Giải mã 'kho' trống đồng cổ ở đồi Pá Ban

Cứ mỗi độ tháng ba về là hoa ban lại nở trắng cả một vạt đồi ở Pá Ban (tiếng Thái gọi là đồi Hoa Ban). Một ngày đẹp trời của năm 2008, ông Lò Văn Mụ, ở bản Co Sáng, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, trong lúc đào hố trồng cà phê trên đồi Pá Ban đã phát hiện ra trống đồng cổ. Ngay sau đó, giới buôn cổ vật đã tập trung về đây dùng máy dò kim loại để tìm trống đồng trong lòng đất đồi. Họ dò đâu trúng đấy và cũng không biết bao nhiêu trống ở đồi Pá Ban được mang ra khỏi địa phương, đang nằm trong các bộ sưu tập cổ vật nào, trong hay ngoài nước?

Một chiếc trống đồng đào được trong lòng đồi Pá Ban. Ảnh: Trịnh Sinh

Một chiếc trống đồng đào được trong lòng đồi Pá Ban. Ảnh: Trịnh Sinh

Được dân bản thông tin, các chiến sĩ Công an huyện Mường Ảng đã nhanh chóng vào cuộc. Từ những điểm đánh dấu của dân đào trộm cổ vật để lại, Công an đã tổ chức đào và thu được nhiều trống đồng. Có hố thu được cả hai chiếc trống đồng đang lồng vào nhau. Từ bấy, phong trào săn lùng trống đồng tạm lắng xuống, bởi sự ra tay của các chiến sĩ Công an và sự cảnh giác đối với người lạ của bà con trong bản.

Đến Pá Ban hôm nay, có dịp xem lại địa thế quả đồi nhiều trống đồng này, chúng tôi mới tiến hành nghiên cứu 12 chiếc trống đào được ở đây, hiện lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Điện Biên. Theo thuật phong thủy, sườn đồi Pá Ban là nơi để mồ mả khá đẹp theo đúng cái mô hình "tả thanh long, hữu bạch hổ", đằng trước lại có "minh đường", nghĩa là đặt người chết tựa lưng vào sườn núi, bên trái có rồng xanh, bên phải có hổ trắng là những gò đống hay núi non ở cạnh, trước mặt lại có nguồn nước chảy như suối, sông.

Cái thế đặt mồ mả này còn gặp ở khu mộ Làng Vạc (huyện miền núi Nghĩa Đàn, Nghệ An) nổi tiếng thời văn hóa Đông Sơn, cũng có mộ chôn theo trống đồng. Xem ra, các khu mộ nổi tiếng thời cổ đại ở ta cũng đều có quy luật tựa núi, nhìn sông như vậy, không rõ có phải là đã thuộc làu thuật phong thủy hay chỉ là kinh nghiệm mà thôi.

Những chiếc trống đồng ở đây thuộc loại khác và cũng thuộc thời gian khác với những trống ở Làng Vạc (dạng trống Đông Sơn hay còn gọi là trống loại I Hê gơ, niên đại cách đây khoảng hơn 2.000 năm). Trống đồng ở đây là loại II Hê gơ, mà xưa nay vẫn được mệnh danh là trống Mường, vì người Mường vẫn sử dụng, có niên đại từ cách đây gần 2.000 năm (kéo dài từ 500-600 năm), tùy theo nhóm trống.

Trống đồng ở Pá Ban vẫn giữ được những nét hoa văn của trống Đông Sơn, như một sự chứng minh dạng trống này bắt nguồn từ trống đồng Đông Sơn, có hoa văn ngôi sao nhiều cánh, vòng tròn đồng tâm, gạch ngắn song song, hình chim và người múa hóa trang cách điệu. Tuy vậy, nhóm trống ở đây đã mang những yếu tố của trống đồng loại II Hê gơ, như đã xuất hiện hoa văn tam giác ở chân, hoa văn ô trám...

Bên cạnh những yếu tố bảo lưu của trống Đông Sơn, trống ở Pá Ban còn có những yếu tố chuyển tiếp sang trống đồng loại III Hê gơ nữa. 12 chiếc trống đào được từ lòng đất đồi Pá Ban là bộ sưu tập rất có giá trị, không chỉ về mặt cổ vật với các đường nét hoa văn thẩm mỹ, mà còn giúp các nhà khoa học dựng lại bức tranh thời cổ ít người biết đến ở một vùng Tây Bắc biên cương Tổ quốc.

Trước tiên, các trống đồng ở đây cùng một nhóm và thuộc loại II Hê gơ sớm, có niên đại vào khoảng nửa đầu Thiên niên kỷ I sau Công nguyên, tức là bối cảnh nước ta trong thời Bắc thuộc. Sự tiếp nối liền mạch của trống loại này so với trống đồng Đông Sơn của người Lạc Việt, đã chứng tỏ khi Mã Viện quyết tâm diệt trừ trống Đông Sơn mà sách Hậu Hán Thư còn ghi lại: Thu hết trống đồng để đúc ngựa đồng và cột đồng Mã Viện, thì có một bộ phận người Việt ở miền núi vẫn đúc trống đồng, chỉ chuyển sang dạng trống khác, kế thừa mà thôi.

Như thế là người Việt vẫn đúc trống, sử dụng ở các cộng đồng miền núi. Cuộc "đồng hóa" về mặt văn hóa thông qua trống đồng khá khốc liệt, nhưng sự chống đồng hóa văn hóa phương Bắc cũng mãnh liệt không kém. Để rồi, sức đề kháng mạnh hơn và sau ngàn năm Bắc thuộc, ta lại là ta, duy nhất trong khối Bách Việt, người Lạc Việt vẫn không bị mất căn cước.

Chủ nhân trống Pá Ban là tộc người nào? Cũng khó đoán định là Mường hay Thái, nhưng chắc chắn là người bản địa hậu duệ của cư dân Đông Sơn. Mà cư dân Đông Sơn đã xây dựng nên Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, ắt hẳn là Nhà nước đa dân tộc, cùng xây dựng đại gia đình các dân tộc Việt Nam sau này. Một số trống đồng Pá Ban còn mang yếu tố chuyển hóa sang trống đồng loại III, là căn cứ khoa học lý thú để có thể nói rằng, ngay trống đồng loại III xưa nay có nhiều ở vùng Bắc Thái Lan, Miến Điện cũng có thể có nguồn gốc từ những trống dạng Pá Ban, là trống có niên đại sớm hơn, lại được chôn ngay trong lòng đất.

Để giải mã bức tranh nguồn gốc các tộc người vùng Tây Bắc, còn phải cần nhiều nguồn tư liệu hơn nữa. Nhưng với sưu tập khá nhiều trống ở Pá Ban đã cho thấy, mảnh đất Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung, là vùng mà người Đông Sơn đã cư trú lâu dài suốt từ cách đây 2.000 năm; mảnh đất mà theo thư tịch và truyền thuyết kể lại, đã thuộc vào bộ Tân Hưng của thời Hùng Vương.

Sau đó, mảnh đất này liên tục là một bộ phận không thể tách rời trong thời Lý (thuộc đạo Lâm Tây), thời Trần (thuộc đạo Đà Giang) cho đến thời Nguyễn thì thuộc tỉnh Hưng Hóa.

PGS. TS Trịnh Sinh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giai-ma-kho-trong-dong-co-o-doi-pa-ban/