Giải mã tình thế 'trống đánh xuôi, kèn thổi ngược' tại Washington về chính sách Triều Tiên trước bầu cử Mỹ

Trong khi Tổng thống Trump không muốn một cuộc gặp thượng đỉnh mới với Chủ tịch Triều Tiên, giới chức Mỹ vẫn tìm cách thúc đẩy quá trình đàm phán.

Trang CNN đưa tin, Tổng thống Donald Trump nói với các cố vấn đối ngoại rằng, ông không muốn có một hội nghị thượng đỉnh khác với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Cuộc gặp mặt gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều là từ gần một năm trước mà không đạt được kết quả nào tích cực nào. Năm ngoái, ông Trump từng bày tỏ sự không hài lòng sau khi các cuộc đàm phán cấp làm việc giữa hai nước hồi tháng 10 – mặc dù diễn ra sau 8 tháng ngưng trệ, nhưng vẫn rơi vào tình trạng "dậm chân tại chỗ". Một nguồn tin nội bộ miêu tả quá trình đàm phán là " đã chết" trong khi chính phủ Mỹ dừng hoàn toàn việc cấp giấy phép đi lại đặc biệt tới Triều Tiên.

Kể từ khi nhậm chức, mối quan hệ của ông Trump với Chủ tịch Kim trải qua nhiều sóng gió. Trước hội nghị thượng đỉnh đầu tiên năm 2018, hai ông từng có nhiều lời đe dọa lẫn nhau; nhưng sau khi gặp gỡ tại Singapore, Tổng thống Trump tỏ ra nồng ấm với nhà lãnh đạo Triều Tiên, thậm chí còn tuyên bố cả hai đã "phải lòng nhau".

Sẽ không có thượng đỉnh Mỹ-Triều trong năm nay?

Sẽ không có thượng đỉnh Mỹ-Triều trong năm nay?

Những thay đổi đáng chú ý

Tình hình đang thay đổi trong những tháng gần đây khi Bình Nhưỡng bắt đầu nối lại các cuộc thử nghiệm tên lửa. Hồi tháng 12, một quan chức cấp cao của Triều Tiên miêu tả ông Trump là "một người già lẩm cẩm" sau khi tổng thống Mỹ một lần nữa đề cập tới Chủ tịch Kim là "người đàn ông tên lửa" tại một hội nghị thượng đỉnh NATO ở London bất chấp tuyên bố cả hai "có một mối quan hệ tốt".

Giới quan sát cũng nhắc tới thực tế là ông Trump đã cố tình "lờ đi" các cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây của Triều Tiên với cái cớ, Bình Nhưỡng vẫn tuân thủ cam kết không thử nghiệm hạt nhân. Trong khi, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng phát biểu, các cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thì ông Trump cũng công khai thể hiện sự phản đối.

Tháng trước, người đứng đầu nước Mỹ còn gửi lời chúc mừng sinh nhật tới Chủ tịch Kim; tuy nhiên, gần đây ông lại tỏ ra khá im ắng và không còn tweet về nhà lãnh đạo Triều Tiên nữa.

Những người làm việc trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump đánh giá, Triều Tiên không còn là một vấn đề quan trọng mang tính quyết định cho khả năng tổng thống quay trở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai.

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hôm 4/2, ông Trump cũng không nhắc tới Triều Tiên mà dành phần lớn thời lượng bài nói để ca ngợi những thành tựu kinh tế của nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông.

Một nhân viên chính phủ tiết lộ, các cố vấn của tổng thống hầu như không muốn theo đuổi một thỏa thuận với Bình Nhưỡng trước kỳ bầu cử do lo ngại những nguy cơ phát sinh, còn Triều Tiên cũng kiên quyết chỉ nối lại đàm phán nếu Washington dỡ bỏ trừng phạt trước – một điều gần như chắc chắn sẽ không xảy ra.

Tháng trước, cố vấn hàng đầu của Chủ tịch Kim, ông Kim Kye Gwan tuyên bố, Bình Nhưỡng không có ý định tham gia đàm phán trong năm nay. Theo ông Kim Kye Gwan, Triều Tiên đã bị Mỹ "lừa" và Washington đã lãng phí cả 18 tháng vừa qua khi không đạt được tiến triển về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Bất chấp các cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, quá trình đàm phán hạt nhân vẫn chưa có nhiều tiến triển (ảnh: NYT)

Quan chức Mỹ tiếp tục thúc đẩy đàm phán

Mặc dù Tổng thống Trump tỏ ra không quan tâm nhưng một số quan chức chính phủ Mỹ vẫn bày tỏ thái độ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phàn.

"Tôi hy vọng Triều Tiên sẽ quay trở lại bàn đàm phán", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien nói trong một sự kiện đầu tháng tại Washington.

Khi được hỏi liệu các cuộc đàm phán có bắt đầu trước bầu cử tổng thống hay không, ông O'Brien trả lời, Tổng thống Trump "sẽ làm những điều đúng đắn cho người dân Mỹ cho dù nó được ủng hộ, không được ủng hộ, tạo ra nguy cơ, không tạo ra nguy cơ, hoàn toàn đúng đắn cho tới ngày bầu cử".

Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Steve Biegun vẫn cam kết với các cuộc đàm phán cấp làm việc và duy trì vai trò của mình, ngay cả khi ông hiện giữ chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao.

"Biegun liên tục cố gắng nối lại đàm phán", một nguồn tin tiết lộ. Tuy nhiên, người này cũng nhận xét, vị đại diện không đạt được thành công trong các chuyến công du gần đây tới khu vực.

Trong bối cảnh các tình hình ngoại giao bị ngưng trệ, Triều Tiên đã chậm lại các cuộc thử nghiệm nhưng vẫn lại tập trung vào chương trình hạt nhân. Bình Nhưỡng đang "xây dựng các tên lửa mới, năng lực mới, vũ khí mới với tốc độ nhanh nhất có thể", Tương John Hyten, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cảnh báo hồi tháng trước.

Cùng lúc các nghị sỹ Mỹ, bao gồm cả các thành viên Cộng hòa đang ngày càng lo ngại về việc chính phủ không cung cấp các chi tiết liên quan tới chính sách Triều Tiên. Theo hai nguồn tin giấu tên, các yêu cầu chia sẻ tin tức, đặc biệt là sau các cuộc gặp gỡ Trump-Kim - từ Quốc hội Mỹ liên tục bị Nhà Trắng bỏ qua.

Các giới chức ngoại giao trong khu vực cũng cảm thấy "mông lung". Một số nhà ngoại giao tiết lộ, họ đã hỏi chính quyền Trump về bước tiếp theo mà Mỹ dự định tiến hành, nhưng Washington tới giờ vẫn chưa cho họ một câu trả lời chắc chắn.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giai-ma-tinh-the-trong-danh-xuoi-ken-thoi-nguoc-tai-washington-ve-chinh-sach-trieu-tien-truoc-bau-cu-my-20200211095856828.htm