Giải mã 'đòn room 0%' tại ông lớn xây dựng Vinaconex

Không chỉ gây thất vọng cho Nhà đầu tư khi lợi nhuận 9 tháng sụt giảm trên 40% so với cùng kỳ,Tổng công ty cổ phần Vinaconex (VCG) lại tiếp tục gây bất ngờ khi khóa 'room' ngoại ở mức 0%. Câu hỏi đặt ra, liệu khối ngoại có buộc phải bán ra hơn 48 triệu cổ phiếu VCG đang sở hữu ngay trước thềm Nhà nước thoái toàn bộ vốn tại Vinaconex?

Ngày 9.11, Tổng công ty cổ phần Vinaconex (VCG) đã có văn bản gửi Sở GDCK Hà Nội (HNX), Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo về việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài (SHNN) tối đa tại Vinaconex về 0%.

"Khóa" room ngoại về 0%

Lý giải về động thái khóa room ngoại xuống 0%, trong công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Vinaconex chỉ rõ, theo quy định tại mục c Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP “Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác”.

Hiện tại, trong số 26 mã ngành, nghề đăng ký kinh doanh của Vinaconex theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần đăng ký thay đổi lần thứ 8 ngày 23/10/2015, VCG có 02 ngành nghề bị giới hạn SHNN ở mức 0% gồm: mã ngành 4634 - thuốc lá và mã ngành 7830 - cung ứng & quản lý nguồn lao động.

Do đó, đối chiếu quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP thì tỷ lệ SHNN tối đa tại VCG sẽ là 0% vốn điều lệ (bằng với tỷ lệ SHNN thấp nhất của các ngành nghề doanh nghiệp đăng ký kinh doanh)

Được biết, ngày 22.11 tới, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ bán đấu giá cả lô gần 255 triệu cổ phần (tỉ lệ 57,71% vốn) tại Vinaconex. Song song, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng bán đấu giá trọn lô hơn 94 triệu cp VCG.

Vinconex thực hiện chốt room ngoại theo yêu cầu của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trước thoái vốn.

Văn bản VCG gửi HNX và VSD

Hiện tại, khối ngoại đang nắm giữ khoảng 11% cổ phần Vinaconex, tương ứng hơn 48 triệu cổ phiếu. Trong đó, Pyn Elite Fund là cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ hơn 31 triệu cổ phiếu VCG (7,1%), ngoài ra, VNM ETF cũng nắm giữ khoảng 7,5 triệu cổ phiếu VCG.

Theo giới chứng khoán, động thái khóa room về 0% của Vinaconex sẽ khiến cho nhà đầu tư nước ngoài không được tăng sở hữu tại VCG

Giới nghiên cứu chứng khoán cho rằng “Trong trường hợp này, việc thay đổi room theo sự thay đổi của pháp luật. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) sẽ bị kẹt, bởi ngay sau khi có thông tin công bố NĐTNN sẽ không được phép mua trên sàn cũng như là tham gia đấu giá khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn tại doanh nghiệp này để tăng sở hữu tại Vinaconex. Tuy nhiên, NĐTNN không nhất thiết phải bán ngay số cổ phiếu VCG mà NĐTNN đang nắm giữ"

“Chẳng có quy định nào là cưỡng ép họ phải bán cả. Đây là quyền sở hữu của người ta, như kiểu Việt Nam cam kết không quốc hữu hóa thì dù thay đổi luật nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho NĐT. Như thế làm sao cưỡng ép NĐT phải bán được” vị này nhấn mạnh.

Theo ghi nhận báo cáo tài chính của Vinaconex, 2 ngành nghề có SHNN 0% hiện tại không có doanh thu. Được biết, hoạt động kinh doanh liên quan đến 2 ngành nghề này tại Vinaconex hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Trước thực tiễn thoái vốn đang được đẩy nhanh tại doanh nghiệp này, trong thời gian tới nên chăngVinaconex xin ý kiến cổ đông rút bỏ 2 loại ngành nghề này ra khỏi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. 1 khi được chấp thuận, mức SHNN tai Vinaconex sẽ quay trở về mức 49%.

9 tháng, lợi nhuận sau thuế giảm gần 1 nửa so với cùng kỳ

Theo báo cáo tài chính quý III.2018 do Vinaconex mới công bố, doanh thu và lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm của Tổng công ty đều sụt giảm.

Doanh thu bán hàng của Vinaconex giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt hơn 2.200 tỷ đồng trong quý III (cùng kỳ đạt hơn 2.400 tỷ đồng) và 6.380 tỷ đồng trong 9 tháng (cùng kỳ đạt hơn 6.600 tỷ đồng).

Báo cáo tài chính quý III của Vinaconex

Lợi nhuận sau thuế quý III.2018 đạt hơn 185 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đạt gần 368 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2017.

Giải thích về sự sụt giảm lợi nhuận, Vinaconex cho biết, cuối năm 2017, Công ty đã hoàn thành việc tái cơ cấu thêm một số đơn vị thành viên, dẫn đến lợi nhuận hợp nhất giảm do không có sự đóng góp lợi nhuận từ các công ty này.

Về hoạt động đầu tư của Công ty, một trong những khoản mục có nhiều thay đổi trong 9 tháng đầu năm là chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tăng từ 912 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.330 tỷ đồng tại thời điểm 30.9.2018.

Trong đó, dự án được Vinaconex đổ vốn vào nhiều nhất trong giai đoạn này là dự án xây dựng tại Công ty Bohemia, với giá trị xây dựng tăng từ 46 tỷ đồng lên 433 tỷ đồng. Ngoài ra, Vinaconex cũng đang rót vốn xây dựng tại Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và giá trị xây dựng trong 9 tháng tại Dự án đã tăng từ gần 71 tỷ đồng lên 128 tỷ đồng.

Trong hoạt động tài chính, Công ty có xu hướng chủ động chuyển tiền mặt và tiền gửi không kỳ hạn sang các khoản tiền gửi có kỳ hạn. Theo đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ hơn 2.200 tỷ đồng xuống còn hơn 1.200 tỷ đồng, nhưng đầu tư tài chính ngắn hạn tăng từ 1.200 tỷ đồng lên hơn 1.672 tỷ đồng.

Nợ phải trả cuối kỳ 12.453 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ; trong đó riêng giá trị vay nợ ngắn dài hạn của Vinaconex là 4.120 tỷ đồng, tương đương 25% cơ cấu nguồn vốn công ty.

Huyền Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/giai-ma-don-room-0-tai-ong-lon-xay-dung-vinaconex-929575.html