Giải mã hiện tượng mờ đi của sao Betelgeuse

Các nhà thiên văn học cho biết, đã khép lại quá trình tìm hiểu về tình trạng mờ đi một cách bí ẩn của ngôi sao siêu khổng lồ Betelgeuse vào năm 2019 - 2020.

Độ sáng của ngôi sao đã trở lại bình thường.

Độ sáng của ngôi sao đã trở lại bình thường.

Một nghiên cứu mới cho biết, hiện tượng này xuất hiện do sự kết hợp của nhiệt độ giảm và đám mây bụi lớn.

Betelgeuse là một ngôi sao sáng màu cam cách Trái đất 700 năm ánh sáng. Đây là một trong những ngôi sao sáng nhất có thể nhìn thấy từ hành tinh của chúng ta. Từ cuối năm 2019, độ sáng của ngôi sao chỉ còn 2/3 so với thông thường.

Hiện tượng này làm dấy lên suy đoán rằng, nó sắp phát nổ trong một siêu tân tinh. Song, vào tháng 4/2020, mức sáng của Betelgeuse đã trở lại bình thường.

Thời điểm đó, nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng này không được làm rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, đó là do một đám mây bụi chắn ánh sáng, hoặc vết sao làm mờ bề mặt. Giờ đây, các nhà thiên văn học từ Trung tâm Vật lý Thiên văn đã phân tích hình ảnh của ngôi sao và kết luận rằng, nguyên nhân xuất phát từ cả hai yếu tố.

Nhóm nghiên cứu đã ghi lại hình ảnh được chụp bởi Đài quan sát Very Large vào tháng 1 và tháng 3/ 2020. Họ so sánh với những hình ảnh khác được chụp vào tháng 1 và tháng 12/2019. Từ đó, các nhà nghiên cứu giải thích, trước khi mờ đi, Betelgeuse đã giải phóng một lượng khí lớn.

Ngay sau đó, một vết sao bắt đầu hình thành trên bề mặt, làm mát khu vực. Quá trình làm mát đó khiến các nguyên tố nặng hơn như silicon ngưng tụ thành bụi. Sự kết hợp của bụi và vết sao sẽ gây ra hiện tượng mờ.

Các quan sát phù hợp với nghiên cứu trước đó. Các nhà thiên văn đã phát hiện một đám vật chất nóng, dày đặc di chuyển với tốc độ khoảng 322.000 km/h sau khi bị đẩy ra khỏi bề mặt của Betelgeuse. Hiện tượng này xảy ra một vài tháng trước khi ngôi sao mờ đi.

Andrea Dupree - tác giả của nghiên cứu cho biết: “Với Hubble, chúng tôi có thể nhìn thấy vật chất rời khỏi bề mặt ngôi sao. Sau đó, vật chất di chuyển ra ngoài bầu khí quyển, trước khi bụi hình thành khiến ngôi sao có vẻ mờ đi”.

Một nghiên cứu khác gần đây đã đưa ra một lời giải thích khi ngôi sao mờ đi vào giữa năm 2020. Lần này, nhóm nghiên cứu cho biết, các sóng áp suất trên bề mặt có thể đã tạo ra các xung làm mờ Betelgeuse. Mô hình này cũng cho thấy, Betelgeuse nhỏ hơn, nhưng gần Trái đất hơn chúng ta tưởng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/giai-ma-hien-tuong-mo-di-cua-sao-betelgeuse-w0mf8ag7R.html