗng không, người chết đói trên đường nhìn ngó lẫn nhau), lòng dân phẫn nộ (kẻ sĩ ta thán ở bên ngoài, phụ nữ oán vọng ở trong nhà).

Chu Trị hỏi rằng “thêm việc binh cách, đói kém nổi lên, lấy đó mà suy, há có thể vượt Trường Giang mà tranh lợi với ta sao?”. Chu Trị cuối cùng đã thành công trong việc thuyết phục Tôn Bôn không gửi con tin. Tuy nhiên, hạt nhân của phái hàng Tào là Trương Chiêu, Tần Tùng thì vẫn chưa bị lay động.

Chung cuộc khẩu chiến

Trương Chiêu, Tần Tùng là hai trong số bốn mưu sĩ quan trọng (mưu chủ) từ thời Tôn Sách (hai người còn lại là Trương Hoành, Trần Đoan). Đối với quan hệ giữa Giang Đông và Tào Tháo, họ luôn luôn do dự. Ngay từ sau chiến dịch Quan Độ, Tào Tháo đã đòi Tôn Quyền đưa con sang làm con tin. Theo Giang Biểu truyện, bọn Trương Chiêu, Tần Tùng “do dự chẳng thể quyết”.Sau khi Tào Tháo phá Kinh Châu, họ lại càng có cơ sở để ủng hộ nghênh đón Tào Tháo.

Với vị thế mưu chủ, lời nói của bọn họ càng có sức nặng. Lỗ Túc không đủ lý lẽ để kháng cự với họ, mà chính Túc cũng bị Trương Chiêu bài xích. Nguyên nhân chủ yếu có lẽ là vì Trương Chiêu chống đối chủ trương mở rộng lãnh thổ, tranh giành thiên hạ của Lỗ Túc - cũng giống như cách Trương Chiêu chống lại lời đề xuất tiến đánh Hoàng Tổ, nuốt trọn Kinh Châu của Cam Ninh.

Mục tiêu của Trương Chiêu có lẽ chỉ hạn chế trong việc giữ yên sáu quận, làm ngoại phiên của triều đình, cũng như Đậu Dung giữ đất Hà Tây cho nhà Hán trong thời kỳ loạn lạc Vương Mãng. Muốn bẻ gãy lập luận của bọn họ, cần thiết phải có một người vừa có uy tín ngang hàng, lại vừa có chuyên môn. Người đó chính là Chu Du.

Ngày nay chúng ta đều biết câu chuyện Ngô quốc thái nhắc với Tôn Quyền về di ngôn của Tôn Sách: “Nội sự không quyết hỏi Trương Chiêu, ngoại sự không quyết hỏi Chu Du”. Nhưng đây là tưởng tượng của La Quán Trung.Nhân vật Ngô quốc thái (em gái của mẹ Tôn Quyền) thực ra là tưởng tượng.

Tôn Quyền nói chuyện với Ngô quốc thái (Bản in Tam quốc năm 1605)

La Quán Trung đã chỉnh sửa dựa trên câu chuyện gốc trong Tam quốc chí bình thoại thời Tống-Nguyên, trong đó có một vị Ngô quốc thái – mẹ Tôn Quyền đã nói về di ngôn của Tôn Kiên “nếu như có việc, cho Chu Du làm nguyên soái, Hoàng Cái làm tiên phong, có thể phá Tào Tháo”. Và ngay cả câu chuyện này cũng là tưởng tượng nốt. Mẹ của Tôn Quyền đã qua đời từ trước đó mấy năm, chẳng thể đội mồ sống dậy để nói câu đó.

Người đề xuất tham vấn ý kiến Chu Du chính là Lỗ Túc.Tam quốc chí, Lỗ Túc truyện cho biết: “Bấy giờ Chu Du được sai tới Bà Dương, Túc khuyên đuổi theo, triệu Du về”. Ghi chép này cho thấy cách hiểu của tiểu thuyết là sai lầm. La Quán Trung cho rằng bấy giờ Chu Du ở Bà Dương. Nhưng Hồ Tam Tỉnh dựa vào câu này lại giải thích rằng “Du đã nhận mệnh đi sứ tới Bà Dương, nhưng đi chưa xa”. Vì đi chưa xa nên Trần Thọ mới viết chữ “truy” (đuổi theo).

La Quán Trung vì muốn đề cao vai trò của Gia Cát Lượng nên đã dựa vào gợi ý của Tam quốc chí bình thoại mà vẽ ra câu chuyện Khổng Minh dùng trí khích Chu Du. Trước khi gặp Gia Cát, Chu Du đều trả lời nước đôi, gặp kẻ đòi hàng thì cũng muốn hàng, gặp kẻ xin đánh thì cũng muốn đánh. Nhưng thực tế Chu Du đã từng khẩu chiến với Trương Chiêu, Tần Tùng về việc Tào Tháo đòi bắt con tin.

Chu Du vạch rõ sức mạnh của Giang Đông và những vấn đề rắc rối nếu đi chung với Tào Tháo, đã bác bỏ yêu cầu đó.

Trong cuộc thảo luận công khai, Chu Du đã lần lượt bẻ gãy các luận điểm của phái hàng Tào.Về mặt danh nghĩa, Chu Du nói “Tháo mượn danh là Hán tướng, kỳ thực là Hán tặc”, đánh y là thuận lẽ. Về mặt quân sự, Chu Du nêu ra bốn điều bất lợi của Tào Tháo: một là, đất bắc chưa yên, Mã Đằng, Hàn Toại còn đe dọa sau lưng; hai là, thủy chiến không phải sở trường của người phương bắc; ba là, hiện đang tiết đông, ngựa không có cỏ, kỵ binh suy yếu; bốn là, quân lính không quen thủy chiến, không hợp khí hậu, dịch bệnh phát sinh.

Tào Tháo có bốn điều đó thì chắc chắn thất bại. Theo Giang Biểu truyện, Quyền rút thanh đao chém đứt góc bàn, nói: “Các tướng, lại ai còn nói nên đón Tháo, thì giống như cái bàn này!”. Trận chiến Xích Bích về phía Tôn Quyền như vậy là đã được quyết, còn Tào Tháo thì như thế nào?

Ngô Du

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/giai-ma-vung-toi-tam-quoc-dien-nghia-khau-chien-quan-nho-381448.html