Giải mã chuyện trà đá vỉa hè ở miền Bắc

Miền Bắc vẫn giữ cách uống chè (trà) nóng ở các quán cóc ven đường, nhưng giờ trà đá cũng thành thói quen và là nhu cầu hằng ngày của nhiều người, không chỉ ở thành thị mà cả những vùng quê.

Trà chanh phố Nhà Thờ, Hà Nội - Ảnh: Phạm Hùng

Bắt đầu từ các quán “kem sờ” Bờ Hồ

Cuối thế kỷ 19, Pháp xâm chiếm Hà Nội. Vì khí hậu miền Bắc nóng bức vào mùa hè nên để bảo quản thực phẩm và duy trì thói quen dùng đá như ở Pháp, chính quyền đã cho xây nhà máy sản xuất nước đá ở phố Trần Nhật Duật. Nhà máy này chỉ cung cấp cho quân đội, các khách sạn, quán rượu còn người dân Hà Nội thì thờ ơ vì cũng không biết dùng đá vào việc gì.

Đến mãi những năm đầu 1920, khu vực phía tây hồ Gươm (nay là phố Lê Thái Tổ) xuất hiện các quán bán kem cốc ven hồ. Thị phi người làm thuê cho những quán kem là các cô gái “dễ dãi” nên dân chúng Hà Nội gọi là quán “kem sờ” Bờ Hồ. Khi khách ăn xong, người bán hàng rót cốc nước lọc cho vào vài viên đá rồi thêm một giọt bạc hà để khách tráng miệng. Từ đó người dân bắt đầu làm quen với nước đá. Sang những năm sau 1930, người Hà Nội quen thuộc hơn với ẩm thực Pháp vì thế họ bắt đầu uống thức uống có đá như: nước chanh, nước cam, sữa hay cà phê đá. Và đá trở thành nhu cầu cho giải khát của dân chúng đô thị này nhất là trong mùa hè.

Thời bao cấp, dân số Hà Nội đông hơn và người nhập cư cũng bắt chước thói quen uống nước giải khát có đá nên nhu cầu đá tăng cao, tuy nhiên công suất Nhà máy nước đá Trần Nhật Duật tăng ì ạch. Khi đó, nhà máy này chỉ cung cấp cho các cửa hàng giải khát quốc doanh. Trong khi tư nhân lại không được phép sản xuất đá dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu đá trong mùa hè. Sáng sáng, xe xích lô chở đá cây đến các cửa hàng giải khát trong thành phố và mỗi cửa hàng cũng chỉ được cấp số lượng nhất định, bán hết là thôi. Sáng mùa hè oi nóng mà nhìn thấy cây đá cũng cho cảm giác mát mẻ. Và trẻ con thế nào cũng lăn vào chạm cả bàn tay rồi áp lên má, mặc bác xích lô hay các cô nhân viên quát tháo. Lại có đứa nhặt những mẩu đá vỡ cho vào mồm, vừa ngậm vừa cười khoái chí. Đá chỉ là nước đóng băng nhưng vì thiếu nên nó trở thành thứ hàng hóa xa xỉ.

Thời đó các cửa hàng ăn uống giải khát quốc doanh quanh đi quẩn lại chỉ có cà phê đá, nước chanh đá, si rô đá... Mang tiếng là nước giải khát có đá song đá không đủ làm lạnh. Chưa uống hết cốc nước đá đã tan. Nếu ai xin thêm thì chỉ nhận được cái lắc đầu của nhân viên vì định lượng đá một cốc chỉ có thế. Định lượng này do cửa hàng đặt ra. Nhưng hết ca, thế nào trong cái làn của các bà, các cô cũng có cục đá mang về nhà cho chồng con.

Nội thành là vậy còn ngoại ô thì đá còn hơn cả thứ xa xỉ. Những năm 1970, muốn pha nước chanh cho con, các gia đình ở vùng ven chỉ có cách sáng sớm thả chai nước lọc xuống giếng, chiều đi làm về kéo lên. Chai nước nằm dưới đáy giếng cả ngày cũng hơi lành lạnh. Dù sao thứ “giống nước đá” này cũng an ủi được lũ trẻ.

Cắm vào thân cứ rung rung

Trước năm 1975, người Hà Nội không uống trà đá. Phần vì không có đá, phần không quen. Sau thống nhất đất nước, thói quen uống trà đá từ miền Nam lan ra ngoài bắc và bắt đầu ở Hà Nội vì Hà Nội có cơ sở sản xuất đá và nhiều gia đình có tủ lạnh. Cán bộ vào nam công tác, bộ đội phục viên, ông nào cũng cõng ra đủ thứ, khung xe đạp, búp bê, máy hát... Hồi đó có câu: “10 năm đi Nga không bằng 3 năm đi Đức, 3 năm đi Đức không bằng một lúc đi Sài Gòn”. Nhưng mang tủ lạnh ra bắc thì chỉ có cán bộ ở Hà Nội và một vài thành phố vì nhiều tỉnh khi đó còn không có điện.

Tủ lạnh Nhật hiệu Sanyo, Hitachi không dùng để đựng thực phẩm vì thực phẩm bán bằng tem phiếu ăn hằng ngày còn không đủ lấy đâu dư thừa mà tống vào tủ lạnh. Thế nên tủ lạnh chỉ có việc duy nhất là làm đá bán cho mấy bà bán nước chè đầu phố để bán chè đá. Gọi chè đá dễ nhầm với chè ngọt cho đá vào nên nhiều người quay sang dùng từ trà đá. Lâu dần ai cũng gọi là trà đá.

Nhưng thời bao cấp nguồn điện lưới vừa thiếu lại yếu. Vì thế phải sắm sút von tơ (bộ tăng giảm điện bằng tay). Có sút von tơ cũng khổ, điện bất ngờ tăng vọt không kịp hạ là cháy tủ lạnh. Và ban đêm chạy tủ làm đá, dứt khoát phải có một người trực bên cạnh. Khi chuông báo điện tăng kêu reng reng phải nhanh chóng vặn nút giảm ngay. Vất vả và gầy người vì mẻ đá nhưng dù sao cũng có một khoản tiền chợ.

Thập niên 1980, người đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô gửi hàng hóa về trong đó có tủ lạnh. Tủ Saratov của Liên Xô rất “nồi đồng, cối đá”. Và chức năng của nó cũng chỉ làm đá bán cho mấy bà bán trà đá đầu ngõ. Tuy nhiên tủ Saratov chạy không êm như tủ Nhật, khi cắm điện, thân tủ rung bần bật, lúc rút điện, nước đóng băng tan theo khe cửa chảy ra sàn, vì thế người nhiều chữ mới vịnh:

Cắm vào thân cứ rung rung

Rút ra nước chảy tứ tung ngoài sàn

Hỡi người quân tử giàu sang

Cắm vào xin chớ vội vàng rút ra”.

Bây giờ Hà Nội còn có phố trà đá, trà chanh Nhà Thờ. Tối tối, thanh niên ngồi kín vỉa hè, uống trà nói chuyện thế giới, lướt Facebook đúng khái niệm “trà đá, trà chanh chém gió”.

Nguyễn Ngọc Tiến

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/giai-ma-chuyen-tra-da-via-he-o-mien-bac-899234.html