Giải mã việc học sinh trường tư thục không xảy ra chuyện bạo lực

Lương chừng ấy, ai cũng như ai, thưởng không có, hết giờ họ phải về lo kế mưu sinh cho cả gia đình. Khác nhau về cơ chế nên khó thay đổi, thầy Dũng khẳng định.

Nếu thống kê những vụ học sinh đánh bạn từ trước đến nay ở nhiều trường học trên mọi miền đất nước đều thấy rằng những vụ việc đau lòng xảy ra chủ yếu ở hệ thống các trường công lập, tuyệt nhiên những trường tư thục rất ít khi có chuyện học sinh đánh bạn.

Trường tư đang là một sự lựa chọn của nhiều phụ huynh (Ảnh: CAND.COM.VN)

Trường tư đang là một sự lựa chọn của nhiều phụ huynh (Ảnh: CAND.COM.VN)

Trong khi, học sinh ở những trường công lập phần nhiều là những học sinh ngoan, có lực học khá giỏi.

Còn học sinh trường tư thục, đầu vào phần đông là những học sinh nghịch ngợm, ngổ ngáo, có những em chính gia đình đã bất lực trong việc dạy dỗ nên đưa vào học nội trú ở những trường tư thục và cậy nhờ nhà trường giáo dục hộ.

Giáo dục phần nhiều học sinh cá tính như thế nhưng ít hoặc không bao giờ để xảy ra chuyện bạo lực trong và ngoài nhà trường khiến không ít người quan tâm, thắc mắc

Phòng ngừa từ xa vô cùng quan trọng

Ông Trần Mạnh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trưng Vương Quảng Trị cho biết, khi học sinh đánh nhau là mâu thuẫn đã lên cực điểm mà không được giải quyết.

Không để xảy ra hiện tượng bạo lực, giáo viên chủ nhiệm phải có sự phòng ngừa từ xa.

Phòng ngừa bằng cách nào? Nghe chúng tôi hỏi, ông Trần Mạnh Dũng cho biết, vai trò của giáo viên chủ nhiệm vô cùng quan trọng.

Thầy cô phải gần gũi và quan tâm đến từng học sinh trong lớp.

Thường xuyên trò chuyện với các em dưới nhiều hình thức như trò chuyện trực tiếp, trò chuyện trên facebook, trên Zalo…

Lớp có bao nhiêu học sinh, giáo viên chủ nhiệm phải kết bạn với hết thảy các em ấy.

Thầy Dũng khẳng định “Bất kể vụ bạo lực nào xảy ra thì trước đó học sinh đã xảy ra mâu thuẫn.

Thế nên, thông qua trò chuyện với học sinh, không em này nói cũng sẽ có em khác nói cho giáo viên nghe những mâu thuẫn, những xích mích ấy”.

Khi nắm được thông tin, giáo viên phải gặp từng em nói chuyện, đến từng nhà gặp gỡ cha mẹ các em, việc lớn hơn phải báo Ban giám hiệu, báo Hội đồng quản trị cùng giúp đỡ.

Nhờ thế, nhà trường đã ngăn chặn được khá nhiều vụ việc mâu thuẫn còn trong trứng nước.

Ngoài biện pháp phòng ngừa từ xa, nhà trường cần phải có hình thức kỉ luật thật nặng mới mong làm gương cho những học sinh khác.

Nếu đánh nhau do bột phát vì mâu thuẫn nào đấy còn có thể tha thứ.

Nhưng đánh nhau có tổ chức, hành động tàn bạo, manh động cần báo công an xử lý và cương quyết áp dụng hình thức kỉ luật cao nhất là đuổi học.

Thầy Dũng cho biết, trước đây, nhà trường cũng đã từng đuổi học một học sinh đánh bạn dù chuyện xảy ra ở nhà.

Cuối cùng, việc phân bố giáo viên làm công tác chủ nhiệm cũng rất quan trọng.

Giáo viên chủ nhiệm thường được nhà trường bố trí là giáo viên các môn Văn, Toán để có nhiều thời gian với lớp.

Mỗi ngày có 30 phút sinh hoạt đầu giờ, buộc tất cả thầy cô giáo chủ nhiệm phải có mặt ở lớp để cùng sinh hoạt với các em.

Đây chính là sự gắn kết giữa thầy và trò.

Điều này ở các trường công lập còn quản lý khá dễ dãi. Sinh hoạt đầu giờ 15 phút, giáo viên chủ nhiệm khi có khi không mà để lớp tự quản và lớp trưởng tự điều khiển.

Có chế độ đãi ngộ đặc biệt cho giáo viên chủ nhiệm lớp

Giáo viên chủ nhiệm như là linh hồn của cả lớp.

Theo khẳng định của thầy Dũng, thầy cô giáo chủ nhiệm mà tận tâm, tận lực với lớp chủ nhiệm sẽ không bao giờ có chuyện bạo lực xảy ra.

Nhưng làm thế nào để giáo viên tận tâm, tận lực?

Thầy Dũng bật mí, nhà trường dành chế độ ưu đãi đặc biệt với những giáo viên chủ nhiệm.

Cụ thể, một tuần giáo viên chủ nhiệm có 5 tiết làm công tác chủ nhiệm (hơn trường công lập 2 tiết).

Ngoài ra, tiền lương thu nhập một tháng của giáo viên chủ nhiệm cũng cao hơn giáo viên không chủ nhiệm khoảng dăm triệu đồng trở lên (sự chênh lệch bằng cả tháng lương của một giáo viên công lập có thâm niên hơn chục năm trong nghề).

Cuối cùng thầy Dũng cho biết, công ăn việc làm của giáo viên gắn với trách nhiệm của lớp. Bởi thế, không tận tâm tận lực làm sao được?

Dù không tiết lộ mức thu nhập của giáo viên nơi đây, nhưng chúng tôi được biết thu nhập của giáo viên các trường tư thục thường ở mức khoảng vài ba chục triệu đồng/tháng/người.

Với mức lương bằng nửa năm lương giáo viên công lập nên ngoài giờ lên lớp, giáo viên không phải lo gì đến việc làm thêm bên ngoài như những thầy cô giáo trường công.

Có lẽ vì điều này mà thầy cô giáo trường tư thục mới có thể dành hết tâm huyết, thời gian, sức lực của mình cho trường, lớp.

Thầy Dũng cũng thẳng thắn chia sẻ, để giáo viên chủ nhiệm trường công làm hết trách nhiệm như giáo viên chủ nhiệm trường tư thục cũng khó.

Bởi, lương chừng ấy, ai cũng như ai, thưởng không có, hết giờ họ phải về lo kế mưu sinh cho cả gia đình. Khác nhau về cơ chế nên khó thay đổi, thầy Dũng khẳng định.

Thảo Ly

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giai-ma-viec-hoc-sinh-truong-tu-thuc-khong-xay-ra-chuyen-bao-luc-post197491.gd