Giải mã bí mật ở ngọn núi thiêng nổi tiếng giữa thành Vinh

Ngày nay, những trang sử khói lửa đã khép lại ở núi Dũng Quyết. Ngọn núi được du khách gần xa biết đến như một danh thắng phải ghé thăm ở thành Vinh.

Nằm ở bờ bắc sông Lam, thuộc quần thể Lâm viên Núi Quyết, thuộc địa bàn phường Trung Đô, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, núi Dũng Quyết hay núi Quyết vừa là thắng cảnh nổi tiếng, vừa là một địa danh tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử xứ Nghệ.

Nằm ở bờ bắc sông Lam, thuộc quần thể Lâm viên Núi Quyết, thuộc địa bàn phường Trung Đô, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, núi Dũng Quyết hay núi Quyết vừa là thắng cảnh nổi tiếng, vừa là một địa danh tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử xứ Nghệ.

Ngọn núi này đã chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong suốt hàng nghìn năm. Vào buổi khởi nguyên của dân tộc Việt, vua Kinh Dương Vương đã cho xây dựng đồn lũy trên núi Quyết để quan sát cả một vùng biên cương rộng lớn. Đến thế kỷ thứ 8, Mai Thúc Loan đã xây chiến tuyến trên núi trong cuộc chiến chống lại sự đô hộ của nhà Đường.

Năm 1003, vua Lê Đại Hành thân chinh kéo quân vào vùng Dũng Quyết, đóng đại bản doanh dưới chân núi Quyết. Năm 1039, Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ đã cho xây Vọng hải đài ở đỉnh cao nhất trên núi Quyết và cho lập Đồn Thủy sát chân núi làm trạm canh phòng đường thủy.

Năm 1285, vùng núi Dũng Quyết trở thành phòng tuyến đánh giặc Nguyên Mông của nhà Trần. Năm 1428, sau khi đại thắng quân Minh, Lê Lợi chính thức lên ngôi vua và chọn vùng đất phía Tây núi Dũng Quyết làm đại bản doanh, dựa vào thế núi để lập đồn lũy.

Từ thời Quang Trung, vùng Dũng Quyết càng có tầm quan trọng lớn lao. Năm 1788, khi kéo quân ra Bắc để đánh quân nhà Thanh, ông dừng chân ở Lam Thành (Nghệ An) cho xây dựng đồn lũy ở Dũng Quyết, tuyển mộ thêm 5 vạn quân và thần tốc tiến ra Bắc Hà, lập chiến công hiển hách đánh tan 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh.

Sau khi thống nhất đất nước, Hoàng Đế Quang Trung xuống chiếu xây dựng Kinh thành Phượng Hoàng - Trung Đô dựa vào sườn phía Tây núi Dũng Quyết. Tiếc rằng việc xây dựng kinh đô mới còn dang dở thì Quang Trung lâm bệnh và đã qua đời đột ngột vào ngày 16/9/1792.

Đến thời hiện đại, núi Dũng Quyết là địa danh gắn với nhiều sự kiện của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), Bến Thủy – Dũng Quyết là nơi diễn ra cao trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lao động, khiến chính quyền thực dân chao đảo.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhân dân thành phố Vinh và vùng núi Quyết đã phá hoại mọi cơ sở vật chất, làm vườn không nhà trống để ngăn chặn bước chân xâm lược của thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thành phố Vinh bị đánh phá có tính hủy diệt. Vùng núi Quyết - Bến Thủy là túi bom. Núi Quyết trở thành trận địa phòng không lớn, nơi những khẩu cao xạ sẵn sàng giáng đòn hủy diệt vào kẻ thù. Từ ngọn núi này, chiếc máy bay phản lực F4D đầu tiên của Mỹ đã bị bắn rơi vào ngày 5/8/1964.

Trong cuộc kháng chiến trường ký, thành phố Vinh đã có 1.500 người hy sinh và 3.500 người bị thương, rất nhiều người trong đó đã để lại máu thịt của mình trên núi Quyết. Đây chính là nơi có nhiều tập thể và cá nhân anh hùng nhiều nhất cả nước, như một sự tiếp nối truyền thống hội tụ anh hùng từ buổi đầu dựng nước.

Ngày nay, những trang sử khói lửa đã khép lại ở núi Dũng Quyết. Ngọn núi được du khách gần xa biết đến như một danh thắng phải ghé thăm ở thành Vinh. Từ chân núi, một con đường nhựa tuyệt đẹp xuyên rừng thông xanh tốt sẽ đưa du khách lên khám phá ngọn núi lịch sử.

Sau quãng đường dài 1 km, du khách sẽ đến với đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Được khánh thành năm 2008, nhân kỷ niệm 220 năm lịch sử thành Phượng Hoàng Trung Đô, đây là đền thờ người anh hùng áo vải có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam.

Từ khu vực đền thờ, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn một góc thành phố Vinh với dòng sông Lam hùng vĩ.

Từ sân đền, bước lên 70 bậc thang sẽ tới đỉnh núi Quyết. Đây là nơi lưu giữ các chứng tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời có một vọng đài để ngắm nhìn trọn vẹn khung cảnh vùng núi Dũng Quyết với ngàn thông vi vu và thành phố Vinh đổi thay từng ngày, thấp thoáng sau các tán thông xanh.

Khi đã đặt chân lên nơi đây, xin đừng quên thắp một nén hương tưởng nhớ những người đã đóng góp xương máu cho đất nước có một ngày hôm nay bình yên và tươi đẹp…

Mời quý độc giả xem video: Nghe ca khúc Việt Nam quê hương tôi.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-ma-bi-mat-o-ngon-nui-thieng-noi-tieng-giua-thanh-vinh-1274557.html