Giải mã kho báu trấn yểm bằng hai tượng người trong lăng mộ Đệ tam phú hào Sài Gòn

Lo sợ mộ phần của tổ tiên bị xâm phạm, con cháu họ Lý phải di dời của cải tùy táng, đồng thời dựng hàng rào kiên cố bảo vệ lăng mộ.

Phong thủy độc đáo của lăng mộ đệ tam phú hào

Thời đại ngày nay, có quá nhiều người giàu có nổi lên như diều và được gắn cho danh hiệu “đại gia”. Tuy nhiên, khoảng trăm năm trước, chỉ có 4 người giàu có thực sự được dân gian ngưỡng mộ, một trong số đó là bá hộ Xường. Bá hộ Xường tên thật là Lý Tường Quan, sinh năm 1842, mất năm 1896. Do ông còn có tên là Xường, lại rất giàu có nên người ta còn gọi là Bá hộ Xường hay Hộ Xường.

Ở thời kỳ đầu Pháp đến chiếm đóng Việt Nam, trong dân gian có câu: Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa. Nói về tài sản của bá hộ Xường, sử sách công nhận rằng khu Chợ Lớn trước đây phân nửa nhà đất là của bá hộ Xường. Đó là chưa kể một số khu vực kế cận như quận Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, quận 4 ngày nay…

Nếu chú Hỏa, người giàu thứ 4 có khoảng 20.000 căn nhà ở Sài Gòn thì bá hộ Xường đứng thứ 3 thì số nhà đất phải hơn nhiều. Ngoài ra, bá hộ Xường còn nắm đế chế buôn bán thực phẩm và phân phối hàng hóa khắp miền Lục tỉnh.

Với điều kiện kinh tế khủng khiếp như vậy, bá hộ Xường hoàn toàn có thể lựa chọn vị trí an táng cho xứng đáng với vị thế của bản thân. Tuy nhiên, tìm đến lăng mộ của ông hiện nay, sẽ thấy nó lọt thỏm trong khu dân cư của phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú, TP.HCM), phía trước là con đường ngoằn ngoèo chỉ rộng hơn một mét, bốn bề bị vây kín bởi nhà dân.

Trò chuyện với PV, một nhà phong thủy chuyên nghiên cứu mộ cổ cung cấp: “Không thể căn cứ vào tình hình hiện nay để đánh giá sự lựa chọn nơi an táng của bá hộ Xường. Thực ra, khu đất tại đường Phú Thọ Hòa xưa kia chính là trang viên rộng lớn của họ Lý, đã được đích thân bá hộ Xường và các nhà phong thủy gốc Trung Quốc lựa chọn cẩn thận.

Tượng đá đứng hầu cho giấc ngàn thu của vị đệ tam phú hộ

Trăm năm trước, khu đất đó còn hoang vu, cây cối rậm rạp chứ không phải sầm uất, đô hộ như bây giờ. Phía trước lăng mộ, nhà phong thủy cho đào hồ nhằm sinh tụ khí, phía sau dựa núi để tạo nên thế tựa sơn. Đây là bố cục rất đẹp. Cứ như câu đối ở cửa lăng mộ cũng nói lên điều đó. Đọc ra là: Lục thủy nhiểu bình dương, thanh long uy chánh huyệt/Hòa phong thông bá đạo, bạch hổ hộ minh đường (tạm dịch: “Nước biếc uốn quanh đất phẳng, uy lực rồng xanh ứng vào chánh huyệt. Gió lành thông trăm nẻo, khí thiêng cọp trắng hộ trì minh đường”).

Theo quan sát, lăng mộ của bá hộ Xường mang nhiều nét độc đáo của kiến trúc cổ Trung Hoa: có nhà mồ (nhà mái che), mặt tiền nhà mồ có cửa vòm chính giữa, trên vòm cửa có chữ Lý (Hán tự, chỉ họ Lý) hai bên trang trí dây leo hoa lá, trái quả … Mộ bằng đá xanh hình chữ nhật 3,4×2,2m, dày 0,3m, nhô cao 0,8m.

Đặc biệt, một điều khiến ai cũng phải giật mình là đứng trước mộ là 2 tượng người bằng đá, một nam một nữ cực kỳ sống động đến lạnh cả lưng, người nam mang tên là Lương Phước Thắng, người nữ là Kiều Thoại Hương. Tượng người đàn ông có vóc dáng khá lực lưỡng, mặc áo dài, đầu đội nón, chân đi giày, hai tay nâng một chiếc hộp.

Đối diện là tượng người đàn bà có nét mặt nhu mì, đầu trần tóc búi, mặc áo dài, chân đi hài, hai tay nâng tách nước. Hai bức tượng đá lại được bôi sơn đỏ chót vào môi, miệng mang lại cảm giác ma mị. Có lời đồn rằng hai pho tượng này chính là vật để trấn yểm cho linh cữu nằm trong quan tài đá. Tuy nhiên, hậu duệ của bá hộ Xường phủ nhận điều này.

