'Giải mã' nguyên nhân khiến bạn chán nản nơi công sở

Bạn thức dậy vào sáng chủ nhật và cảm thấy sợ hãi khi phải đi làm vào ngày hôm sau? Chỉ nghĩ đến việc đến văn phòng cũng khiến bạn phát ốm? Sự chán nản của bạn trong công việc đã dần lan rộng đến đời sống tinh thần của bạn?...

Nếu những điều này đang xảy ra thì đã đến lúc bạn cần thay đổi, nhưng điều đầu tiên cần làm là xác định chính xác lí do tại sao bạn không hài lòng trong công việc. Dưới đây là 6 lý do khiến bạn cảm thấy thất vọng tại nơi làm việc và một số mẹo để tìm lại hạnh phúc được chia sẻ từ Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn, hãy cùng tham khảo nhé!

Xem thêm các việc làm được cập nhật mới nhất tại careerlink.vn

Bạn không được thử thách

Khi công việc không mang tính thử thách bạn sẽ trở nên buồn chán, rảnh rang và thậm chí tự mãn, điều này có thể dẫn đến việc không hài lòng với vai trò theo thời gian. Nếu bạn cảm thấy công việc hiện tại chưa phát huy hết tiềm năng của bản thân, hãy chủ động tìm kiếm những thách thức mới bằng cách đề xuất được đảm nhận các nhiệm vụ mới, trình bày các ý tưởng sáng tạo và xung phong thực hiện... Những khó khăn phải đối mặt sẽ tạo thêm nhiều động lực mạnh mẽ giúp bạn thoát khỏi tình trạng chán chường và luôn tiến về phía trước.

Công việc quá tải

Ngược lại với việc không có tính thách thức, việc quá tải trong công việc cũng khiến bạn trở nên căng thẳng quá mức, lo âu và dễ cáu kỉnh. Nếu cảm thấy không có đủ thời gian để hoàn thành tất cả các công việc được giao, hãy điều chỉnh cách bạn có thể quản lý thời gian và công việc của mình tốt hơn, chẳng hạn tham gia các khóa học trực tuyến hoặc tham khảo các bài viết chuyên môn về phương pháp sử dụng thời gian hiệu quả. Đôi khi những gì bạn cần chỉ là tự tổ chức tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần học cách nói “không" bởi đảm nhận các công việc không cần thiết sẽ khiến bạn kiệt sức và làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Nếu đã thực hiện các bước trên nhưng vẫn thấy mình bị “ngợp” bởi công việc, hãy nói chuyện với người quản lý, giải thích rằng bạn đã thực hiện các bước để tăng năng suất nhưng vẫn thấy bị quá tải và lo lắng rằng sớm muộn cũng sẽ kiệt sức.

Bạn thiếu kỹ năng

Bạn có cảm giác không còn làm việc hiệu quả như đã từng, như thể tất cả các đồng nghiệp đều được tăng lương hoặc thăng chức ngoại trừ bạn? Nếu bạn cảm thấy như đang tụt lại phía sau thì có thể đến lúc phải tập trung, cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực chuyên môn.

Hãy nghĩ về điều này theo cách: công ty là một bánh xe và nhân viên là những nan hoa (căm) trên bánh xe. Khi bánh xe di chuyển về phía trước, vị trí của nan hoa cũng thay đổi, di chuyển liên tục từ trên xuống dưới. Nếu bạn không tiến về phía trước cùng với công ty bằng cách nâng cao kỹ năng và cập nhật các xu hướng mới trong ngành nghề, bạn sẽ ở dưới cùng của bánh xe, chán nản và dễ bị tổn thương. Vì vậy, hãy không ngừng nỗ lực phát triển cùng công ty và tiếp tục thúc đẩy để trở thành nan hoa dẫn đầu trên bánh xe.

Môi trường làm việc không phù hợp với tính cách

Mặc dù không nhận ra nhưng môi trường làm việc có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn. Nếu bạn là người hướng nội thì làm việc trong không gian mở có thể khiến bạn mất tập trung và mệt mỏi về tinh thần dẫn đến các tác động tiêu cực đến hiệu suất công việc. Ngược lại, nếu bạn là người năng động thì bầu không khí yên tĩnh có thể làm giảm sự sáng tạo và năng lượng của bạn.

Khi làm việc trong môi trường không thoải mái, bạn sẽ không đạt năng suất cao. Và khi không có hiệu quả, bạn sẽ không có cảm giác hài lòng. Đây là lý do tại sao bạn cần tìm hiểu công việc và phong cách tương tác cũng như văn hóa công ty để biết đó có phải là môi trường làm việc mong đợi hay không.

Bạn không có bạn bè

Nếu đang làm công việc toàn thời gian thì bạn có thể làm việc trung bình 40 giờ mỗi tuần. Đó là khoảng thời gian rất lớn và việc dành tất cả thời gian này trong sự cô lập mà không có bất kỳ tương tác xã hội hoặc bạn bè thì có thể dẫn đến sự cô đơn và thậm chí trầm cảm.

Hãy nỗ lực xây dựng mối quan hệ cá nhân tại nơi làm việc bằng cách tham gia vào các cuộc trò chuyện trong giờ giải lao, mời mọi người cùng ăn trưa hoặc uống nước sau giờ làm việc, hỏi thăm về thời gian cuối tuần của họ, nói về các sở thích chung hoặc chỉ đơn giản là nói về những gì đang xảy ra tại nơi làm việc.

Môi trường làm việc “độc hại

Nếu bạn đang ở trong môi trường làm việc không lành mạnh thì điều này có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân và cả năng suất làm việc của bạn. Hãy đánh giá những gì đang xảy ra ở nơi làm việc: tình trạng “ngồi lê đôi mách” có quá mức không? Bạn có mối quan hệ xấu với người quản lý của mình không? Bạn có bị đồng nghiệp chơi xấu? Bạn hoặc đồng nghiệp có thể bị đối xử thiếu công bằng?... Đó là dấu hiệu của một môi trường làm việc “độc hại” và tất cả điều này có thể là lí do khiến bạn cảm thấy buồn chán trong công việc.

Nếu điều này đang diễn ra với bạn, trước tiên hãy cố gắng giải quyết với nhân vật chính một cách riêng tư nếu vấn đề gặp phải ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bạn. Họ có thể không biết các hành vi của họ ảnh hưởng đến người khác. Nếu tình trạng vẫn tiếp diễn, hãy trình bày với cấp cao hơn. Và nếu không được giải quyết, hãy xem xét tìm một môi trường mới.

Cuộc sống quá ngắn ngủi để cảm thấy chán nản trong công việc. Vì vậy, đừng chờ đến một năm nữa hay lâu hơn để được hạnh phúc mà ngay bây giờ hãy đánh giá tình huống của bạn và thực hiện các cách gợi ý để cải thiện tình hình sớm nhất có thể nhé!

PV

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/doanh-nghiep-khuyen-mai/giai-ma-nguyen-nhan-khien-ban-chan-nan-noi-cong-so-1099756.html