Giải mã Người cá Bajau

Điều gì đã giúp cộng đồng người này có thể lặn sâu dưới biển hơn 70 m trong thời gian có khi lên đến 13 phút mà không cần bình dưỡng khí, đến nay vẫn là điều bí ẩn.

Trong suốt hàng trăm năm, người Bajau sống lênh đênh trên biển và quá trình tiến hóa tự nhiên đã biến họ thành những thợ lặn cự phách.

Với những người bình thường, họ không thể nín thở dưới nước quá 1-2 phút. Tuy nhiên, một cộng đồng được mệnh danh là "người cá" Bajau có thể lặn sâu dưới biển hơn 70 m trong thời gian lâu hơn - có khi lên đến 13 phút - mà không cần bình dưỡng khí. Những người cá du mục này sống chủ yếu tại Philippines, Malaysia và Indonesia, thường dành ra vài giờ mỗi ngày để lặn săn bắt hải sản hay tìm kiếm các vật liệu tự nhiên có thể được dùng làm đồ thủ công.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell mới đây, quá trình tiến hóa giúp người Bajau có lá lách lớn hơn người bình thường. Đây là yếu tố chính giúp họ tăng khả năng lặn sâu và nín thở so với người bình thường. "Lá lách có nhiều hồng cầu chứa oxy. Khi chúng ta lặn, nó co bóp và những hồng cầu này được giải phóng vào dòng máu. Dưới nước, những hồng cầu này tiếp tục phân phối oxy đến nội tạng để duy trì các chức năng cơ bản của cơ thể. Sở hữu lá lách lớn hơn đồng nghĩa người Bajau có nhiều hồng cầu chứa oxy hơn, từ đó có thể ở dưới nước lâu hơn." - chuyên gia Di truyền học dân số Rasmus Nielsen, đến từ Trường ĐH California (Mỹ), người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, giải thích.

Nhóm nghiên cứu có khám phá trên sau khi đến Đông Nam Á và sử dụng thiết bị siêu âm cầm tay để đo kích cỡ lá lách của 59 người Bajau, cả nam lẫn nữ, cũng như 34 người Saluan sống chủ yếu trên đất liền. Cuộc nghiên cứu được tiến hành tại ngôi làng Jaya Bakti của người Bajau trên đảo Sulawesi – Indonesia. Họ nhận thấy kích cỡ lá lách trung bình của người Bajau lớn hơn 50% so với lá lách của người Saluan mặc dù 2 cộng đồng này sống gần nhau. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn nhận thấy một đột biến di truyền ở gien PDE10A của người Bajau, có thể giúp tăng kích thước lá lách. Họ kết luận rằng theo thời gian, quá trình tiến hóa tự nhiên đã giúp cộng đồng Bajau - những người sống trong khu vực suốt 1.000 năm - thích nghi với cuộc sống du mục trên biển.

Nhà nhân chủng học J. Koji Lum, đến từ Trường ĐH Binghamton (Mỹ), tỏ ra ấn tượng với kết quả cuộc nghiên cứu trên nhưng cho rằng vẫn cần thêm bằng chứng. "Các tác giả nghiên cứu đã làm rất tốt việc tổng hợp và phân tích dữ liệu để chứng minh yếu tố di truyền và sự thích nghi sinh lý có ảnh hưởng đến khả năng nhịn thở của người Bajau…" - ông Lum nhận định, đồng thời đề nghị mở rộng quy mô cuộc nghiên cứu với sự tham gia của nhiều người hơn để xác nhận sự khác biệt về kích cỡ lá lách của "người cá" Bajau với những người sống chủ yếu trên đất liền.

Những hoạt cảnh về đời sống của người Bajau quanh vùng họ sinh sống - Ảnh: James Morgan

Cùng quan điểm, nhà nhân chủng học Cynthia Beall tại Trường ĐH Case Western Reserve (Mỹ) cho rằng công trình trên đã mở ra những cơ hội nghiên cứu thú vị nhưng cần thêm bằng chứng sinh học về việc liệu đặc điểm di truyền có thực sự giúp người Bajau có khả năng lặn tuyệt vời. "Chúng ta có thể đo đạc lá lách nhiều hơn, như về sức co bóp của nó" – bà Beall cho biết. Chuyên gia Richard Moon của Trường ĐH Duke (Mỹ) nói thêm rằng ngoài lá lách lớn, những thích ứng khác cũng có thể giúp ích cho khả năng lặn, như luyện tập thường xuyên.

Video clip phóng sự về việc lặn với ngư dân bậc thầy người Bajau - Nguồn: National Geographic

Đang nghiên cứu về người Bajau, nhà khoa học Melissa Llardo, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Di truyền học thuộc trường ĐH Copenhagen (Đan Mạch), cho rằng những phát hiện về khả năng lặn giỏi của cộng đồng này có thể giúp ích về mặt y học. Phản ứng của cơ thể người khi lặn dưới nước cũng tương tự một triệu chứng y khoa được gọi là thiếu oxy cấp tính, trong đó cơ thể người bị tụt oxy nhanh chóng và thường dẫn đến tử vong trong phòng cấp cứu. Những công trình nghiên cứu về người Bajau có thể giúp nâng cao hiểu biết về triệu chứng này.

Vấn đề là lối sống độc đáo của Bajau đang dần mai một vì nhiều lý do khác nhau. Theo bà Llardo, nhiều người không còn dành nhiều thời gian trong ngày để lặn và đang chuyển từ cách săn bắt hải sản truyền thống sang những phương thức khác do nguồn cung bị đe dọa bởi ngành công nghiệp đánh cá. Thêm vào đó, không ít "người cá" Bajau dần rời biển để định cư hẳn trên bờ vì có nhiều định kiến và bất lợi xoay quanh cuộc sống du mục trên cánh sóng. Sự thay đổi này giúp người Bajau được chấp nhận nhiều hơn tại các địa phương, nơi họ được hưởng những quyền lợi quyền lợi công dân, giáo dục và sự hỗ trợ từ chính quyền.

Theo bà Llardo, một số ước tính cho biết cộng đồng người Bajau hiện còn khoảng 1 triệu người. Riêng ngôi làng Jaya Bakti nói trên có dân số khoảng 5.000 người. Một số chuyên gia lo ngại rằng nếu lối sống độc đáo của người Bajau không được hỗ trợ, những bài học về sức khỏe con người mà họ có thể mang lại sẽ không tồn tại lâu.

Thực hiện:

Lê Duy - Cao Lực

Nguồn: CNN, National Geographic, James Morgan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

[eMagazine] - Đinh Ứng Phi Trường: Gã nghiện đỏ đen, thừa chất ngôn tình

[eMagazine] Chống dịch covid-19: Thế giới nói gì về Việt Nam? [PHẦN CUỐI]

[eMagazine] Chống dịch Covid-19: Cân não giành sự sống cho phi công người Anh [PHẦN 3]

[eMagazine] Chống dịch Covid-19: Điều khó tin ở TP HCM (PHẦN 2)

[eMagazine] Chống dịch Covid-19: Việt Nam khiến thế giới kinh ngạc!

Chỉ cần những thao tác đơn giản, người tiêu dùng sẽ có cơ hội nhận cả ký vàng

Dũng "chíp" đăng quang Quả bóng vàng xứng đáng

[eMagazine] Nhạc sĩ Phú Quang - "Thổ dân" của Hà Nội

Những điều đặc biệt về chuyến bay mang tên Bác Hồ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/tin-hay-anh-la/emagazine-giai-ma-nguoi-ca-bajau-20180808120618615.htm