Giải mã thế giới trực tuyến phi biên giới

Có thể nói, sự 'hội tụ' của công nghệ và tội phạm cùng chủ nghĩa khủng bố là khía cạnh tiêu cực của mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ giữa thực và ảo. Các quốc gia đang phải vật lộn để vừa thích ứng với sự hội tụ này, vừa tìm cách cân bằng giữa các đòi hỏi về an ninh quốc gia và các quyền tự do trong không gian mạng.

Mảnh đất màu mỡ?

Công bằng mà nói, cũng giống như chính trị chính thống, các tổ chức khủng bố xem công nghệ như một nhân tố góp phần quan trọng trong việc hướng đến các mục tiêu. Chính công nghệ đã đem đến cho chủ nghĩa khủng bố những khán giả mới và không gian mới để hoành hành. Vụ xả súng tại nhà thờ Hồi giáo Christchurch ở New Zealand có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất - khi kẻ xả súng phát trực tiếp hành động của mình trên mạng xã hội. Các nền tảng truyền thông có thể vô tình đóng vai trò mở rộng quy mô và lan truyền “miễn phí”, điều mà những kẻ khủng bố đã nhanh chóng tận dụng suốt nhiều năm qua, với hậu quả nguy hiểm cho cộng đồng và nhiều quốc gia trên thế giới.

Một số tính năng như mã hóa đầu cuối (E2EE) và mạng riêng ảo (VPN) đã giúp các tổ chức khủng bố dễ dàng hơn bao giờ hết trong việc tìm kiếm các tân binh và cơ cấu tổ chức. Công nghệ cũng cho phép các tổ chức này vượt qua các rào cản về không gian địa lý. Nói đơn giản, một tổ chức khủng bố tại một quốc gia nào đó có thể dễ dàng gây quỹ, tuyển dụng và cực đoan hóa các cá nhân ở một nơi khác trên thế giới nhờ vào kết nối trên không gian mạng.

 Lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Giang tham gia một vụ án đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Giang tham gia một vụ án đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Mọi nền tảng giao tiếp trên mạng đều có thể bị những kẻ tội phạm lợi dụng, từ các nền tảng chính thống như Facebook và Telegram đến các phòng trò chuyện, trang cá cược, trang mạng khiêu dâm và trò chơi trực tuyến. Những không gian ảo là địa điểm tiềm năng để chiêu mộ các tân binh hoặc là nơi dễ tuyên truyền những mầm mống bạo lực mà không bị giới chức kiểm soát chặt chẽ.

“Khủng bố kỹ thuật số” là một khái niệm ngày càng trở nên rõ ràng từ năm 2016, khi IS trao cho lực lượng này những thứ hạng tương tự các tay súng chiến đấu và “lập công” trên thực địa. Đây chỉ là một trong những trường hợp cho thấy các hoạt động mạng đã và đang trở thành điều không thể thiếu, ngày càng gắn kết chặt chẽ và tinh vi trong hoạt động của các tổ chức khủng bố ngày nay.

Bắt kịp xu hướng, các tổ chức khủng bố và tội phạm cũng đang nhanh chóng thích ứng với Fin-Tech, công nghệ tài chính, để tận dụng công nghệ này là phương tiện tài trợ cho hoạt động thánh chiến. Các dịch vụ như ví điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử và thậm chí cả các nền tảng gây quỹ được tận dụng để huy động vốn, rửa tiền và tài trợ cho các hoạt động khủng bố. Thực tế này rõ ràng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc kiềm chế và ngăn chặn tội phạm tài chính bởi những công cụ giám sát hay cách thức mà giới chức vận dụng hiện nay rất có thể đã sớm lỗi thời so với tốc độ phát triển của công nghệ.

