Giải mã hai tính năng mới toanh Adaptive Battery và Adaptive Brightness trên Android Pie 9.0

Android Pie 9.0 ra mắt với hàng loạt cải tiến và tính năng mới hấp dẫn người dùng, tuy nhiên ít ai biết đằng sau đó là nhiều cải tiến ngầm được Google dày công nghiên cứu, từng bước giúp hệ điều hành ngày càng hoàn thiện hơn về thời lượng pin và độ sáng màn hình tự động.

Dù có dung lượng pin lớn hơn đối thủ iPhone, nhưng các thiết bị Android vẫn từ lâu "tai tiếng" về thời lượng pin chờ kém, pin tụt nhanh dù thiết bị để không, cùng với đó là chế độ tự động sáng "uống pin như uống nước". Android Pie ra mắt với mục đích loại bỏ hoàn toàn hai vấn đề trên với lần lượt hai tính năng mới: Adaptive Battery và Adaptive Brightness.

Adaptive Battery: Giảm bớt gánh nặng cho CPU tới 5%

Adaptive Battery là tính năng giúp smartphone chạy Android Pie 9.0 tự xác định được ứng dụng nào thường xuyên được sử dụng để luôn lưu trong bộ nhớ, đồng thời lập tức đưa các ứng dụng không thường xuyên dùng tiếp tục “ngủ” sau khi người dùng về màn hình home. Ngắn gọn lại, Android Pie giờ đây sẽ tự thích nghi với thói quen dùng smartphone của chủ nhân sao cho điện thoại chỉ dành pin để chạy những ứng dụng Adaptive Batter cho rằng cần chạy.

Dưới đây là cách Ben Poiesz, Trưởng bộ phận phụ trách tính năng thông minh của Android, giải thích cơ chế của Adaptive Battery:

“Tiếc rằng cho tới tận Android 8.0 Oreo, người dùng vẫn cần phải quan tâm nhiều hơn tới những ứng dụng mình thường dùng hoặc cài đặt trên điện thoại và rằng liệu chúng có ảnh hướng tiêu cực tới thời lượng pin không. Và với Android P, Adaptive Battery ra đời với mục đích cung cấp cho người dùng một cấp độ kiểm soát hoàn toàn tự động và độc lập về cách các ứng dụng chạy ngầm cũng như thói quen tương tác với từng app của người dùng. Tiếp đến là theo dõi cách các ứng dụng vận hành, sau đó tự động đưa ra quyết định thông minh cho từng ứng dụng, chẳng hạn như khi nào cho phép chạy lệnh, khi nào cho phép báo thức, khi nào một ứng dụng được cho phép hoạt động ngầm, liệu một ứng dụng khác có nên được chạy khi điện thoại tắt hay đợi đến khi điện thoại bật hoặc cho đến khi thực sự cần thiết. Để hệ điều hành tự giác đưa ra quyết định không chỉ giảm gánh nặng lên CPU, mà còn làm vơi đi rất nhiều stress cho người dùng vốn trước đây luôn phải để mắt tới thời lượng pin của mình. Đó là mục tiêu tối thượng của Adaptive Battery - mang lại thời lượng pin ổn định cùng sự thanh thản, nhẹ đầu cho người dùng”.

“Thời lượng pin ổn định” không có nghĩa là pin điện thoại sẽ không sụt nhiều suốt một ngày làm việc. Đúng hơn, điều đó đồng nghĩa với việc loại bỏ nỗi lo pin điện thoại cạn sạch pin trong những lúc bạn cần kíp nhất.

“Bạn sẽ chỉ nhớ duy nhất một ngày điện thoại hết sạch pin. Có thể 29 ngày còn lại trong tháng thời lượng pin trên điện thoại hoàn toàn đủ phục vụ đến hết ngày tuy nhiên người dùng sẽ chỉ để tâm đến một ngày tồi tệ duy nhất họ dùng cạn pin điện thoại và ghi nhớ trong đầu rằng “nó có thể hết pin được”. Đó là lý do vì sao Adaptive Battery muốn mang lại sự ổn định về năng lượng tối đa cho từng ứng dụng người dùng cài trên điện thoại, sao cho chúng không thể hoạt động ngầm và sử dụng pin một cách tùy ý”, Poiesz nhấn mạnh.

Adaptive Battery hứa hẹn sẽ cải thiện đáng kể thời lượng pin trên các thiết bị Pixel

Adaptive Battery hứa hẹn sẽ cải thiện đáng kể thời lượng pin trên các thiết bị Pixel

Tại hội thảo I/O hồi đầu năm, con số Google đưa ra là 30% dựa trên kiểm tra nội bộ, tuy nhiên con số chưa thực sự chính xác phần nhiều vì số lượng người dùng thử Android P chưa nhiều. Sau khi bản cập nhật 9.0 của hệ điều hành chính thức tới tay người dùng, Người khổng lồ tìm kiếm mới có thể đưa ra kết luận chính xác hơn nhờ lượng người dùng rộng rãi. Cụ thể, Adaptive Battery sẽ:

- Giảm gánh nặng CPU tổng thể hơn 5% - vốn là nguyên nhân chính gây giảm pin smartphone.

- Giảm hiệu suất làm việc CPU trong từng ứng dụng đơn lẻ hơn 15%.

