Giải mã hiện tượng bóng đè và ác mộng

Bóng đè là một cơn ác mộng (nightmare). Xét về mặt bản chất, đó là một giấc mơ. Những người sức khỏe yếu, đang bệnh hoặc nằm ngủ không đúng tư thế thường dễ bị bóng đè hơn những người bình thường khác.

Để tránh những cơn mơ nói chung và bóng đè nói riêng cần phải có một chế độ sinh hoạt, học tập, lao động và nghỉ ngơi hợp lý.

Lý thuyết về giấc mơ và ác mộng

Bộ não của con người vô cùng tinh vi và phức tạp. Những cơn mơ và ác mộng diễn ra trong lúc ngủ với các tế bào thần kinh trong trạng thái nửa thức, nửa ngủ khiến cho sự việc diễn ra vừa hư, vừa thực, vừa ảo diệu, vừa đời thường.

Các nhà nghiên cứu từng đưa ra nhiều lý thuyết và bàn luận sôi nổi nhằm giải mã những bí ẩn của giấc mơ và ác mộng.

Lý thuyết lấp đầy sự mong ước: Sigmund Freud (1856 - 1939), một bác sĩ thần kinh và tâm lý người Áo - cha đẻ của ngành Phân tâm học đã đưa ra lý thuyết “lấp đầy sự mong ước” về hiện thực hóa sự mong muốn chưa thành của con người trong giấc mơ. Đầu thế kỷ thứ XX, lý thuyết này là thành quả đầu tiên về nghiên cứu giấc mơ và tạo ra tiếng vang lớn trên thế giới.

Theo lý thuyết “lấp đầy sự mong ước” của Sigmund Freud, những gì khi thức người ta mong muốn không thể đạt được, chẳng hạn như thi đỗ, làm quan thì trong giấc mơ người ta thấy mình thi đỗ và làm quan. Hoặc, một người có mâu thuẫn với ai đó, trong cơn ác mộng họ “xóa bỏ” hình ảnh của đối phương một cách dễ dàng, như là thấy “đối thủ” của mình… chết. Đó chính là sự lấp đầy mong ước!

Lý thuyết quên và nhớ: Khi nghiên cứu giấc mơ, các nhà chuyên môn đã xây dựng hai hệ thống lý thuyết trái ngược nhau là “quên” và “nhớ”. Khi gộp chung lại, chúng tạo ra một hệ thống lý thuyết mới khá bao quát và đầy đủ trong việc giải mã nguyên nhân của giấc mơ.

Lý thuyết “quên” cho rằng, giấc mơ lúc ngủ giúp cho não bộ thoát khỏi những ảnh hưởng không mong muốn được hình thành lúc thức.

Ngược lại, lý thuyết “nhớ” cho rằng, giấc mơ giúp củng cố trí nhớ những gì đã trải qua lúc thức, qua việc tái hiện những gì đã gặp trong lúc thức trong cơn mơ. Nếu điều khủng khiếp cứ tái diễn trong giác mơ thì đó chính là sự ám ảnh khó phai mờ.

Lý thuyết giả chết: Một số nhà nghiên cứu cho rằng, giấc mơ là sự tiến hóa của cơ chế “giả chết” ở động vật, vốn được cho là tổ tiên của loài người. Khi tính mạng bi đe dọa, các loài động vật thường có phản ứng tự vệ như bỏ chạy, xù lông, gầm gừ chiến đấu và thậm chí là… “giả chết” để đối phương không còn chú ý đến nữa. Lúc đó, bộ não vẫn tỉnh táo, hoạt động của tế bào não vẫn bình thường tiết ra chất dẫn truyền thần kinh có tên gọi là dopamine. Trong giấc mơ, bộ não người cũng tiết ra chất này. Chính dopamine tạo ra các xung động thần kinh và kích thích lấp đầy tâm trí con người trong giấc mơ.

Lý thuyết tái cấu trúc sự đau buồn: Ai đó gặp sự cố đau buồn và muốn quên, nhưng không thể nào quên được. Trong giấc mơ, bộ não sẽ tái cấu trúc bằng cách áp đặt một trải nghiệm mới thay thế cho trải nghiệm cũ.

Chẳng hạn, một người gặp chuyện tình duyên “bế tắc”, trong mơ thấy mình lạc vào đường hầm không lối thoát. Tuy cả hai đều mang lại tâm trạng “bế tắc”, nhưng sự “bế tắc” này làm giảm áp lực của sự “bế tắc” kia. Nhờ vậy, mà con người giảm bớt sự đau khổ và dằn vặt.

Khi cuộc sống càng có nhiều vấn đề và cảm xúc, giấc mơ xảy ra càng nhiều, với nội dung phong phú và phức tạp hơn. Phải chăng đây là sự đột biến và tiến hóa của loài người giúp xoa dịu nỗi đau về tinh thần trong xã hội vốn ngày càng trở nên căng thẳng, bộn bề và phức tạp.

Góc độ khoa học và tâm linh

Một điều, không thể bác bỏ là có những giấc mơ dẫn dắt con người đến những điều diễn ra thật như… mơ! Đó là sự trùng lặp ngẫu nhiên hay là điều bí ẩn của giấc mơ còn nằm trong vùng tối của tâm linh vượt qua sự hiểu biết của khoa học hiện tại?

