Giải mã sức hút của CPTPP và cơ hội cho nông sản Việt

Sức hút từ CPTPP ngày càng lớn, đồng nghĩa với cơ hội cho sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản, ngày càng cao trong tiến trình gia nhập thị trường này.

Nguồn: Internet.

Nguồn: Internet.

Sức hút ngày càng lớn

Phân tích về sức hút từ CPTPP qua bài viết trên congthuong.vn, tác giả Việt Dũng cho rằng, năm 2019 là năm đầu tiên các cam kết của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức đi vào cuộc sống đối với 7 nước thành viên đã phê chuẩn hiệp định (Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Việt Nam). 4 thành viên còn lại là Brunei, Malaysia, Chile, Peru cũng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục phê chuẩn nội bộ để hiệu lực hóa hiệp định này.

Đây là hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” đầu tiên của thế kỷ 21 bắt đầu được thực thi. Vào ngày 19/01/2019, Hội đồng CPTPP đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất tại Tokyo, Nhật Bản nhằm thảo luận kế hoạch thực thi cam kết và xem xét quy chế tiếp nhận các thành viên mới.

Việc một số nền kinh tế (như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Indonesia…) thể hiện mong muốn gia nhập CPTPP không phải chỉ vừa mới xuất hiện, mà đã được nhắc đến nhiều trong năm 2018 ngay sau khi hiệp định được ký kết vào tháng 3 tại Chile.

Một số nền kinh tế khác còn bày tỏ nguyện vọng tham gia hiệp định khi CPTPP còn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Mỹ còn là một thành viên. Có thể nói, sau khi CPTPP chính thức trở thành hiện thực, danh sách các thành viên tương lai của hiệp định ngày càng trở nên đa dạng, thậm chí ngay cả Mỹ cũng có khả năng quay trở lại và Trung Quốc cũng có thể gia nhập hiệp định này…

Theo tác giả Việt Dũng, sức hút của CPTPP đối với các nền kinh tế muốn tham gia hiệp định có thể được giải mã bởi một số yếu tố như sau:

Đây là hiệp định toàn diện nhất và có mức độ tự do hóa tham vọng nhất kể từ trước đến nay. CPTPP cắt giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác đối với một loạt các hàng hóa, bao gồm nhiều sản phẩm như: Ôtô, dệt may và hàng hóa nông nghiệp như thịt, sữa và ngũ cốc... và các sản phẩm sản xuất khác. Một số ước tính cho thấy, tổng mức giảm thuế giữa các thành viên CPTPP ở mức khoảng 95% đến 98%...

CPTPP đã thay đổi, loại bỏ phần lớn các nội dung khác biệt mà Mỹ đã thúc đẩy trong TPP trước đây, theo hướng phù hợp hơn với đa số các nước để trở nên gần gũi về mặt lợi ích đối với các nền kinh tế mới. Các thay đổi lớn nhất và thực chất nhất chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, CPTPP cam kết tập thể đối với hệ thống thương mại minh bạch, dựa trên các quy tắc luật lệ. Hiệp định sẽ loại bỏ đáng kể thuế quan và hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa. Nó cũng cho phép các nhà cung ứng dịch vụ tiếp cận nhiều hơn với các cơ hội kinh doanh trong một loạt các lĩnh vực và tăng khả năng tiếp cận các hợp đồng mua sắm chính phủ ở các quốc gia khác…

Ngoài ra, CPTPP sẽ giúp thúc đẩy thương mại tự do trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong hệ thống thương mại toàn cầu. Lợi ích chung của các nước là đảm bảo một hệ thống thương mại mở, dựa trên luật lệ và đảm bảo một cuộc chiến thương mại ở Thái Bình Dương không gây tổn hại cho các hộ gia đình người dân và nền kinh tế.

CPTPP cũng là một nhân tố tốt để thúc đẩy thương mại tự do nên ngay trong quá trình đàm phán TPP (trước đó) và CPTPP (sau này), một số nền kinh tế như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, đã quan tâm đến việc gia nhập hiệp định, dù Mỹ có rút khỏi hiệp định hay không.

Đến nay, danh sách các chính phủ xem xét tham gia CPTPP đã trở nên đa dạng hơn so với các chính phủ đã phê chuẩn hiệp định, trong đó, phải kể đến Trung Quốc (có GDP lớn hơn 11 thành viên CPTPP cộng lại), Indonesia, Philippines, Colombia và Anh (thời hậu Brexit). Đặc biệt, Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan đã nhất quán trong mối quan tâm của họ đối với CPTPP..

