Giải mã hội chứng 'trái tim tan vỡ'

'Trái tim tan vỡ' (Broken heart syndrome) không chỉ là phép ẩn trong về một câu chuyện tình dang dở, mang theo những khổ lụy. Đây còn là một chẩn đoán y khoa, gọi là stress cơ tim, hoặc bệnh cơ tim takotsubo.

Bệnh được coi là hiếm và do đó không được nghiên cứu đầy đủ. Mặc dù nhiều chuyên gia có xu hướng tin rằng hội chứng xảy ra thường xuyên hơn nhiều so với chẩn đoán, các triệu chứng thường bị nhầm lẫn với các dấu hiệu của bệnh lý tim mạch khác.

Hội chứng Broken heart syndrome còn được gọi là bệnh lý cơ tim takotsubo do căng thẳng gây ra, còn có tên gọi khác là hội chứng phình dãn đỉnh tim thoáng qua và bệnh cơ tim takotsubo. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Broken heart syndrome thường do phải đối diện với những tình huống căng thẳng. Chẳng hạn như mất mát người thân hay các yếu tố gây căng thẳng về thể chất như mắc bệnh nặng hoặc trải qua phẫu thuật.

Nguyên nhân của hội chứng Broken heart syndrome thường không rõ ràng. Các chuyên gia y tế cho rằng đó là cách tim phản ứng với sự gia tăng đột ngột các hóc môn gây căng thẳng như adrenalin, có thể gây mất chức năng tạm thời. Sự co thắt tạm thời của các động mạch cung cấp cho tim có thể là một trong số những nguyên nhân gây bệnh. Trong một vài trường hợp hiếm xảy ra, một số thuốc chữa bệnh có thể làm cho hội chứng Broken heart syndrome gia tăng các hóc môn gây căng thẳng.

Khác biệt giữa hội chứng Broken heart syndrome và đau tim

Một cơn đau tim xảy ra khi một động mạch vành gần như hoặc tắc nghẽn hoàn toàn, do sự hình thành cục máu đông trong thành động mạch. Một người mắc hội chứng Broken heart syndrome thường có biểu hiện giống như một cơn đau tim, kèm theo các triệu chứng thông thường như đau ngực đột ngột, khó thở và nhịp tim tăng nhanh hoặc không đều. Triệu chứng của Broken heart syndrome có thể giống với một cơn đau tim, nhưng cơ tim không bị tổn thương và động mạch vành không bị tắc nghẽn, dù lượng máu chảy qua các động mạch có thể hạn chế.

Mối liên quan giữa hội chứng Broken heart syndrome và ung thư

Các chuyên gia y tế đã khám phá mối liên quan giữa hội chứng Broken heart syndrome, và nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trên thế giới, đó là bệnh ung thư. Phát hiện còn cho thấy, cứ 1 trong 6 người mắc hội chứng Broken heart syndrome bị bệnh ung thư, sẽ giảm tỉ lệ sống trong 5 năm, sau khi mắc bệnh. Trước đây, Broken heart syndrome được xem là có liên quan đến chấn thương về thể chất hoặc tâm lý. Nhưng nghiên cứu mới được thực hiện ở 26 trung tâm y khoa cho thấy những nguyên nhân kể trên có thể không phải là tác nhân duy nhất. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục nhất từ trước đến nay về mối liên quan giữa hội chứng này và bệnh ung thư.

Theo các chuyên gia y tế, người mắc hội chứng Broken heart syndrome sẽ được hưởng lợi, nếu được sàng lọc ung thư, để tăng cơ hội sống sót. Về phương diện chuyên khoa ung thư và huyết học, thì Broken heart syndrome cần được xem xét ở những bệnh nhân, được chẩn đoán hoặc điều trị ung thư bị đau ngực, khó thở hoặc có những bất thường trên điện tâm đồ.

Có thể ngăn ngừa hội chứng Broken Heart syndrome?

Mặc dù không có cách nào để ngăn chặn hội chứng Broken heart syndrome xảy ra, nhưng bác sĩ chuyên môn khuyên bệnh nhân nên tiếp tục điều trị bằng thuốc, để ngăn chặn những tác động tiềm ẩn của hóc môn gây căng thẳng, có thể làm ảnh hưởng đến tim. Ngoài ra, việc kiểm soát căng thẳng trong cuộc sống cũng có thể giúp ngăn ngừa hội chứng này phát sinh, tuy chưa có bằng chứng nào chứng minh được điều này.

Các yếu tố tiềm ẩn khác của Broken heart syndrome gồm có:

- Khi nhận được một chẩn đoán y tế đáng lo ngại.

- Có tổn thất hay lo toan đáng kể về tài chính.

- Mất việc làm.

- Khi xuất hiện trước đám đông.

- Gia đình ly tán, vợ chồng ly hôn.

CA DAO

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giai-ma-hoi-chung-trai-tim-tan-vo-n187597.html