Giải mã chân dung người Việt cổ

Cách đây 8 năm, khu mộ ở Động Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên được phát hiện với nhiều hộp sọ, bộ xương còn khá nguyên vẹn, được xác định có niên đại từ cách đây 2.100 năm, thuộc thời kỳ Đông Sơn.

Khuôn mặt, hình dáng của những con người thời kỳ đó thế nào, trang phục ra sao... là những điều còn bí ẩn, kích thích trí tưởng tượng của nhiều người.

Trực tiếp tham gia tiến hành khảo cổ khu mộ, TS Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã quyết định thử giải mã những bí ẩn đó.

Gương mặt cô gái 2.000 năm trước

Với mong muốn biết được khuôn mặt của người cổ xưa, TS Nguyễn Việt đã bắt tay vào phục dựng khuôn mặt từ những hộp sọ. Sau nhiều năm nghiên cứu, tiến hành, đến năm 2005, ông đã phục dựng hoàn chỉnh khuôn mặt của cô gái khoảng 17-18 tuổi thời Đông Sơn. Quá trình phục dựng đầy thử thách nhưng vô cùng lý thú.

Vì không thể phục dựng ngay trên sọ gốc nên trước tiên ông đã “chế” ra một hộp sọ bằng thạch cao thông qua khuôn đúc silicone. Đây là khâu mất nhiều thời gian bởi hộp sọ phiên bản đòi hỏi phải có kích thước, chi tiết giống hệt chiếc sọ gốc. Việc cần làm tiếp theo với nhà phục dựng là nghiên cứu xem đây là hộp sọ của người nam hay nữ và họ ở lứa tuổi nào.

Có nhiều phương pháp có thể xác định khuôn mặt là của một chàng trai trẻ, của một thiếu nữ, của một cụ ông hay một người đàn bà trung niên… Chẳng hạn như ở người nam, đường kính răng thường to, xương hàm góc cạnh, phần nối cơ lớn, xương ống chân hơi xoắn vì hay leo trèo, làm công việc nặng, ngược lại xương hông nam không rộng bằng xương hông nữ vì không có chức năng sinh sản… Còn muốn biết khuôn mặt đó của một người trẻ hay đã già, có thể dựa vào độ mòn của răng, độ liền của khớp, hoặc số lượng và độ mòn của răng khôn… Nhiều phương pháp có thể áp dụng cùng một lúc và đưa ra các kết quả có độ chính xác cao, độ chênh lệch chỉ trên dưới 5 tuổi.

Mạch máu dưới da trên sọ người Đông Sơn khai quật ở Động Xá, Kim Động, Hưng Yên (ảnh chụp qua kính hiển vi) - Ảnh: do TS Việt cung cấp

Công đoạn “đắp” phần mềm cho khuôn mặt như tai, mắt, miệng, mũi đòi hỏi việc tính toán kỹ lưỡng. Khi đã xác định được hộp sọ thuộc chủng người nào, các nhà phục dựng sẽ áp dụng các công thức tính chi tiết khuôn mặt của chủng người đó. Tuy nhiên, khi ứng dụng các công thức phần mềm do các nhà khoa học trên thế giới tính toán, TS Nguyễn Việt đã tiến hành chụp X-quang cho khoảng 100 người dân tại Hưng Yên để kiểm chứng và điều chỉnh để tìm ra công thức cho phù hợp với tập hợp sọ của người cổ Động Xá. Dựa vào xương lá mía, hốc mũi… người ta có thể biết đỉnh mũi ở đâu hay cánh mũi rộng đến đâu. Nếu muốn biết mắt nhỏ hay mắt to, mắt tròn hay mắt xếch, thậm chí mắt một mí hay hai mí có thể dựa vào lỗ tuyến lệ, đặc điểm xương viền trên hốc mắt... Các nhà khoa học có thể dựa vào vị trí của răng nanh để xác định độ rộng của miệng. Tuy tai là phần không xương, nhưng dựa vào vị trí các xương trên hộp sọ vẫn có thể tính được chiều dài, bề rộng và góc dựng của tai.

Với khoảng 60 bộ xương người Đông Sơn khai quật tại Động Xá, thì chiều cao của nữ giới trung bình từ 1m40 đến 1m50 và nam giới từ 1m45 đến 1m65

TS Nguyễn Việt

Từ chiếc hộp sọ phiên bản, tai, mắt, mũi, miệng… dần được hoàn thiện, khuôn mặt cũng dần dần hiện ra trước sự ngỡ ngàng với ngay chính người phục dựng. Kỹ thuật hiện đại đã giúp cho công việc phục dựng ngày càng nhanh và chính xác hơn. Không chỉ phục dựng đường nét, các nhà khoa học còn có thể tái hiện cả thần thái của khuôn mặt, thậm chí còn có thể biết người đó hay cười nhếch mép về phía bên nào.

Sau khi phục dựng hoàn chỉnh khuôn mặt của cô gái trẻ thời Đông Sơn, TS Nguyễn Việt tiếp tục tái hiện khuôn mặt của ba người nữ và một người đàn ông cũng thuộc khu mộ ở Động Xá, người lớn tuổi nhất nằm trong khoảng 40-45 tuổi.

Người Việt cổ có thấp bé?

Dựa vào phần xương đùi, xương cánh tay… các nhà khoa học có thể biết người đó đậm đà hay mảnh mai, cao hay thấp, thậm chí còn có thể biết người đó thuận tay bên nào. Sau khi xác định được những thông tin cơ bản, phần cơ được đưa vào khung xương chi tiết đến từng cơ một, một lớp sáp mỏng được phủ lên để làm da. Theo những nghiên cứu của TS Nguyễn Việt với khoảng 60 bộ xương người Đông Sơn khai quật tại Động Xá, thì chiều cao của nữ giới trung bình từ 1m40 đến 1m50 và nam giới từ 1m45 đến 1m65. Ông Nguyễn Việt cho biết thêm, bộ xương của người đàn ông thời Lý mà ông tìm thấy mới đây cho thấy đây là người tráng kiện, có chiều cao khoảng 1m70, tương tự hai bộ xương tìm được ở khu bãi cọc Bạch Đằng (Yên Giang, Yên Hưng, Quảng Ninh).

Để phục vụ nghiên cứu, tại Bảo tàng Phạm Huy Thông (xã Quảng Yên, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh), TS Nguyễn Việt xây dựng một kho lưu giữ xương cốt của người Việt cổ. Ông cho biết, số bộ xương người Việt cổ mà Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á lưu giữ đã lên tới gần 70 bộ, trong đó có cả những phần di cốt người thuộc văn hóa Hòa Bình có niên đại lên tới hàng chục nghìn năm, bộ có niên đại gần nhất là thuộc thời nhà Lê, cách đây khoảng 300-400 năm. Ngoài mong muốn đưa chân dung tổ tiên trong lịch sử đến gần với mọi người, TS Nguyễn Việt còn có dự định thực hiện bảo tàng người sáp đầu tiên tại Việt Nam.

Hiện nay, việc phục dựng khuôn mặt, hình dáng bằng phương pháp 3D đang rất phát triển và được ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới. Sắp tới Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á sẽ phối hợp với chuyên gia Mỹ để áp dụng phương pháp này ở Việt Nam. TS Nguyễn Việt cho biết, để kiểm chứng chân dung của cùng một bộ xương, các chuyên gia Mỹ và Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á sẽ cùng thực hiện độc lập và so sánh để hoàn thiện phương pháp.

Minh Ngọc
(còn tiếp)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/giai-ma-chan-dung-nguoi-viet-co-336069.html