Giải mã các công trình gần điện Kính Thiên

Ao, hồ lớn được xác định có từ thời Lê Trung Hưng, bị lấp vào khoảng cuối thế kỷ XVIII mới được các nhà khảo cổ học phát hiện gần điện Kính Thiên thuộc Trung tâm di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Các hiện vật và công trình được công bố trong Hội thảo báo cáo kết quả khảo cổ sáng 17/4 đã góp phần giải mã quá trình phục dựng không gian điện Kính Thiên.

 Vỉa gạch hoa chanh phát lộ.

Vỉa gạch hoa chanh phát lộ.

Lần đầu phát hiện ao, hồ trong hoàng cung

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, kết quả khảo cổ học tại phía Đông Bắc, gần khu vực điện Kính Thiên đã đưa ra những phát hiện mới, nhiều bất ngờ cùng nghi vấn về những giá trị văn hóa lịch sử dưới lòng đất.
Một hồ nước lớn được xác định có từ thời Lê Trung Hưng và bị lấp vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Dưới hồ nước là nhiều hiện vật thời Lý. Trong lòng hồ, các nhà khảo cổ tìm thấy các di vật đất nung, đồ gốm, đồ gỗ, trong đó lượng lớn là gạch ngói thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn… Các nhà khoa học giả định, đây là ao hoặc hồ nước được triều đình thời Lê Trung Hưng dựng lên. Giữa hồ phát hiện cấu trúc móng cột, móng nền chứng tỏ một khu vực chiếu nghỉ hoặc công trình mang tính trang trí, phục vụ nhu cầu thư giãn ngắm cảnh.

Điều đặc biệt, các di vật tìm thấy đều chạm rồng, từ vật liệu trang trí lợp mái cung điện có tráng men vàng, men xanh thuộc thời Lê sơ (thế kỷ XV - XVII) đến các vật dụng như chén, bát... Những di vật này cho phép hình dung rõ hơn về “ngói rồng” lợp trong khu vực chính điện Kính Thiên thời Lê sơ.

“Phát hiện này cho ta thêm kỳ vọng bộ mái điện Kinh Thiên chắc là đây, muốn phục dựng phải thể hiện nó ở kiến trúc này” – PGS.TS Bùi Minh Trí – Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh thành bày tỏ. Ngoài ra, kết quả khai quật này cũng thêm cơ sở để nghiên cứu tính chất và đời sống hoàng cung với các di vật là đồ gốm men của vương triều. Dấu tích nhà Mạc cũng lần đầu được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long.
Cùng với dữ liệu mới trong kết quả khai quật là những băn khoăn: “Ở thời Lê Trung Hưng, điện Kính Thiên là nơi thiết triều, thì đồ dùng phát hiện ở hồ nước có vai trò gì? Tại sao vua chúa lại cho đào hồ nước gần điện, quy hoạch kiến trúc thời Lê Trung Hưng là gì?” – PGS.TS Lưu Minh Trí cùng rất nhiều nhà khoa học băn khoăn. Câu hỏi đó chưa thể trả lời trong 1.000m2 khai quật năm 2017.
Tăng tốc khai quật?
Qua 16 năm khai quật, giá trị kiến trúc văn hóa của các triều đại trong 13 thế kỷ tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long mới được giới thiệu đến các nhà khoa học; chưa có công trình nào được phục dựng để lộ rõ những hiện hữu của các thế hệ vua chúa Việt. Chính vì vậy, GS Lưu Trần Tiêu cho rằng, các nhà khoa học có nên kiến nghị quy mô khảo cổ lớn hơn trong giai đoạn 2018 – 2021.

“Nên mở rộng kế hoạch khai quật mới thực hiện được dự án hoàn trả không gian điện Kính Thiên” – TS Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội bày tỏ. Nhiều nhà khoa học đồng quan điểm cần tăng tốc khai quật mới có thể thực hiện dự án tiếp nối là phục dựng không gian điện Kính Thiên. Đứng dưới góc độ phục vụ nhu cầu tìm hiểu di tích của Nhân dân, TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đã đến lúc các nhà khoa học cần kết nối lại kết quả khảo cổ học của 16 năm qua để lập bản đồ về các công trình thời xưa, xác định công trình nào có thể phục dựng, công trình nào không.
Phục dựng không gian điện Kính Thiên đã được Chính phủ phê duyệt, UBND TP Hà Nội lên đề án nghiên cứu thực hiện. GS Phan Huy Lê cho rằng không nên đẩy nhanh tiến độ khảo cổ, mà cần tập trung khai quật trong khu vực trước và sau điện Kính Thiên, để trong vòng 3 - 5 năm nữa có đủ dữ liệu phục dựng không gian điện Kính Thiên. Ngoài ra, GS Phan Huy Lê cũng đề nghị Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đề xuất tổ chức hội thảo tập hợp báo cáo kết quả khảo cổ, thậm chí cần phải công bố những kết quả khảo cổ tại vườn hồng, khu vực Nhà Quốc hội vốn vẫn được coi là bí mật.

Kết quả khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long năm 2017 phát hiện nhiều vật liệu ngói cong hình máng, ngói cong trang trí hình rồng có niên đại kéo dài từ thời Đại La, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Những hiện vật này là chứng tích kiến trúc cực kỳ đặc biệt ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, cho dù mang ảnh hưởng giao lưu Trung Quốc và Việt Nam nhưng có những sáng tạo đặc biệt.
PGS.TS Tống Trung Tín – nguyên Viện trưởng Viện khảo cổ học

Linh Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giai-ma-cac-cong-trinh-gan-dien-kinh-thien-314435.html