Không có gì ngạc nhiên khi số hóa càng làm gia tăng mối quan tâm về quyền riêng tư dữ liệu của người dùng. Hầu hết người ta vẫn thoải mái với việc sử dụng các dịch vụ Internet để thực hiện các hoạt động liên lạc, giải trí, làm việc hay giao dịch không biên giới. Tất cả đều có giá của nó. Các nhà sở hữu phần mềm công nghệ và thậm chí là các nhà sản xuất phần cứng đều bằng cách này hay cách khác “bán” dữ liệu người dùng cho các nhà quảng cáo. Điều mà hầu hết dư luận chưa nhận thức được chính là mức độ đe dọa đối với quyền riêng tư cá nhân trong không gian số.

Những gì được cập nhật trên mạng sẽ ở lại đó vĩnh viễn. Họ và tên, số điện thoại, hình ảnh, email hoặc bất kỳ thông tin nào mà người dùng số hóa đều có giá trị đối với bất kỳ nhà quảng cáo nào đó. Ngay cả khi người dùng cài đặt quyền truy cập thành “riêng tư”, một số thông tin nhất định vẫn được ghi nhận trên các nền tảng này. Dù người dùng có đồng ý hay không, thông tin cá nhân của họ chắc chắn cũng đã được tiết lộ cho nhiều bên khác.

Hầu hết các dịch vụ Internet đều miễn phí bởi người dùng chính là sản phẩm. Nguồn doanh thu chính của các nhà cung cấp dịch vụ Internet là “bán” thông tin về hoạt động của người dùng cho các nhà quảng cáo. Bạn có thể quên địa chỉ cửa hàng yêu thích từng ghé tới nhưng họ thì không. Thậm chí, nguy cơ rò rỉ các thông tin tài chính, như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng còn luôn tiềm tàng bởi dữ liệu được lưu trên các nền tảng thương mại điện tử như eBay và Amazon rất có thể sẽ được điền tự động.

Những nguyên tắc tối cần thiết

Trong sự giao thoa đáng lo ngại của công nghệ với các hình thức tội phạm, khủng bố và rủi ro này, nhiều quốc gia đã phải vật lộn tìm cách để vừa đối phó hiệu quả với những mối đe dọa, vừa không đe dọa đến hạ tầng an ninh mạng hay những quyền tự do và cơ hội mà không gian kỹ thuật số đem lại.

Các nền tảng công nghệ cũng đối mặt với không ít thách thức. Yếu tố “xã hội” trong truyền thông xã hội, hay mạng xã hội, đang chịu sự giám sát chặt chẽ và nhiều nền tảng còn chịu sức ép và các hạn chế liên quan đến chính sách đối phó với chủ nghĩa khủng bố, tin giả, can thiệp chính trị, lừa đảo, quyền riêng tư... Bản thân các nền tảng này, với hàng tỷ người dùng, phải tìm cách tách biệt các nghĩa vụ “xã hội” với các cam kết về thị trường và nhà đầu tư.

Thách thức là rất lớn và giải pháp tất nhiên cũng đòi hỏi đi kèm với những thay đổi và cập nhật cho phù hợp. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc mà người ta cần phải đảm bảo để có thể duy trì một môi trường số lành mạnh.

Tội phạm và khủng bố trong thế giới số là mối lo có thật. Nguồn ảnh: cnet.com.

Trước hết, quyền truy cập các loại công nghệ phải là thứ được đảm bảo một cách công bằng. Nhiều quốc gia đã lựa chọn biện pháp cực đoan là cấm hoặc chặn các hoạt động trên không gian công nghệ, như Sri Lanka gần đây. Quy định như vậy và những khuyến cáo sẽ không có nhiều tác dụng, đôi khi sẽ càng dẫn đến những lựa chọn tiêu cực của người dùng. Thay vào đó, tăng cường phát triển công nghệ tân tiến hơn, triển khai đồng bộ hơn và hợp lý hơn sẽ là cách thỏa đáng nhất để chống lại các tác nhân tiêu cực.

