Giải mã lịch sử từ… lòng đất

Một đợt khai quật khảo cổ học đang diễn ra tại phế tích chùa Mã Yên, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Trong điều kiện không mấy thuận lợi nhưng gần một tháng qua các chuyên gia đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị, là bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại một quần thể công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ gắn với Thiền phái Trúc Lâm mấy thế kỷ trước.

Đi tìm dấu cũ, nền xưa

Giữa cái nắng hanh hao ngày cuối tháng 10, theo dấu chân tiền nhân, chúng tôi cùng các nhà khảo cổ học (Viện Khảo cổ học Việt Nam) và cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Giang luồn lách dưới tán thông già lên đỉnh danh sơn Huyền Đinh tiếp cận công trường khai quật khảo cổ Mã Yên.

Không chỉ được khám phá thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ của quê hương, chúng tôi còn biết thêm nhiều thông tin về di sản văn hóa cổ xưa của cha ông và công việc thầm lặng của các nhà khảo cổ. Người dân bản địa giải thích, Mã Yên là tên một quả núi có hình giống với yên ngựa.

Tại đây còn một số địa danh cổ như: Núi Hình Nhân (giống một người đang đứng), núi Con Voi, vực Rêu... xung quanh là những cánh rừng thông bạt, tất cả đều mang trên mình dấu vết thời gian và đầy chất huyền thoại.

Mất gần một giờ leo bộ qua các lối mòn mới đến nơi khai quật, đường đi trắc trở, sóng điện thoại không có, buổi trưa đoàn khảo cổ dựng tạm lán nấu cơm nước tại chỗ, xế chiều xuống tá túc nhờ một gia đình dưới chân núi.

Câu chuyện của người dân về những cuộc đào bới tìm kiếm cổ vật trong quá khứ từng diễn ra tại đây càng khiến chúng tôi xót xa, nuối tiếc. Bà Vũ Thị Sang, thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng kể: Cách đây hàng chục năm, khi đi qua khu vực này người dân gặp nhiều di vật, vật cổ nằm ngổn ngang dưới xác lá rừng, một số nhóm săn lùng đồ cổ, rồi người dân nghĩ có vàng bạc châu báu nên mang cả máy dò kim loại đến đào bới, khiến khu di tích bị tàn phá. Những câu chuyện đầy tính linh thiêng, ly kỳ, huyền bí của ngôi chùa được bà con truyền lại rất rành mạch.

Mấy chục năm gắn bó với nghề, TS Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ học Việt Nam) từng có hai lần thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn tương tự và đều tại Bắc Giang. Đó là đợt khai quật tại phế tích chùa Hồ Bấc, xã Nghĩa Phương (năm 2012) và nay là chùa Mã Yên (Lục Nam), vị trí khai quật đều ở trên núi cao, xa dân cư, nhiều muỗi và vắt rừng, việc di chuyển rất khó khăn.

Lần này phải mất 3 ngày phát quang bụi rậm, quét dọn lá rừng để tạo mặt bằng khai quật, muỗi rừng bay vo vo trước mặt nhưng với đoàn khảo cổ thì đây quả thực là một chuyến công tác thú vị và khó quên.

Xứng là đại danh lam

“Đầu năm nay, khi tổ chức khảo sát, thăm dò chúng tôi không hy vọng sẽ thu lượm được nhiều kết quả vì được biết các cuộc đào bới tìm cổ vật hay quá trình người dân canh tác đã nhiều lần tàn phá chùa nhưng kết quả đạt được khá bất ngờ” - TS Trịnh Hoàng Hiệp nói.

Với diện tích khai quật 200m2, sau gần 1 tháng bước đầu các nhà khảo cổ học đã phát lộ rõ nhiều lớp kiến trúc, trong đó có nền móng, bình đồ kiến trúc hình chuôi vồ của ngôi thượng điện 3 gian hướng Nam như: Hệ thống bậc, thềm, cửa, chân tảng đá còn nguyên, ngói trang trí, bát, đĩa, chum lọ, cối đá…

Ngoài ra còn thấy giếng cổ, dấu chân Phật trên đá, khu vực lân cận còn phát hiện nền móng những công trình kiến trúc quy mô lớn nằm rải rác trong không gian hàng nghìn m2, nhận định sơ bộ, đó có thể là nơi ở của các nhà sư, nhà bếp, tòa tiền tế...

Đào đến ngày thứ 8, đoàn phát hiện một hố sâu 1m có chôn nhiều mảnh chum, lọ. Anh Nguyễn Đức Thống, chủ khu rừng có vẻ hốt hoảng, vội vàng về nhà lấy hương, hoa quả, bàn thờ đến làm lễ, cẩn thận hơn anh và người thân khuân những tảng đá lập tạm một bàn thờ.

Theo TS Trịnh Hoàng Hiệp, hố này nhiều khả năng là vết tích của những kẻ săn lùng cổ vật đào bới rồi chôn các vật dụng xuống đó vì quá trình khai quật phát hiện có sự xáo trộn giữa các lớp sinh thổ.

TS Hiệp giải thích: Theo cổ sử thì chùa Mã Yên có từ thời Lý - Trần (thế kỷ 12 - 13) nhưng đến thời điểm hiện tại đoàn khảo cổ chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng để khẳng định công trình kiến trúc khởi dựng từ thời Lý. Với các vật liệu xây dựng, hoa văn trang trí tìm thấy có thể nhận biết được di tích đã trải qua ít nhất 3 mốc thời gian gồm thời Trần (thế kỷ 13, 14) với sự xuất hiện của chân tảng đá hình cánh sen, thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17- 18) với ngói mũi sen trang trí hoa văn như ý và cuối cùng là thời Nguyễn (thế kỷ 19).

Điểm chung ở các ngôi chùa thời Trần là dựa vào núi, trước mặt hướng ra suối lớn, nằm trên đỉnh núi cao, xa khu dân cư (có ý nghĩa quan trọng về quân sự, hơn nữa tư tưởng Phật giáo thời bấy giờ chùa phải ở xa dân và lánh xa cuộc sống trần tục).

Với hiện vật thu được, tài liệu lịch sử và đặc điểm trên, Mã Yên được cho là một trong những đại danh lam và có mối liên kết, chịu ảnh hưởng từ Thiền phái Trúc Lâm trong sơn hệ Yên Tử thời Trần.

Mặc cho lớp bụi thời gian đã khiến nhiều tầng văn hóa Phật giáo bị phai nhạt, nhưng điều đọng lại với mỗi ai đã từng đến Mã Yên là sự kính phục, trân trọng những di sản mà cha ông đã tạo dựng. Đợt khai quật khảo cổ tại Mã Yên chưa kết thúc, các thông tin thu được có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, tôn giáo, mỹ thuật, kỹ thuật, kiến trúc… Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề đang là câu hỏi đặt ra cho các nhà khoa học.

Nguyễn Hưởng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/giai-ma-lich-su-tu-long-dat-3905744-b.html