Giải mã thắng lợi kép của Việt Nam trên trường quốc tế

Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ cho việc nhận chức chủ tịch ASEAN và trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020.

Nhân dịp đầu năm Tân Sửu 2021, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Vũ Thanh Ca (nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VN); giảng viên cao cấp ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) về một năm nhiệm vụ kép 2020 rất đặc biệt của VN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao chiếc búa gỗ cho đại sứ Brunei tại Việt Nam - nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2021. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao chiếc búa gỗ cho đại sứ Brunei tại Việt Nam - nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2021. Ảnh: TTXVN

Hoàn thành xuất sắc mục tiêu ASEAN

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về thành tựu của VN trong vai trò chủ tịch ASEAN trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành?

+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, trước khi nhận chức chủ tịch ASEAN năm 2020, VN đã đưa ra năm định hướng ưu tiên: (i) Tăng cường vai trò và đóng góp của ASEAN vào việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; (ii) Thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (iii) Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN nhằm tạo dựng các giá trị chung của ASEAN; (iv) Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới; (v) Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả của ASEAN thể hiện qua cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.

Kết quả là VN đã đạt được những thành công rất lớn. Điển hình như tổ chức thành công hơn 30 cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng và tương đương; các cuộc họp tham vấn (SOM) ASEAN VN 2020 và hội nghị đặc biệt của các quan chức cao cấp (SOM); đặc biệt là hai cuộc họp cấp cao ASEAN 36 và 37...

VN đã đề xuất và cùng các nước ASEAN khác thực hiện thành công nhiều sáng kiến nhằm kiểm soát, hạn chế thiệt hại của đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Theo sáng kiến của VN, ASEAN đã ra tuyên bố thành lập quỹ dự phòng, dự trữ về y tế nhằm chống đại dịch COVID-19. Thông qua vai trò là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), VN giúp ASEAN phát huy tốt hơn sức mạnh, tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực và trên thế giới.

PGS-TS Vũ Thanh Ca

Đối với ưu tiên hợp tác giữa HĐBA và các tổ chức khu vực theo Điều 8 Hiến chương LHQ, VN cũng sẽ tiếp tục hoạt động để đạt được việc đề cao vai trò của các tổ chức khu vực, các tổ chức tiểu khu vực trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, các vấn đề quản lý môi trường, đặc biệt là môi trường biển.

PGS-TS VŨ THANH CA

Ngoại giao thành công về Biển Đông

. Biển Đông vốn là vấn đề quan trọng của ASEAN. Năm vừa qua, vấn đề này đã được VN thúc đẩy như thế nào trong vai trò chủ tịch ASEAN?

+ Trong năm 2020, vấn đề Biển Đông đã được ASEAN thảo luận và đưa ra những tuyên bố rất mạnh mẽ. Điều đó được thể hiện rất rõ và ấn tượng trong Tuyên bố chung của Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN hồi tháng 9-2020. Tất cả vấn đề liên quan Biển Đông lại được nêu ra, thảo luận và đưa vào Tuyên bố chủ tịch các hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và lần thứ 37.

Trong các tuyên bố này, ASEAN đã cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực; cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

ASEAN cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục xây dựng lòng tin chiến lược và sự tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia, tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Khối này cũng bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây, bao gồm bồi đắp tôn tạo, các vụ việc nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn tin cậy và lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Ngoài ra, ASEAN cũng khẳng định tầm quan trọng của Quan điểm chung ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).

. Những động thái này của ASEAN trong năm VN làm chủ tịch tạo ra hiệu ứng gì?

+ Các tuyên bố của lãnh đạo ASEAN về Biển Đông năm 2020 là mạnh mẽ nhất trong nhiều năm gần đây, đề cập hầu như tới tất cả vấn đề đang gây nóng tình hình trên Biển Đông và nêu ra các giải pháp dựa trên cách tiếp cận đa phương, xây dựng lòng tin, căn cứ vào luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông cũng như một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn.

Các giải pháp này thể hiện cách tiếp cận của ASEAN trái với cách tiếp cận song phương, diễn giải luật pháp quốc tế một cách phi lý của Trung Quốc. Các tuyên bố của ASEAN về Biển Đông năm 2020 được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tương lai giúp VN và các quốc gia khác xung quanh Biển Đông bảo vệ tốt hơn chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia hợp pháp trên Biển Đông.

