Giải mã những 'người hùng' World Cup 2018

Croatia - đất nước thuộc đông nam châu Âu, giáp với biển Adriatic, nằm giữa Bonisa Herzegovina và Slovenia. Lịch sử phát triển lâu đời cùng với địa hình đồi núi kết hợp biển cả đã tạo cho Croatia có một nền văn hóa đa dạng, cũng như những khung cảnh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ.

Dù đội tuyển bóng đá Croatia đã tuột mất chiếc cúp danh giá, nhưng sau World Cup 2018, dường như du khách đến với quê hương của các cầu thủ nhiều hơn để khám phá đất nước, con người nơi đây và xem điều gì đã giúp Croatia làm nên lịch sử tại giải bóng đá thế giới.

Du lịch đường biển phát triển

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Rijeka, thành phố cảng biển lớn nhất và là thành phố lớn thứ ba của Croatia với dân số gần 300.000 người. Không giống như tưởng tượng, đập ngay vào mắt bạn là một sân bay nhỏ bé, cũ kĩ. Sân bay có duy nhất một đường băng lên xuống và đón được máy bay hạng vừa Boing 737. Tuy “bé hạt tiêu” nhưng trong năm 2017 sân bay này đã đón được khoảng 143.000 lượt khách.

Đường đi bộ vắt qua mặt hồ trong công viên quốc gia Plitvice.

Không chỉ Rijeka mà hầu hết các sân bay của Croatia đều nhỏ như vậy, kể cả sân bay ở thủ đô Zagreb hay sân bay của Zadar, một thành phố lớn thứ 5 của Croatia. Mức thu nhập bình quân của Croatia ở mức trung bình so với các nước khác trong cộng đồng chung châu Âu và nền kinh tế dựa khá nhiều vào ngành công nghiệp không khói.

Theo thống kê của Bộ Du lịch Croatia thì năm 2017 có khoảng 18,5 triệu lượt người đã tới thăm Croatia, con số này tăng khoảng 13% so với năm 2016. Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên và tự hỏi, vậy với các cảng hàng không như vậy, làm sao Croatia có thể phát triển du lịch được?

Thứ nhất, Croatia có hơn 1.000km bờ biển nên bên cạnh đường hàng không thì khách du lịch đến bằng đường biển chiếm tỷ lệ cao trong tổng số khách du lịch nói trên. Các thành phố du lịch dọc bờ biển của Croatia như Zadar, Split hay Dubrovnik... là các cảng biển lớn nước sâu có thể đón được du thuyền cỡ lớn tới thăm quan du lịch.

Thứ hai, mặc dù Croatia nằm trong châu Âu và cũng là một thành viên trong cộng đồng chung châu Âu nhưng chưa thuộc khối Schengen và do vậy vẫn cấp visa riêng cho khách du lịch và tiêu tiền riêng. Nhưng đất nước Croatia rất linh hoạt trong việc cấp thị thực để vào Croatia. Những ai là công dân thuộc khối cộng đồng chung châu Âu hoặc người nước ngoài mà có visa Schengen hoặc đang cư trú hợp pháp tại các nước thuộc khối Schengen thì không phải xin visa vào Croatia.

Thứ ba, thủ tục nhập cảnh đơn giản, nhanh gọn cùng với nụ cười và lời cảm ơn thường trực của cán bộ hải quan khiến cho du khách không còn có cảm giác mệt mỏi chờ đợi mặc dù trời nắng nóng.

Quê hương của những “người hùng“ World Cup

Sau World Cup, du khách ai cũng muốn đến Zadar, quê hương của 4 cầu thủ trong đội tuyển quốc gia Croatia: Luka Modric, thủ môn Daniel Subasic, Sime Vrsaljko và thủ môn dự bị Dominik Livakovic. Ngay cổng thành chính dẫn vào khu pháo đài cổ ở Zadar có một tấm biểu ngữ lớn in hình 4 cầu thủ cùng với dòng chữ: “Sinh ra tại Zadar - Trái tim của Zadar”. Zadar còn được giới nghiền du lịch biết đến bởi đây là nơi có cây đàn biển (Sea Organ) duy nhất trên thế giới và là đại sảnh ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới.

Quảng trường La Mã và nhà thờ St.Donat ở Zadar.

Con đường từ Split đến Zadar cũng chỉ hơn 200 km nhưng là đường đồi núi nên thời gian di chuyển không phải là nhanh, mất hơn 5 tiếng mới tới được Zadar. Khu vực này đồi núi trập trùng, rất nhiều núi đá vôi trơ trụi, trắng xóa chọc thẳng lên bầu trời trong xanh không một gợn mây. Nhìn cảnh mây núi lại chợt nhớ tới đoạn video của một nhà báo Pavle Balenovic vô tình quay được khi Modríc lúc 5 tuổi đi chăn cừu cùng bố trên những vùng núi đá vôi như vậy. Ngồi lắc lư trên xe bus nghĩ vẩn vơ biết đâu ẩn sau những rặng núi đá vôi trơ trụi kia lại sẽ có nhiều Modríc nữa cho đất nước Croatia.

