Giải mã hiện tượng tài xế bỏ trốn khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn

Theo quy định của pháp luật, bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Thời gian gần đây trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn kinh hoàng gây chấn động xã hội. Một trong những điều gây bất bình hơn là sau khi xảy ra sự cố, các cá nhân có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn lại có những hành động trốn tránh trách nhiệm. Hành vi này khá phổ biến đối với các trường hợp có liên quan đến các xe ô tô đặc biệt là xe cá nhân, khi các tài xế dù không bị thương nghiêm trọng nhưng vẫn cố tình rời khỏi hiện trường vụ án mà không thông báo cho lực lượng chức năng.

PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tội phạm học, chuyên gia pháp lý về hiện tượng này.

Tâm lý của tài xế sau khi gây tai nạn

Dưới góc độ nhà nghiên cứu, Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học (bộ Công an) nhìn nhận: “Trên thực tế, không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khi người bị nạn đang cần sự giúp đỡ thì tài xế lại nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Điều này phản ánh một thực trạng đáng báo động về đạo đức, lối sống của nhiều lái xe. Đành rằng tai nạn là điều chẳng ai mong muốn, nhưng nếu như các lái xe gây tai nạn biết dừng lại, cấp cứu các nạn nhân thì có lẽ nạn nhân lại không tử vong; Hoặc chí ít cũng khiến cho nạn nhân, gia đình họ giảm đi phần nào nỗi đau”.

Trung tá Đào trung Hiếu

Trung tá Đào trung Hiếu

Vị Trung tá lý giải tâm lý của các tài xế sau khi gây ra những vụ tai nạn, thường có các phản ứng: Hoảng sợ, vì đều nhận thấy lỗi hoặc trách nhiệm của bản thân trong việc gây tai nạn, lo sợ bị xử lý theo quy định của pháp luật, lo sợ bị hành hung, đập phá tài sản bởi người đi đường, lo sợ trách nhiệm bồi thường thiệt hại với nạn nhân.

Tài xế bối rối, luống cuống, rụng rời... nhất là trước hậu quả tai nạn nghiêm trọng làm chết người. Tại thời điểm phát hiện mình đã gây tai nạn, khả năng kiểm soát, điều chỉnh hành vi xuống mức thấp nhất, lái xe có thể có những phản ứng vô thức, thiếu chính xác như tăng ga chạy, tiếp tục gây tai nạn. Muốn thoát khỏi rắc rối do mình gây ra, muốn trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật, trốn tránh trách nhiệm bồi thường dân sự.

Với những lái xe trong tình trạng say rượu bia, chất kích thích dẫn đến không làm chủ tốc độ, vi phạm luật Giao thông, vượt đèn đỏ gây tai nạn... họ biết rõ chế tài xử lý của pháp luật đối với lỗi của mình rất nghiêm khắc nên thường nảy ra ý định trốn tránh trách nhiệm bằng các hành động như bỏ trốn ngay khi gây tai nạn; sau khi thoát ly hiện trường rồi thường tìm cách xóa dấu vết (như bí mật sửa chữa, sơn lại xe, cất giấu phương tiện...).

Được rời khỏi hiện trường trong 3 trường hợp

Việc tài xế trốn tránh trách nhiệm không đến trình diện lực lượng chức năng sẽ phải đối mặt với những hình thức xử phạt theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật cũng cho phép tài xế được rời khỏi hiện trường trong 3 trường hợp.

Trung tá Đào Trung Hiếu chỉ rõ: Khoản 1, Điều 38, luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Sau khi xảy ra tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

“Như vậy, tài xế chỉ được rời khỏi hiện trường tai nạn giao thông khi bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng. Còn những trường hợp khác, hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc xe container đâm hàng loạt xe máy tại Long An làm 22 người thương vong. Đáng nói, tài xế bỏ trốn trước khi ra cơ quan công an trình diện.

Đối với những trường hợp gây tai nạn rồi bỏ trốn, tùy loại phương tiện điều khiển mà có mức xử phạt khác nhau theo Nghị định 46/2016/ NĐ-CP”, Trung tá Đào Trung Hiếu cho hay.

“Bản thân tôi cho rằng cần phải xử lý nghiêm khắc những hành vi, lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy nhằm rũ bỏ trách nhiệm, không cần biết nạn nhân sống chết ra sao. Đặc biệt, đối với những trường hợp sau khi biết gây tai nạn, cố tình cho xe lùi lại cán nạn nhân, hoặc tiếp tục phóng xe với tốc độ cao dù biết phía trước có nhiều người đang tham gia giao thông... Những hành vi này cần phải xem xét về tội Giết người, hoặc cố ý gây thương tích, tùy theo tính chất và mức độ của hậu quả”, chuyên gia tội phạm học nêu quan điểm.

Cùng đánh giá về vấn đề này, luật sư Nghiêm Quang Vinh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, ngoài các mức phạt hành chính, người gây ra tai nạn mà bỏ trốn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, người gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì sẽ bị phạt từ 3-10 năm.

Luật sư Vinh cho rằng, nếu sau khi điều tra hành vi không cấu thành hình sự thì người điều khiển phương tiện xe ô tô cũng có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với các lỗi tương đương với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc chứng minh lỗi “hành vi” phụ thuộc quá trình điều tra vụ việc, cơ quan chức năng cần phải làm rõ yếu tố lỗi này để có căn cứ xử lý người vi phạm, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan, sai người vi phạm.

Luật sư Vinh nhấn mạnh: “Trước thực trạng bỏ mặc nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, nhiều người cho rằng, để giảm những tình huống lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn khỏi hiện trường, trốn tránh trách nhiệm thì việc giáo dục và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, khi ý thức chưa cao thì biện pháp xử phạt nặng, phạt nghiêm làm gương là điều hết sức cần thiết để răn đe và giáo dục”.

Bá Di

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 9

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/giai-ma-hien-tuong-tai-xe-bo-tron-khoi-hien-truong-sau-khi-gay-tai-nan-a259532.html