- Giảm 10% lưu lượng truyền dữ liệu ngầm, với một số ứng dụng con số có thể lên đến 20%.

Được biết, Google đã dày công nghiên cứu tích hợp nhiều ứng dụng đặc biệt của trí tuệ nhân tạo và machine learning để cho ra được Adaptive Battery. Cần nhắc lại đây không phải là một tính năng cũ đã từng xuất hiện trên Android như Doze, Adaptive Battery hoạt động hoàn toàn độc lập trên mỗi thiết bị và tự thích ứng smartphone tùy theo thói quen sử dụng của người dùng. Tuy nhiên, Adaptive Battery không phải thành quả duy nhất trên Android 9.0 của Người khổng lồ Mountain View.

Adaptive Brightness

Người dùng tử nay có thể loại bỏ thêm một mối bận tâm về tự chỉnh độ sáng màn hình nhờ có Adaptive Brightness

Ngoài Adaptive Battery giúp tự động cân bằng hợp lý thời lượng pin, Adaptive Brightness cũng có mặt trên Android Pie giúp người dùng luôn đạt được độ sáng vừa ý khi sử dụng thiết bị mà không cần phải với tay điều chỉnh độ sáng màn hình quá nhiều.

Có thể coi Adaptive Brightness là một chế độ tự động chỉnh sáng màn hình thông minh, có khả năng học thói quen sử dụng màn hình của người dùng, ghi nhớ các thiết lập độ sáng khác nhau trong từng môi trường sáng và sau đó tự động giúp người dùng thay đổi độ sáng màn hình.

“Theo trải nghiệm cá nhân, sẽ mất khoảng 1 tuần để người dùng bắt đầu cảm nhận tính năng hoạt động, và sau đó, tôi không cảm thấy cần thiết phải tự điều chỉnh độ sáng nữa", Poiesz chia sẻ. Mỗi người dùng khác nhau lại có nhiều ưu tiên về độ sáng khác nhau. Chế độ tự động auto brightness trước đây không thực sự lý tưởng, nó không phát hiện được hai môi trường cực đoan như trong đêm tối đen hoặc trực tiếp ngay dưới ánh mặt trời, kết quả là người dùng vẫn phải tự chỉnh độ sáng sao cho hiển thị tốt nhất. Adaptive Brightness có thể tận dụng toàn bộ phần cứng màn hình và chỉnh độ sáng hiệu quả hơn rất nhiều, sau khi nhận đủ dữ liệu từ thói quen và những môi trường sáng người dùng thường hay bật máy, tính năng mới sẽ tối ưu hóa giữa hai điểm cực và tự quyết định liệu sáng thêm bao nhiêu hoặc tối đi bao nhiêu nữa là đủ.

Đây không phải việc dễ thực hiện bởi ngoài tăng độ sáng theo ý muốn người dùng, Google đồng thời còn muốn cải thiện thời lượng pin, một điều rất dễ nhận thấy là chế độ auto brightness hiện tại sẽ khiến pin trên smartphone tụt rất nhanh, và không hề dễ dàng nếu muốn thiết bị liên tục học hỏi độ sáng tối ưu mà vẫn không tổn hại đến thời lượng sử dụng.

Khác với Adaptive Battery, vốn dĩ không yêu cầu người dùng làm gì ngoài việc sử dụng smartphone như bình thường, Adaptive Brightness hiệu quả khi theo dõi thói quen thiết lập độ sáng của người dùng qua thanh trượt điều chỉnh mức sáng. Trên lý thuyết, càng dùng thiết bị lâu, Adaptive Brightness càng học rõ hơn về người dùng và tần suất phải tự chỉnh độ sáng càng giảm bớt.

Tóm gọn lại, thiết lập độ sáng mặc định trên Android Pie sẽ sáng hơn Oreo, và machine learning trên phiên bản Android mới sẽ giúp người dùng chỉnh độ sáng chính xác theo từng môi trường ánh sáng dựa trên thống kế về cài đặt mức sáng cá nhân của người dùng những lần trước đó. Lưu ý đây hoàn toàn có thể trở thành tính năng tiết kiệm pin với một số người dùng vô tư, vốn không quan tâm đến thời lượng pin mà chỉ tiện tay gạt thẳng tay độ sáng tới mức tối đa cả ngày:

“Thông thường, khi phải điều chỉnh độ sáng, rất ít người quan tâm đến mức sáng tối ưu - nhưng machine learning sẽ tìm được điểm tối ưu đó. Mọi người chẳng mấy khi chỉnh màn hình quá tối, nhưng lại rất hay chỉnh màn hình sáng quá mức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh màn hình smartphone ngày càng hoàn thiện và đạt chất lượng hiển thị tuyệt vời”, Poiesz cho biết.

Android 9.0 Pie hiện đã chính thức phát hành và có mặt trên các thiết bị Pixel của Google và Essential Phone, đồng thời dự kiến sẽ sớm được cập nhật trên các smartphone của Sony, Vivo, Oppo, OnePlus trong thời gian tới.

Công Minh (theo Venture Beat)

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/the-gioi-so/di-dong/giai-ma-hai-tinh-nang-moi-toanh-adaptive-battery-va-adaptive-brightness-tren-android-pie-9-0-171848.ict