Phải thừa nhận rằng, Croatia phát triển nhanh chóng mặc dù chiến tranh mới kết thúc khoảng 20 năm. Nối liền giữa Zadar - Plitvice và Split là hệ thống đường cao tốc bắc ngang qua các quả núi, nhiều đường hầm xuyên núi được xây dựng khiến cho cung đường giảm bớt sự ngoằn ngoèo không cần thiết. Chạy một quãng đường dài như vậy nhưng chỉ có một trạm thu phí.

Mạng lưới xe bus đường dài cũng được tổ chức và quy hoạch giống như các nước châu Âu phát triển khác. Chạy đường dài thực chất cũng chỉ có một vài hãng xe lớn được cấp phép và đúng nghĩa là chạy đường dài. Chẳng hạn như chuyến xe đó không phải chỉ chạy từ Spit đến Zadar rồi quay về mà tất cả xe bus đường dài ở Croatia nói riêng và trong châu Âu nói chung là chạy nối nhiều điểm khác nhau.

Ví dụ xe xuất phát từ Split sẽ tới Zadar rồi đi tiếp tới Plitvice và một vài điểm nữa và kết thúc hành trình là ở thủ đô Zagred chẳng hạn. Trên đường đi có trả khách dọc đường nhưng phải đúng điểm đón trả khách. Các bến xe bus đường dài được xây dựng cũng rất tối giản nhưng thuận tiện. Họ tính toán giờ xe đến và giờ xe đi một cách chuẩn xác nên mặc dù ở Zadar rất nhiều xe đến và đi nhưng không bị quá tải. Tất cả được tính toán bằng phần mềm với mục tiêu tối ưu hóa và giảm thiểu chi phí. Đây là mẫu hình chung cho cả châu Âu chứ không phải riêng Croatia làm được điều này.

Biểu ngữ ở cổng thành Zadar chào mừng 4 cầu thủ trong đội tuyển Croatia

Ngồi cạnh tôi trên chuyến xe bus là một ông già đúng gốc người Nam Tư cũ. Ông không nói được ngoại ngữ nào ngoài tiếng mẹ đẻ nhưng tôi phát hiện ra trong câu nói của ông có pha chút tiếng Ý. Lần giở lịch sử về Croatia ra đọc thì biết rằng vùng này thuộc sở hữu lâu đời của nước Cộng hòa Venetia, một nhà nước có chủ quyền và một nước cộng hòa ven biển nằm về đông bắc nước Ý, vốn cai trị trên khắp vùng biển Adriatic trong suốt 400 năm.

Do vậy, ảnh hưởng của nước Ý vẫn còn hiển hiện ở Dalmatia. Nhiều người dân Dalmatia vẫn chêm những từ gốc Ý vào ngôn ngữ Croatia. Thảo nào, trên xe ông lão có hỏi tôi rằng: cháu có nói được tiếng Ý không? Tất nhiên hỏi bằng tiếng Croatia nhưng do có từ Italy nên tôi đoán được như vậy.

Những di sản nổi tiếng thế giới

Ở Croatia, vườn quốc gia Plitvice được ca ngợi là “thiên đường hạ giới”, “kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất hành tinh”. Năm 1979 khu vực này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới. Trong chiến tranh, nơi này từng bị quân đội Serbia chiếm đóng, giờ đã hồi sinh nhanh chóng sau khi được trao trả lại cho Chính phủ Croatia quản lý. Hằng năm nơi đây thu hút hàng triệu lượt khách đến thăm quan.

Vườn quốc gia Plitvice nổi tiếng thế giới với khu rừng nguyên sinh toàn cây thông trắng, trong rừng có quần thể 16 hồ nước cùng 92 thác lớn nhỏ tuyệt đẹp. Nước trong hồ ở Plitvice trong vắt có thể nhìn thấy tận đáy đến mức có thể đếm được từng con cá bơi lội dưới đó! Nước ở từng hồ, từng khu vực mang những sắc xanh rực rỡ khác nhau, chỗ xanh dương đậm đà, chỗ xanh ve chai, chỗ xanh da trời dịu mát, chỗ lại xanh cổ vịt... chúng thay màu áo do tác động của ánh sáng mặt trời, khoáng chất và các sinh vật trong nước.

Phía trên là bầu trời trong xanh không một gợn mây, giữa trời và nước là những rặng cây xanh rì cùng những ngọn núi to cao soi bóng xuống mặt hồ, những dòng thác đa tầng, sừng sững giữa núi rừng y như bức rèm khổng lồ, óng ánh bạc, ầm vang tuôn chảy không ngừng. Tất cả đã tạo thành một bức tranh thủy mặc đẹp một cách tuyệt mĩ và được con người Croatia bảo vệ một cách nghiêm ngặt.

