Giải mã 'sức nóng' của điện mặt trời

Ảnh hưởng COVID-19 nhưng lượng đơn lắp đặt điện mặt trời mới ở quy mô doanh nghiệp và hộ gia đình đều tăng mạnh.

Cụ thể, lượng đơn lắp đặt điện mặt trời mái nhà nhận được trong nửa đầu năm nay bằng cả năm 2018. Trong khi đó, các dự án lắp đặt ở quy mô doanh nghiệp đang cho thấy những con số “ăn nên làm ra”. Ngoài ưu đãi giá mua điện cao, chi phí lắp đặt thấp, miễn giảm tiền thuê đất thì chính sách ưu đãi vế thuế cũng là một yếu tố giúp nhiều doanh nghiệp lao vào đầu tư.

Điện mặt trời mái nhà: Hộ gia đình tận dụng “chi phí lắp đặt thấp, giá bán cao”

Điện mặt trời mái nhà là loại hình năng lượng đang được khuyến khích phát triển với cơ chế giá ưu đãi 8,38 cent (1.943 đồng) một kWh, trong 20 năm và nhà đầu tư không phải bổ sung dự án vào quy hoạch điện. Ngoài sử dụng điện cho mục đích riêng, nhà đầu tư còn có thể bán điện cho EVN.

Theo Giám đốc doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời tại TP.HCM, suất đầu tư mỗi kWp điện mặt trời mái nhà ngày càng rẻ khiến nhiều hộ gia đình quyết định đầu tư, ngoài việc tiêu dùng điện tại chỗ, phần dư thừa bán các hộ gia đình bán lại cho EVN. So với cách đây vài năm, hiện chi phí lắp mỗi kWp đã giảm một nửa, tức là nếu hộ gia đình đầu tư 3 kWp trên mái nhà, chi phí chỉ còn 40-55 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với 90-100 triệu đồng trước đây.

Ông Trần Viết Nguyên, phó trưởng ban kinh doanh (EVN) cho biết, việc điện mặt trời mái nhà tập trung phát triển ở một số khu vực, nhất là miền Trung và Nam đang khiến tập đoàn này gặp khó khăn về giải tỏa lưới.

Theo thông tin chia sẽ từ Công ty Điện lực Gia Lai, ngoài 755 dự án điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành, hiện còn 118 dự án đã thỏa thuận đấu nối nhưng chưa đưa vào vận hành. Phần lớn đã có thỏa thuận đấu lưới có công suất lắp đặt 1MW. Hiện một số trạm biến áp, đường dây tại khu vực thành phố Pleiku, huyện KrongPa hay Chư Sê... đã không còn khả năng giải tỏa công suất do quá tải đường dây, lưới.

Ảnh: TTXVN

Không riêng tại Gia Lai, một số địa phương khác khu vực miền Trung, miền Nam cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Trên phạm vi cả nước, theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết tháng 7 đã có 19.810 dự án điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với tổng công suất gần 542 MW. Riêng trong 7 tháng đầu năm, số dự án lắp đặt đã chiếm hơn một nửa công suất của các dự án điện mặt trời mái nhà từ trước đến nay.

Ngoài ra, còn 4.850 dự án điện mặt trời mái nhà (công suất 2.860 MW) đăng ký thực hiện trong năm 2020. Trong số này, EVN cho biết không thỏa thuận đấu nối với gần 760 hệ thống (công suất 640 MW) do vượt khả năng giải tỏa lưới điện.

Dự án điện mặt trời: Doanh nghiệp nội và ngoại đua nhau chạy

Trước nhiều thông tin về thị trường điện có thể sẽ thiếu hụt trong vài năm tới, cộng thêm những ưu đại từ chính phủ, nhiều doanh nghiệp điện mặt trời đã tích cực tham gia thị trường nhằm hưởng lợi. Thực tế, nhiều dự án điện mặt trời chỉ mới đi vào hoạt động nửa năm cũng đã cho thấy hiệu quả “kinh tế” của ngành này khi một số doanh nghiệp điện mặt trời đã công bố có lợi nhuận.

Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng (Tây Ninh) công suất tối đa 420 MWP lớn nhất Đông Nam Á của liên doanh Công ty Trách nhiện Hữu hạn Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty Công ty Trách nhiện Hữu hạn B. Grimm Power Public (Thái Lan) đạt doanh thu 807 tỉ đồng, lãi sau thuế tới 456 tỉ đồng. Dự án này chỉ mới đi vào hoạt động cuối 2019. Theo nhiều ý kiến, nếu dự án này chạy đầy đủ tải cả năm có thể chạm mốc doanh thu ước lượng 3.200 tỉ đồng, lợi nhuận 1.800 tỉ đồng chưa thuế.

Dự án Liên doanh của BIM Group và AC Renewables là chủ đầu tư cụm 3 nhà máy điện tại Ninh Thuận (BIM 1, BIM 2, BIM 3) công suất 330 MWP, khánh thành cuối tháng 4.2019. BIM Renewable Energy đạt doanh thu 703 tỉ đồng, lãi sau thuế 344 tỉ đồng.

Ảnh: JICA.

Các dự án phía Bắc cũng cho thấy những con số khả thi, dự án TTP Phú Yên (Hòa Hội) 257 MWP do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam liên doanh với tập đoàn B.Grim (Thái Lan) khánh thành cuối tháng 6.2019, nhưng báo doanh thu 407 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 135 tỉ đồng.

Theo thông Trung Nam Solar Power của Tập đoàn Trung Nam cung cấp cho báo chí, nhà máy Trung Nam Ninh Thuận công suất 258 MWP cũng đạt doanh thu trên 500 tỉ đồng, lãi ròng 131 tỉ đồng. Trung Nam Trà Vinh sở hữu nhà máy công suất 165 MWP doanh thu 275 tỉ đồng, lãi 94 tỉ đồng.

Theo chia sẻ của doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời, biên lợi nhuận gộp trong lĩnh vực này dao động trong khoảng 65% - 75%, đồng thời hầu như không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn hưởng nhiều ưu đãi khác như, nhận mức thuế xuất thuế TNDN 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong vòng 9 năm tùy vào địa bàn thực hiện, miễn thuế nhập khẩu 5 năm đối với nguyên liệu vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ dự án. Ngoài ra, các dự án cũng có thể có thêm ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất theo từng địa phương…

Minh Anh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/giai-ma-suc-nong-cua-dien-mat-troi-3336916/