Riêng với nước Anh, CPTPP được đánh giá sẽ mang lại cơ hội kinh tế cho hàng trăm triệu người.

Việc tham gia bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào đều được các nền kinh tế cân nhắc kỹ lưỡng các lợi ích kinh tế thương mại riêng của mình.

Sự quan tâm đối với CPTPP của một số nước từ năm 2018 đã thúc đẩy các thành viên của hiệp định thống nhất sẽ bắt đầu đàm phán tiếp nhận thành viên mới ngay từ năm 2019. Điều này mở ra triển vọng có thể có nhiều quốc gia hơn dự kiến sẽ tham gia hiệp định CPTPP trong tương lai.

Triển vọng cho nông nghiệp Việt

Theo các chuyên gia kinh tế, CPTPP sẽ giúp cắt giảm các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, nới lỏng các quy định về đầu tư và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tham gia CPTPP mở ra cơ hội lớn để Việt Nam kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Tính toán cho thấy, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Bộ Công Thương nhận định, cơ hội lớn nhất từ CPTPP với Việt Nam không phải là việc mở rộng thị trường mà là cải cách thể chế. Sắp tới, Việt Nam sẽ sửa 7 luật và hàng chục Nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Phân tích kỹ hơn về cơ hội cho nông sản Việt từ CPTPP, ông Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO và AEC cho rằng chỉ khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP mới giải mã được câu chuyện bảo hộ công nghiệp chế biến hàng nông sản của các nước và mở cửa thị trường cho hàng nông sản chế biến của chúng ta. Theo Hiệp định này sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo lộ trình đưa mức thuế nhập khẩu hàng nông sản chế biến hầu hết xuống 0-5%.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện trở lại gây tác động lớn đến thương mại và phát triển kinh tế, việc thực hiện các cam kết mới về mở cửa thị trường nông sản trong CPTPP càng có ý nghĩa quan trọng. 11 nước CPTPP là một thị trường lớn chiếm trên 10% GDP toàn cầu sẽ là thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam.

Để tận dụng cơ hội, đối với những mặt hàng nông sản đã có số lượng lớn như gạo, cà phê, hồ tiêu và hạt điều, ông Tự cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào đầu tư chế biến nâng cao giá trị gia tăng, giảm dần xuất khẩu thô.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, xuất khẩu cà phê rang xay giá trị gấp đôi so với xuất khẩu cà phê nhân. Xuất khẩu cà phê hòa tan 3 trong 1 giá trị có thể gấp ba lần. Hạt điều chế biến giá trị cũng gấp đôi, giá gạo hấp cũng gấp đôi giá gạo thường…

Mặt hàng rau, hoa quả nhiệt đới và cận nhiệt đới là lợi thế của Việt Nam so với các nước khác nhau trong CPTPP, cần tập trung vùng chuyên trồng các loại cây hoa, quả, rau quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn từ đồng ruộng đến bàn ăn với sản lượng lớn - mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Tổ chức vận tải chuyên dụng giá cạnh tranh.

Những mặt hàng đang có lợi thế như thanh long, chanh leo, vải thiều, hoa Đà Lạt cần tăng nhanh sản lượng. Những mặt hàng có lợi thế đất đai, khí hậu, các nước CPTPP có nhu cầu cần nghiên cứu toàn diện tất cả các khâu từ giống, công nghệ, vận tải, bảo quản bao bì đóng gói, giá thành cạnh tranh để có chiến lược phát triển lâu dài.

Khâu hỗ trợ của nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cũng cần được chú trọng, bởi hiện nay đầu tư còn khiêm tốn và manh mún nên chưa góp phần đẩy mạnh việc bán hàng cả trong và ngoài nước, chưa có nhiều thương hiệu cho các ngành hàng của Việt Nam.

Việt Nam vừa công bố logo của gạo Việt Nam, đây là kết quả bước đầu, cần quảng bá thường xuyên đi theo chất lượng hàng mới được thế giới công nhận và nâng cao giá trị. Ngành cà phê, hồ tiêu và điều cũng phải sớm xây dựng và công bố thương hiệu quốc gia đi đôi với việc giới thiệu chỉ dẫn địa lý đặc trưng sản phẩm của vùng miền gắn với chất lượng.

Thời cơ đã đến, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cố gắng vượt bậc, xây dựng các chiến lược, sách lược đầu tư lâu dài để tận dụng mọi cơ hội…

Minh Nhật

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-dong-kinh-te/giai-ma-suc-hut-cua-cptpp-va-co-hoi-cho-nong-san-viet-4715.html