Giải mã sự 'tăng nhiệt' của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc lại vừa gia tăng căng thẳng, giới chuyên gia cho rằng mức độ này là rất nghiêm trọng.

Việc Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ áp mức thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 24/9 và sẽ tăng lên mức thuế 25% vào đầu năm 2019. Đây có thể là những “nước cờ thuế” cuối cùng của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc.

Đôi bên cùng thiệt hại

Đối với Mỹ, cuộc chiến thương mại này đã tác động xấu tới người tiêu dùng, nhất là người quen tiêu dùng hàng giá rẻ của Trung Quốc. Mức sống giảm, thất nghiệp tăng với con số khoảng 700.000 người lao động và năm 2019 với tỷ lệ thất nghiệp có thể còn tăng gấp đôi.

Với các doanh nghiệp Mỹ, sức cạnh tranh giảm sút, thị phần của Mỹ tại Trung Quốc bị các đối thủ chiếm lĩnh, thay thế. Đặc biệt là lòng tin của giới doanh nhân suy giảm, nên họ sẽ do dự trước các quyết định đầu tư.

Theo ước tính của IMF, GDP của Mỹ sẽ làm giảm 0,1% với mức thuế như hiện nay. Nếu áp mức thuế 25% cho tất cả các xe ô tô nhập khẩu thì GDP của Mỹ sẽ giảm gần 0,6%. Và đến năm 2020, tổng GDP của Mỹ mất khoảng 1%.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tăng nhiệt. (Ảnh: Tehran Times)

Theo đó, các đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất của cuộc chiến này là nông dân Mỹ và những người quen dùng hàng giá rẻ của Trung Quốc. Nhất là những người trồng nhân sâm, đậu nành, ngô xuất khẩu… bởi 85% sản lượng nhân sâm với 30 triệu USD/năm được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, Mỹ là bạn hàng lớn nhất (8,4% kim ngạch xuất khẩu). Các mặt hàng như động cơ, motor, xây dựng, máy nông nghiệp, thiết bị điện, viễn thông và giao thông bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo ước tính, Trung Quốc suy giảm tăng trưởng khoảng 0,2% trong năm nay và 0,3% vào năm 2019. Mức độ tăng trưởng từ 6,6% trong năm nay xuống chỉ còn 6,3% trong năm tới, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tăng gấp đôi GDP của Trung Quốc (theo kế hoạch đến năm 2020), nhất là Chiến lược “Made in China 2025” và Dự án “Vành đai, con đường”.

Điều quan trọng hơn là Trung Quốc sẽ tiếp tục không được Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) công nhận là nền kinh tế thị trường. Đồng thời uy tín của cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung cũng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Hơn nữa, do Mỹ - Trung là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên cuộc chiến thương mại gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo WTO, ước tính cứ mỗi 100 tỷ USD hàng hóa bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu, thương mại toàn cầu sẽ giảm 0,5%. Kéo theo tăng trưởng toàn cầu giảm mất 0,1%, lạm phát tăng ở mức 0,1% - 0,3%; lợi nhuận toàn cầu cũng biến mất khoảng 2,5%.

Vì thế, theo các chuyên gia kinh tế, đây là nước cờ của cả hai bên, bởi vì Washington đã hai lần “xuống thang” chủ động đề nghị đàm phán với Trung Quốc và Trung Quốc cũng sốt sắng hưởng ứng, cho dù cả hai bên vẫn có những lời lẽ thách đố và răn de lẫn nhau về mức độ chịu trận của mình. Washington là nơi khởi sự và tự tin sẽ “chiến thắng”, còn Bắc Kinh lại tự hào vì có sức chịu đựng lớn hơn.

Thử thách tính kiên trì của nhau

Ngày 16/9 vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc gặp gỡ với giới tinh anh của phố Wall để thảo luận về xung đột thương mại giữa hai bên cũng như tìm ra giải pháp hiệu quả. Dư luận lo ngại đây là động thái để Trung Quốc đối phó với quyết tâm “không nhân nhượng” của Mỹ trong cuộc chiến thương mại hiện nay.

Theo giới phân tích, cuộc thảo luận ngày 16/9 cũng là một trong những đòn đánh mạnh vào giới tài chính Mỹ, nhằm tạo áp lực từ nội bộ nước Mỹ đối với chính sách của Tổng thống Donald Trump, nhưng đây vẫn nằm trong “chiến thuật giữ miếng”.

Dư luận biết rằng, Tổng thống Donald Trump có một quyết tâm mạnh mẽ để đảm bảo chính quyền Mỹ sẽ có được một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Trung Quốc. Ông Trump cảnh báo: “Chính phủ Trung Quốc không nên đánh giá thấp sự kiên trì của ông trong cuộc chiến thương mại này”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán rằng, vấn đề này sẽ được giải quyết một bước trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, vì đây là yêu cầu tối quan trọng để loại bỏ những bất ổn trên thị trường chứng khoán Mỹ - nơi phản ánh tập trung niền tin của giới đầu tư vào chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mặt khác, cuộc đàm phán sắp tới dự kiến vào ngày 27 - 28/9 ở cấp độ cao hơn so với các cuộc đàm phán trước đó, phía Trung Quốc có Phó Thủ tướng Lưu Hạc và phía Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Mnuchin, khiến dư luận kỳ vọng có sự tiến bộ nhất định, tất nhiên vẫn cần các cuộc đàm phán khác cho đến trước thềm bầu cử tại Mỹ vào tháng 11/2018.

Giới chuyên gia nhận định, với tính cách và vị thế của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung, nhất là Tổng thống Mỹ Donald Trump, thì công thức chung đã được thể hiện là: “cứng rắn tối đa trước thềm đàm phán, và bất ngờ giảm nhiệt trong quá trình thảo luận”.

Mô thức nêu trên đã được thể hiện ở các cuộc đàm phán trước đó như: Đàm phán Mỹ - Triều Tiên, Mỹ - NATO, Mỹ - EU… Và giờ đây rất có thể sẽ lặp lại trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Cũng theo giới phân tích, cả hai bên đều đã tính toán được sự mất mát trong cuộc chiến này, vấn đề chỉ còn là sự thử thách tính kiên trì của nhau mà thôi. Thời gian không ủng hộ cả hai bên. Bởi vì, mốc tháng 11/2018 đối với Mỹ đang đến gần, còn Trung Quốc thì mức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã tới hạn.

Giới chuyên gia nhận định: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung “không có kẻ thắng, người thua” trên lý thuyết và trên thực tế, cho nên sự cứng rắn chỉ làm nền cho các cuộc đàm phán mới trong thời gian tới mà thôi./.

CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/giai-ma-su-tang-nhiet-cua-cuoc-chien-thuong-mai-mytrung-814922.vov