Giải mã bức màn ẩn sau 2 tên lửa 'sát thủ tàu sân bay' của Trung Quốc

Các tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc chỉ phát huy hiệu quả ở mức độ tương xứng với khả năng PLA sử dụng chúng, trong khi quân đội Trung Quốc lại thiếu kinh nghiệm vận hành.

"Sát thủ tàu sân bay"

Hiện Trung Quốc có 2 loại tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) được biết đến nhiều nhất là DF-21D và DF-26. Chúng được ra mắt chính thức lần đầu tiên trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng của Bắc Kinh năm 2015.

Theo công bố của Trung Quốc, tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) DF-26 "có khả năng tấn công hạt nhân/phi hạt nhân", có thể tấn công các mục tiêu cỡ vừa và cỡ lớn trên mặt nước.

Được mệnh danh là "sát thủ đảo Guam", DF-26 có tầm bắn 3.000-4.000km, đủ để tấn công các căn cứ của Mỹ tại Guam. Bên cạnh đó, nó có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm trung-xa nhằm vào các mục tiêu trên bộ/biển.

Đối với Trung Quốc, DF-26 là "một vũ khí mới mang tính răn đe chiến lược".

Trong khi đó, tên lửa đạn đạo DF-21D được mô tả như một "cây chùy của sát thủ", với khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt nước. Nó là công cụ đắc lực của Trung Quốc trong tác chiến hàng hải phi đối xứng.

Tin tức về chương trình phát triển DF-21D đã rộ lên gần 2 thập kỷ qua, và nó đã được các nguồn tin mở phân tích sâu rộng.

Tên lửa đạn đạo DF-21D của Trung Quốc. Ảnh: Sohu

Tên lửa đạn đạo DF-21D của Trung Quốc. Ảnh: Sohu

Bắt nguồn từ khao khát "dùng mặt đất để kiểm soát biển", chương trình phát triển ASBM của Bắc Kinh ban đầu được thúc đẩy bởi một thực trạng là Trung Quốc không đủ khả năng đáp trả tương xứng với sự can thiệp ở mức "không thể chấp nhận được" của Mỹ vào cuộc khủng hoảng Đài Loan 1995-1996, và cuộc đánh bom được cho là có chủ ý của Mỹ nhằm vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade trong chiến tranh Kosovo 1999.

Trong quá trình phát triển DF-21D, các kỹ sư Trung Quốc đã dựa vào ý tưởng và công nghệ từ tên lửa đạn đạo MGM-31B Pershing II của Mỹ. Độ chính xác cao và khả năng cơ động trong giai đoạn bay cuối của tên lửa Mỹ tỏ ra rất hữu dụng đối với các mục đích của Trung Quốc, mặc dù sau đó họ phải tiến hành điều chỉnh một số khía cạnh để cho phép tên lửa có khả năng tấn công mục tiêu di động trên biển.

Theo một tài liệu năm 2004, Trung Quốc từng cân nhắc nghiêm túc ít nhất 5 phương thức để có thể sử dụng ASBM chống lại nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ (CSG):

- Quấy rối bằng hỏa lực nhằm vào các nhóm CSG.

- Bắn các loạt đạn thị uy phía trước nhóm CSG để cảnh cáo.

- Dùng lực lượng hải quân Trung Quốc (PLAN) chặn đầu nhóm CSG, sau đó bắn loạt đạn cảnh cáo về phía nhóm này theo hướng đối diện với mạn sườn đang yếu thế của Trung Quốc. Phương thức này nhằm khiến nhóm CSG của Mỹ phải tránh xa khu vực mà Trung Quốc cảm thấy đang bị đe dọa nhất.

- Tấn công hỏa lực tập trung, trong đó tàu sân bay là mục tiêu trọng tâm.

"Khi đối phương huy động nhiều tiêm kích hạm để tiến hành các đợt tấn công liên tiếp nhằm vào bờ biển của Trung Quốc thì để ngăn chặn những cuộc không kích ác liệt này, Trung Quốc cần giáng một đòn mạnh mẽ vào tàu sân bay xương sống của họ" – Tài liệu nêu rõ.

- Tấn công thông tin, trong đó mục tiêu là tấn công hệ thống điều khiển và chỉ huy của nhóm CSG bằng các phương pháp tiện từ để vô hiệu hóa nó. Cụ thể ở đây là sử dụng tên lửa mang các đầu đạn con chống bức xạ hoặc đạn xung điện từ.

Uẩn khúc trong năng lực tác chiến

Theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc năm 2015 về quân đội Trung Quốc, DF-21D đã được Trung Quốc triển khai với số lượng nhỏ, để mang lại cho họ khả năng tấn công các tàu chiến ở tây Thái Bình Dương trong phạm vi 1.667km từ bờ biển Trung Quốc.

Mặc dù còn nhiều nghiên cứu cần được tiến hành thêm để làm rõ về DF-21D nhưng chương trình tên lửa này lại được Trung Quốc che giấu khá kỹ càng, trái ngược với DF-26.

Trong số những thông tin sẵn có hiện nay, chưa có căn cứ nào cho phép xác định chính xác khả năng tác chiến thực của các ASBM Trung Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột.

Đầu tiên, không rõ khả năng của Trung Quốc tới đâu khi triển khai DF-26 tấn công mục tiêu, nhất là về ngưỡng cuối tầm bắn của tên lửa này.

Tên lửa đạn đạo DF-26. Ảnh: Global Times

Bằng cách trình diễn DF-21D và DF-26 trong cuộc duyệt binh, Bắc Kinh muốn thể hiện rằng các tên lửa của họ đã được thử nghiệm kỹ lưỡng và được chấp nhận vào biên chế. Tuy nhiên, tổ hợp trinh sát đóng vai trò hỗ trợ chúng vẫn chưa hoàn thiện.

Được biết, Bắc Kinh đang đầu tư phát triển nhiều loại vệ tinh mới để phục vụ mục đích này nhưng cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã thử nghiệm ASBM một cách toàn diện nhằm vào mục tiêu di động trên biển.

Thứ hai, ngay cả nếu các ASBM của Trung Quốc đạt được đủ khả năng hoạt động ở tất cả các giai đoạn trong "chuỗi tiêu diệt" của họ thì chúng vẫn có thể bị đánh bại bởi các phương thức ứng phó của đối thủ.

Trong bối cảnh Mỹ đang có nhiều phương thức đối phó với ASBM và các loại tên lửa khác của Trung Quốc, giới phân tích phương Tây chỉ đánh giá DF-21D là một "nhân tố gây phức tạp", thay vì "nhân tố thay đổi cuộc chơi".

Theo Phó Giáo sư Andrew S. Erickson tại Đại học Chiến tranh Hàng hải (Mỹ), các ASBM của Trung Quốc chỉ phát huy hiệu quả ở mức độ tương xứng với khả năng quân đội Trung Quốc (PLA) sử dụng chúng, kết hợp với các hệ thống liên quan. Trung Quốc sẽ còn gặp phải nhiều thách thức trong vấn đề này.

QS

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giai-ma-buc-man-an-sau-2-ten-lua-sat-thu-tau-san-bay-cua-trung-quoc-82020318103131942.htm