Hiện thực hóa bảy ưu tiên ở LHQ

. Ông có nhận xét gì về năm VN làm thành viên không thường trực HĐBA LHQ?

+ Khi nhận nhiệm vụ ủy viên không thường trực HĐBA LHQ trong hai năm (2020-2021), VN công bố bảy ưu tiên: (1) Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo Điều 6 Hiến chương LHQ; (2) Cải tiến cách thức làm việc của HĐBA, tăng cường hợp tác giữa HĐBA và các tổ chức khu vực theo Điều 8 Hiến chương LHQ; (3) Vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người dân tại các nơi xung đột; (4) Phụ nữ, hòa bình, an ninh và trẻ em trong xung đột vũ trang; (5) Khắc phục hậu quả xung đột (gồm hiểm họa bom mìn còn sót lại sau xung đột); (6) Hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; (7) Tác động của biến đổi khí hậu tới hòa bình và an ninh.

Về cải tiến cách thức làm việc của HĐBA, VN đã cùng các nước thành viên không thường trực khác (nhóm E10) làm cầu nối để giúp năm nước ủy viên thường trực (nhóm P5) tăng cơ hội thảo luận để tăng cường hiểu biết và qua đó giảm thiểu các khác biệt, bế tắc, đình trệ do các bất đồng vốn đã tồn tại từ lâu.

Về ưu tiên tăng cường hợp tác giữa HĐBA và các tổ chức khu vực, VN đã lần đầu tiên tổ chức một cuộc thảo luận giữa ASEAN và LHQ để ASEAN cùng các nước khác trong ASEAN trình Đại hội đồng LHQ một nghị quyết về hợp tác ASEAN và LHQ được 110 nước đồng bảo trợ. Về ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp, VN đã tổ chức thành công thảo luận mở của HĐBA với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” và thông qua Tuyên bố chủ tịch riêng đầu tiên của HĐBA về tuân thủ Hiến chương LHQ.

Ngoài các hoạt động nêu trên, VN còn thúc đẩy thảo luận về các vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn phục vụ tái thiết hậu xung đột; bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang; phụ nữ, hòa bình và an ninh; trẻ em và xung đột vũ trang; hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; hòa bình, an ninh và biến đổi khí hậu.

. Xin cám ơn ông.

Chìa khóa thành công của Việt Nam là gì?

VN đã chuẩn bị rất kỹ cho việc nhận chức chủ tịch ASEAN và trở thành thành viên không thường trực HĐBA LHQ năm 2020. Trước khi VN ứng cử và nhận nhiệm vụ, Bộ Ngoại giao đã xin ý kiến của các bộ, ngành, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ để đề xuất đường lối, chính sách và hoạt động của VN đảm bảo quyền lợi quốc gia và phù hợp với luật pháp quốc tế; hỗ trợ cộng đồng quốc tế và các nước gặp khó khăn do chiến tranh, bất ổn chính trị, thiên tai.

Trong năm 2020, tuy nằm cạnh Trung Quốc là nước khởi phát dịch COVID-19 nhưng VN đã có những giải pháp thông minh, hiệu quả và quyết liệt để khống chế dịch thành công với chi phí thấp nhất. Thành công đó là cơ sở giúp các nhà ngoại giao VN đề xuất các giải pháp hợp tác, hỗ trợ cộng đồng quốc tế để sớm ngăn chặn, tiến tới xóa dịch.

Với đường lối và các hoạt động phù hợp với lợi ích của cộng đồng quốc tế, VN được các nước trong và ngoài khu vực ủng hộ mạnh mẽ. Đường lối đối ngoại đúng đắn, hòa hợp lợi ích quốc gia với lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế đã giúp VN đạt được những thành công như nêu trên. Đóng góp trước hết thuộc về Bộ Ngoại giao, các nhà ngoại giao thuộc Phái đoàn đại diện thường trực VN tại ASEAN, Phái đoàn đại diện thường trực VN tại LHQ, cùng với sự tham gia của các bộ, ngành, Chính phủ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân VN.

ĐỖ THIỆN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/giai-ma-thang-loi-kep-cua-viet-nam-tren-truong-quoc-te-967719.html