Vẻ đẹp cổ kính và thanh bình của Croatia còn được biết đến ở những di tích mang lịch sử lâu đời có từ thời Roma hoặc La Mã. Nếu bạn đi dạo từ 7h sáng trên những con đường lát đá nhẵn thín, bóng lộn không một cọng rác trong khu vực pháo đài phòng thủ được UNESCO công nhận ở Zadar để ngắm đấu trường La Mã, một quảng trường công cộng rộng cỡ một sân bóng thiết kế vào thế kỷ thứ I trước Công nguyên thì thật thú vị. Rất ít khách du lịch đi dạo vào lúc này, chủ yếu là dân địa phương dậy sớm đi chợ hoặc đi làm. Các cửa hàng lưu niệm, quán cà phê, nhà hàng và công sở bắt đầu mở cửa để phục vụ khách.

Ngồi ở quán cà phê Lovre cạnh nhà thờ St. Lawrence có từ thế kỷ XI và đối diện Ủy ban Hành chính của Zadar ngắm dòng người qua lại chợt bắt gặp những khuôn mặt phụ nữ xinh đẹp mà ta cảm thấy rất thân quen như đã gặp ở đâu đó. Ấn tượng đó đến từ các cổ động viên nữ Croatia tại World Cup 2018. Họ rất xinh đẹp và vẻ đẹp của họ rất khỏe khoắn. Họ có làn da trắng nhưng hơi rám nắng, đôi môi hồng tự nhiên, khuôn mặt tròn, sống mũi thẳng, đôi mắt trong xanh như nước biển Adriatic khiến ta như bị hớp hồn khi nhìn vào.

Khu vực nhà thờ St.Donat xây dựng thế kỷ thứ IX, nữ tu viện St. Mary xây vào thế kỷ XI và nhà thờ St. Anastasia - lớn nhất ở Dalmatia - khởi công vào thế kỷ XII ở trong pháo đài cổ của Zadar đã bắt đầu mở cửa cho những người đi lễ buổi sáng sớm. Những người già với khuôn mặt thanh thản dạo bước không có chút gì vội vã trong buổi sớm mai. Tiếng chuông nhà thờ St.Donat cất lên hòa cùng tiếng đàn réo rắt của cây đàn biển (sea organ) duy nhất trên thế giới từ ngoài xa vọng lại. Khung cảnh thật thanh bình.

Croatia cũng rất sôi động về đêm, dường như ở những nơi du lịch nổi tiếng, đêm họ không ngủ. 12h đêm tại các khu phố trong cung điện Diocletian ở Split tất cả vẫn còn nhộn nhịp. Lúc này, trong khu vực cung điện vẫn tấp nập kẻ mua, người bán. Đâu đó, trong góc phố của cung điện lớp thanh niên vẫn tụ tập trong quán bar vừa uống rượu bia, vừa nhảy múa ca hát. Tất cả rất tự do nhưng trong trật tự vì không ai được phép say xỉn đi ra đường phố.

Cung điện được hoàng đế La Mã xây dựng từ thế kỷ 3 có 4 cổng vòm lớn ở các hướng khác nhau. Gọi là cung điện nhưng thực chất là một thành phố thu nhỏ trong đó. Đến đây, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội gọi một cốc cà phê ở quán LVXOR nằm cạnh nhà thờ St Domnius ở trung tâm của cung điện. Vừa uống vừa ngồi trên các bậc tam cấp của cung điện, vừa ngắm người qua lại, vừa nghe nhạc sống từ những nhạc công đường phố.

Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo đói của Croatia vẫn còn. Nếu bạn đi ra ngoại vi thành phố thì bạn sẽ bắt gặp những căn hộ cao tầng rất cũ kĩ, ọp ẹp nhưng vẫn tồn tại bởi vì chính phủ không có kinh phí để cải tạo hoặc xây mới.

Theo thống kê của Chính phủ Croatia thì còn khoảng 30% trong tổng dân số của Croatia tương đương 4,3 triệu người vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Xe chạy khoảng 30km ra khỏi công viên quốc gia Plitvice đi về hướng Split, tức là đi từ vùng rừng núi ra hướng biển, bạn sẽ nhìn thấy nhiều cảnh làng quê vẫn còn nghèo.

Đất đai có vẻ rộng nhưng không trồng được cây gì vì đa phần diện tích là đồi núi đá vôi trắng trọc. Nhà cửa sinh hoạt nhỏ bé và rất đơn sơ. Đôi khi ta bắt gặp cảnh những cháu bé đứng cạnh cụ già ngồi nhìn những chuyến xe hằng ngày chạy qua với con mắt tò mò như vẻ thèm muốn được đi xa. Vì ở đây biển thì xa, núi thì cao mà tiền lại không có.

Phải chăng, đó là lý do khiến đội tuyển Croatia đã dành hầu hết tiền thưởng quyên góp cho quỹ trẻ em nghèo với mong muốn những trẻ em đó có cơ hội một lần được đi tắm biển?

Hoàng Nguyên Bình (từ Croatia)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/giai-ma-nhung-nguoi-hung-world-cup-2018-506804/