Anh Lý Thanh Liêm (hậu duệ đời thứ 5 của bá hộ Xường) cho biết ngay cả những người trong dòng họ hiện nay cũng không xác định được thân thế của 2 nhân vật được tạc tượng hầu hai bên mộ cụ Lý Tường Quan, chỉ đoán họ là những gia nhân có thật của cụ thuở sinh thời.

Có hay không việc tìm thấy nhiều vật báu?

Đối với các ngôi mộ của giới quyền quý, giàu có xưa kia, việc chôn theo của cải như một phần của đồ tùy táng rất thường xảy ra. Chính vì đó, hàng trăm năm qua, luôn tồn tại câu hỏi: “Có lẽ nào, một người giàu nứt đố đổ vách, vang danh toàn miền Nam như bá hộ Xường lại không đem theo vật gì quý giá lúc qua đời?”.

Người dân sống xung quanh lăng mộ đều tỏ lòng kính trọng bá hộ Xường

Ngay cả nhà phong thủy đam mê mộ cổ mà PV đã nhắc ở trên cũng có chung thắc mắc như vậy. Ông này giải thích: “Tôi từng tham gia vào nhiều đoàn khảo cổ khai quật các ngôi mộ Hán. Ít nhiều đều có dấu tích của các đồ tùy táng giá trị cao. Song, trên thực tế, các đoàn khảo cổ hầu như không chạm được vào các đồ vật này, bởi bọn trộm mộ đều đã nẫng tay trên. Thậm chí, có trường hợp, khi đoàn khảo cổ tới nơi, thi hài của người quá cố đã bị quật lên vất vưởng với mưa nắng, trong khi đồ vật chẳng còn xót lại chút nào.

Quay lại với ngôi mộ của bá hộ Xường. Thực ra, bản thân tôi đã nhiều lần qua lại chỗ khu lăng mộ để nghe ngóng động tĩnh. Tôi được biết, khoảng hơn chục năm trước đã xuất hiện thông tin rằng trong mộ có của cải. Lúc bấy giờ xung quanh lăng mộ chưa có hàng rào sắt, một số thanh niên không biết sợ hãi thường ngủ trưa ở ngay bên cạnh ngôi mộ. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, anh ta mơ thấy đang nằm cạnh kho báu.

Khi tỉnh dậy, anh ta mới suy đoán rằng trong mộ ắt chứa vàng bạc gì đó vì bá hộ Xường nổi tiếng giàu có. Vì thế, anh ta định đánh cắp đồ quý trong mộ. Câu chuyện về sau có nhiều dị bản, người thì kể rằng anh thanh niên đã kiếm được không ít của nả và trở nên giàu có, người thì lại bảo anh ta phạm phải trấn yểm của chủ nhân ngôi mộ nên chết bất đắc kỳ tử. Chẳng biết thế nào mà lần!”.

Câu chuyện về anh thanh niên mơ thấy kho báu có thể chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, song, nó lại thu hút nhiều kẻ hiếu kỳ. Qua tìm hiểu một số người sống lâu năm quanh lăng mộ bá hộ Xường, có thời gian, rất nhiều kẻ lạ mặt lảng vảng quanh khu lăng mộ. Bọn chúng thậm chí còn mang theo máy dò kim loại, lấy lý do tìm đồng nát hoặc rà phá bom mìn, nhằm xác định xem bên dưới quan tài bằng đá có báu vật hay không.

Sự có mặt của đám người này gây xôn xao ở địa phương và đến tai con cháu của bá hộ Xường (hiện tại, con cháu của vị phú hào này chủ yếu định cư tại nước ngoài, chỉ về thắp hương vào dịp giỗ, Tết). Đây có thể là một phần nguyên nhân khiến họ quyết định dựng hàng rào sắt nhọn cao vút xung quanh khu lăng mộ, ngăn cản bất cứ sự xâm nhập nào. Vì thế, dù đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố, khu lăng mộ này luôn đóng chặt cửa, khách hiếu kỳ chỉ có thể đứng ngoài chiêm ngưỡng.

Mang chuyện trên hỏi vị trưởng khu phố, vị này cực lực phủ nhận: “Tui sống ở đây từ năm 1994, tức là quá 20 năm rồi, tình hình trị an ở đây rất tốt. Toàn bộ khu này xưa kia thuộc về bá hộ Xường, nên người dân cũng rất tôn kính khu lăng mộ, không ai có ý định này nọ gì hết. Mọi thứ bình thường thôi”.

Sơn Hoài/HNPL

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/giai-ma-kho-bau-tran-yem-bang-hai-tuong-nguoi-trong-lang-mo-de-tam-phu-hao-sai-gon-51954.htm