Giải mã việc nhiều ngân hàng sụt giảm lợi nhuận

Trong bức tranh tăng trưởng tích cực của ngành, vẫn có một số nhà băng báo cáo kết quả lợi nhuận đi lùi trong quý II cũng như nửa đầu năm. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Lãi thuần từ tín dụng giảm, dự phòng tăng

Quý II vừa qua, Saigonbank chỉ báo lãi trước thuế hơn 14 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Sự suy giảm lợi nhuận của Saigonbank trong quý II xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, thu nhập lãi thuần giảm 7% so với cùng kỳ, còn 157 tỷ đồng. Các hoạt động khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh, hoạt động khác đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, Saigonbank ghi nhận thu nhập lãi thuần 316 tỷ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ. Các hoạt động kinh doanh khác 2 quý đầu năm cũng sụt giảm, cộng thêm chi phí hoạt động gia tăng 3% khiến lợi nhuận thuần thu về trong hai quý đầu năm nay chỉ ở mức 132,6 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 88 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Saigonbank ở mức 21.291 tỷ đồng, tăng 4,5% so với hồi đầu năm; dư nợ cho vay ở mức 14.181 tỷ đồng, tăng 3,7%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức khá cao, đến 2,25%. Theo ông Vũ Quang Lãm, thành viên Hội đồng quản trị Saigonbank, sở dĩ lợi nhuận giảm là do Ngân hàng đang nỗ lực xử lý nợ xấu, tái cơ cấu nên phần dự phòng tăng, cho dù tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu tăng thấp gần đây.

Một ngân hàng quy mô vừa và nhỏ khác là PGBank cũng vừa công bố báo cáo tài chính II/2019 với lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 8 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận lũy kế 6 tháng chỉ đạt 94 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.

Trong nửa đầu năm nay, phần lớn các mảng kinh doanh của Ngân hàng kém khả quan hơn. Thu nhập lãi thuần đạt 430 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%; lãi từ dịch vụ giảm 19%, xuống còn 16 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng giảm 8%, xuống mức 26 tỷ đồng. Trong khi đó, PGBank ghi nhận lãi từ hoạt động khác tăng đột biến 7 lần so với cùng kỳ, đạt 55 tỷ đồng. Lãi từ mua bán chứng khoán tăng nhẹ 6,5%, đạt hơn 11 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động sau hai quý đầu năm 2019 là gần 540 tỷ đồng, tăng gần 8%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng 30% lên tới 175 tỷ đồng.

Ðến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản ở PGBank là 28.211 tỷ đồng, giảm 5,6% so với hồi đầu năm. Huy động tiền gửi khách hàng của PGBank sụt giảm 7,8%, xuống còn 21.519 tỷ đồng. Nợ xấu có xu hướng tăng lên.

Tại thời điểm ngày 30/6/2019, nợ xấu của GPBank là 683 tỷ đồng, tăng 29 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay theo đó tăng từ 2,96% lên 3,06%.

Trong số ngân hàng đi lùi về hiệu quả kinh doanh quý II, còn có Kienlongbank, BacA Bank. Cụ thể, Kienlongbank quý II chỉ đạt 74 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thấp hơn mức 78 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2018. Còn BacA Bank báo lãi trước thuế quý II giảm 15%, chỉ đạt 191 tỷ đồng.

Có quy mô lợi nhuận tốt hơn nhiều, nhưng OCB cũng đang đi lùi so với cùng kỳ về hiệu quả kinh doanh. Cụ thể, trong quý II, tổng thu nhập hoạt động tăng 6,5%, đạt hơn 2.700 tỷ đồng, nhưng chi phí hoạt động của OCB tăng mạnh 38% lên 1.183 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần của nhà băng chỉ đạt 1.561 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động của OCB tăng mạnh chủ yếu do chi phí cho nhân viên tăng vọt 45% lên gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra, chi cho hoạt động quản lý công vụ của nhà băng này cũng tăng tới 36%, lên hơn 575 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 1.118 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm (3.200 tỷ đồng).

Nguyên nhân của việc sụt giảm lợi nhuận trong kỳ của OCB là hoạt động kém tích cực của mảng đầu tư, kinh doanh chứng khoán và tăng chi phí dự phòng rủi ro thêm 6,7%.

Quý III, kỳ vọng cải thiện hiệu quả

Bên cạnh sự sụt giảm của thu nhập lãi thuần thì lợi nhuận của nhiều ngân hàng nửa đầu năm nay còn bị ảnh hưởng do không còn nguồn thu từ thoái vốn cổ phần.

Eximbank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 với lợi nhuận trước thuế 301 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ngân hàng có lãi trước thuế 651 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm chủ yếu do thu nhập góp vốn mua cổ phần trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 4 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, Ngân hàng ghi nhận 521 tỷ đồng thu nhập từ thoái vốn khỏi Sacombank (để đáp ứng quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN).

Trong khi đó, các mảng kinh doanh khác của Eximbank hầu hết có kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý II đạt 1.664 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán tăng gần 5 lần, đạt 68 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác đạt 90 tỷ đồng, tăng 25%. Trong khi lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 158 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Ngân hàng hoàn nhập dự phòng rủi ro 43 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ phải trích lập tới 171 tỷ đồng.

Ðến hết tháng 6/2019, Eximbank cũng còn 4.715 tỷ đồng nợ xấu ở VAMC, giảm so với mức 5.487 tỷ đồng hồi đầu năm 2019. Tuy nhiên, số trái phiếu đặc biệt mà Eximbank nắm giữ đã được trích lập dự phòng 1.515 tỷ đồng.

Tuy một số nhà băng sụt giảm lợi nhuận trong nửa đầu năm nay, song các nhà băng nhìn chung vẫn lạc quan về triển vọng của ngành trong nửa cuối năm còn lại.

Thông tin điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý III/2019 vừa được Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho biết, nhu cầu của khách hàng về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại tổ chức tín dụng trong quý II/2019 vừa qua tăng thấp hơn dự kiến, nhưng dự báo sẽ cải thiện trong quý III này, khi 63,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng tổng nhu cầu tăng, trong đó 64,5% kỳ vọng tăng nhu cầu vay vốn, 55,2% kỳ vọng tăng nhu cầu gửi tiền và 53,7% kỳ vọng tăng nhu cầu thanh toán và thẻ; 64 - 71% kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng như vay vốn, gửi tiền, thanh toán và thẻ sẽ gia tăng trong kỳ và cả năm 2019 so với năm 2018.

Dựa trên những nền tảng đó, 85,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý III/2019 (cao hơn tỷ lệ 80,6% của cuộc điều tra tháng 3/2019) và 88,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 cải thiện hơn so với năm 2018 (tương tự kết quả của cuộc điều tra tháng 3/2019), trong đó 20 - 27% tổ chức tín dụng kỳ vọng “cải thiện nhiều”.

Vân Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/giai-ma-viec-nhieu-ngan-hang-sut-giam-loi-nhuan-276884.html