Thứ hai, các công ty công nghệ phải thẳng thắn hơn và minh bạch hơn về các tiết lộ liên quan đến hoạt động khủng bố trên nền tảng của mình. Những ám ảnh về cổ phiếu trên sàn giao dịch rõ ràng là một yếu tố tác động xấu đến nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến khủng bố và tội phạm. Nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp phải xây dựng cơ chế nội bộ để chia sẻ thông tin với cơ quan thực thi pháp luật khi cần thiết, công bố các báo cáo công khai thường xuyên nêu chi tiết bản chất của các hoạt động khủng bố mà họ xác định được cũng như những biện pháp để ngăn chặn chúng. Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay và những mối đe dọa an ninh trong thế giới phi biên giới, có lẽ đã đến lúc người ta cần nghiêm túc cân nhắc khía cạnh này.

Thứ ba, hợp tác quốc tế trong không gian kỹ thuật số là yếu tố sống còn, đòi hỏi các quốc gia xây dựng các cơ chế mới và các thể chế mới để đáp ứng bối cảnh biến động trên toàn cầu. Chủ nghĩa khủng bố và các loại tội phạm cũng như nhiều mối đe dọa trong không gian ảo là phi địa lý. Bởi lẽ đó, các quốc gia và các doanh nghiệp công nghệ cần tìm kiếm các không gian và diễn đàn mới để thúc đẩy hợp tác, thông qua những phương tiện chính thức hoặc không chính thức. Hoài nghi, một “truyền thống” lâu nay giữa các chính phủ và chủ thể tư nhân, đang góp phần ươm mầm cho chủ nghĩa khủng bố và tội phạm.

Thứ tư, người ta cần phải nhớ rằng công nghệ dù sao cũng chỉ là một công cụ trong không gian ảo, không thể thay thế những chính sách thật trong một thế giới thực. Những quy định về mã hóa, về quản lý công nghệ thiếu đồng bộ, thiếu chính đáng và thiếu toàn diện chắc chắn sẽ chỉ xói mòn lợi ích mà không gian này mang lại cho người dùng thông thường. Trong cuộc chiến trước kẻ thù trên không gian ảo, tuyến phòng thủ đầu tiên sẽ là các cơ quan thực thi pháp luật. Bởi vậy, đòi hỏi cấp bách hiện nay phải là việc trang bị đầy đủ và cập nhật liên tục bức tường lửa này.

Thứ năm, có lẽ cũng là yếu tố quan trọng nhất, đầu tư đồng bộ cho năng lực thông tin liên lạc chiến lược của các quốc gia và của các công ty công nghệ là điều đặc biệt cần thiết. Chủ nghĩa khủng bố và các hình thức tội phạm đã có những thay đổi chưa từng có, đòi hỏi các phương pháp ứng phó mới và nâng cấp xứng tầm. Mọi chính sách đối phó với các rủi ro trong thế giới kỹ thuật số phi biên giới đòi hỏi một cách tiếp cận “toàn xã hội”. Tuyến phòng thủ đầu tiên này luôn là cộng đồng, cho dù công nghệ có thể thay đổi như thế nào.

Ngoài dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19), các vấn đề toàn cầu khác mà thế giới đang đối mặt có thể cấp bách hơn những gì người ta vẫn nghĩ, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và nguy cơ tấn công an ninh mạng hay các mối đe dọa trong thế giới trực tuyến phi biên giới luôn hiện hữu. Xét cho cùng, quan trọng hơn cả việc phát triển các tiến bộ công nghệ, việc nuôi dưỡng một nền văn hóa công nhận an ninh và an toàn trong không gian mạng, nơi biên giới vật lý là thứ không tồn tại, là ưu tiên hàng đầu và đặc biệt quan trọng. Để đạt được điều này, cần nhất vẫn là nhận thức của từng cá nhân, từng doanh nghiệp và chính phủ nói chung.

Thái Hân

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/giai-ma-the-gioi-truc-tuyen-phi-bien-gioi-627991/