Chưa ai đưa ra đầy đủ căn cứ để có thể kết luận một cách rõ ràng. Nên những bí ẩn từng có của giấc mơ vẫn còn và vẫn luôn là điều bí ẩn. Nó dẫn dắt con người ta vào cõi tâm linh trái ngược với sự giải mã của khoa học. Đó chính là đất sống của các nhà chiêm tinh giải mã những giấc mơ.
Mơ thấy… đám ma: Mơ thấy đám ma là điềm lành hay dữ? Có những người nằm ngủ mơ thấy đám ma của người khác và thậm chí là đám ma của… chính mình.

Mặc dù, những người “chết ảo” trong giấc mơ vẫn đang sống hoàn toàn khỏe mạnh. Xét cho cùng, rồi ai cũng già và chết. Nên đám ma là một sự kết thúc tất yếu, hợp lý. Con người ta không tránh khỏi khát vọng sống, vươn lên và có những lúc sợ già, sợ bệnh tật, tai nạn và sợ… chết.

Giấc mơ “gặp” đám ma của ai đó hoặc chính mình là sự thừa nhận những cảm xúc bị dồn nén trong khi thức và òa vỡ trong giấc mơ. Nghĩa là điều không thể xảy ra trong khi thức lại có thể xảy ra trong giấc mơ. Nên giấc mơ gặp đám ma không là điềm dữ, trừ khi con người bị ám ảnh bởi cái chết do bệnh tật đang mắc phải.

Khi đó, giấc mơ gặp đám ma sẽ là một gánh nặng về mặt tâm lý, là sự ám ảnh kinh hoàng. Với những người không bị ám ảnh bởi cái chết thì giấc mơ gặp đám ma lại là điềm tốt, bởi nó báo hiệu những uẩn ức, phiền muộn, “bế tắc” trong lòng đang được giải tỏa. Nhờ đó mà công việc làm hoặc học tập sẽ có kết quả tốt hơn.

Giấc mơ tình dục: Nếu thỉnh thoảng xảy ra những giấc mơ tình dục mang tính lành mạnh là điều bình thường và tốt. Nhiều khi đó là biểu hiện tích cực khả năng sáng tạo của con người.

Tuy nhiên, nếu giấc mơ tình dục tái diễn thường xuyên, sẽ gây ra tác động tiêu cực về thể chất cũng như tinh thần. Lúc đó cần xem lại đối tượng xuất hiện trong giấc mơ và tham vấn các chuyên gia hỗ trợ về tâm lý để giải tỏa sự bức xúc về tình dục và tâm trạng đang có.

Giấc mơ xấu, chủ đề không rõ ràng: Những giấc mơ xấu không có chủ đề rõ ràng là điềm báo các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Các nghiên cứu khoa học kết luận, những người có nhịp tim bất thường gặp ác mộng tăng cao gấp 3 lần so với những người có nhịp tim bình thường. Do đó, lời khuyên cần khám di chuyên khoa tim mạch dành cho những ai thường xuyên gặp cơn ác mộng.

Giấc mơ ngăn ngừa rối loạn tâm thần: Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu nhóm đối tượng được cho ngủ 8h/ngày. Nhưng họ bị đánh thức vào giai đoạn đầu của mỗi giấc ngủ. Sau 3 ngày, tất cả những người tham gia đều có chứng ảo giác, khó tập trung và dễ bị kích thích. Đây là dấu hiệu khởi đầu của một chứng rối loạn tâm thần. Do đó, những người ngủ sâu và có những giấc mơ đẹp sẽ ngăn chặn được các chứng rối loạn về tâm thần.

Ác mộng bị phản bội: Đây là cơn ác mộng thường xuyên xuất hiện ở những người không được bạn đời, bạn tình của mình quan tâm đúng mức. Cơn ác mộng này mách bảo cả hai người cần dành nhiều thời gian cho nhau và quan tâm đến nhau nhiều hơn nữa.

Ác mộng lạc đường: Cơn ác mộng này là dấu hiệu cho biết người nằm mộng đang bị lạc mất phương hướng và lý tưởng trong cuộc sống hiện tại. Đây cũng là điềm báo của sự lo sợ mình không phù hợp với môi trường và công việc.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt

Để tránh bị bóng đè hay gặp cơn ác mộng, trước khi ngủ không nên ăn quá no hoặc dùng các chất tác động đến hệ thần kinh như uống rượu, uống cà phê, hút thuốc, không đọc các truyện kinh dị, ma quái.

Phòng ngủ cần thông thoáng, áo quần ngủ mềm mại, rộng rãi. Ngoài ra cũng cần tránh stress và thường xuyên rèn luyện thân thể qua việc chơi các môn thể thao hoặc tập thể dục.

Những người thường bị bóng đè cần đánh giá xem có yếu tố nào liên quan trong các yếu tố nêu trên để tìm cách khắc phục. Làm được như vậy sẽ không bị bóng đè mà trái lại... “đè” bóng để có một giấc ngủ dịu êm, an lành.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/giai-ma-hien-tuong-bong-de-va-ac-mong-ll4x1hxGR.html